Sẵn sàng du học – Mọi người thường than rằng họ quá bận đi làm, đi học tới mức không có nổi thời gian đọc sách. Tuy nhiên, việc đó sẽ chấm dứt nếu bạn áp dụng “Nguyên tắc số 4” sau đây để biến đọc sách thành thói quen lâu dài.
So với cách đây 10 năm, số lượng người Mỹ có thói quen đọc sách đã ít hơn 30%. Trong thời đại mà đâu đâu cũng thấy những chiếc màn hình, con người gần như không thể tìm ra thời gian cho việc đọc sách. Nhiều người thậm chí còn cảm thấy khó khăn khi cầm một cuốn sách lên.
Vậy nên, bạn đừng ngạc nhiên hay thất vọng nếu thấy mình ngủ quên khi chỉ mới đọc đến trang thứ 2. Suy cho cùng, bạn sẽ chẳng đời nào tham gia chạy marathon nếu không từng tập chạy bộ quanh nhà trước đó. Bạn cũng sẽ không bao giờ chịu nấu bữa tối cho bạn bè nếu món tủ của bạn chỉ dừng lại ở mì gói. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc đọc sách. Muốn hình thành thói quen này, bạn phải xây dựng và tập luyện những kỹ năng đọc cần thiết, với một chiến lược rõ ràng như bất kỳ vận động viên hay chuyên gia nào trong lĩnh vực của họ.
Nếu bạn chưa từng đọc sách, tôi sẽ giới thiệu cho bạn một kế hoạch. Theo đó, bạn sẽ đọc các thể loại sách khác nhau, về nhiều lĩnh vực khác nhau, và biến nó thành thói quen hàng ngày. Nhưng đừng nghĩ tôi sẽ ép buộc bạn giống như các bác sĩ bắt trẻ con ăn rau xanh: Nó tốt cho bạn, vì thế hãy nghiến răng mà "nuốt" những cuốn Shakespeare đó đi, rồi bạn có thể trở nên thông minh hơn, giàu tình cảm hơn, biết cảm thông hơn,…
Một người đọc sách chân chính sẽ cần một thứ gì đó bản năng hơn – một thứ mà tác giả ưa thích của tôi, Dante, đã khám phá ra khi ông gặp người dẫn đường Virgil tại cổng địa ngục trong Trường ca Thần khúc. Dante đã khẳng định rằng, chính "lungo studio e grande amore" – quá trình nghiên cứu lâu dài và tình yêu lớn – đã đưa ông tới những áng thơ tuyệt vời của Virgil trong tác phẩm the Aeneid. Cũng chính đam mê đó đã đưa chúng ta hòa mình vào thế giới sách, và quan trọng hơn cả là, khiến chúng ta chỉ muốn ở lại đó. Dante đã nói, đọc những cuốn sách khó nhằn như the Aeneid thật sự không hề dễ dàng, vì vậy chúng ta cần tới "quá trình nghiên cứu lâu dài". Muốn trở thành một người đọc sách giỏi, bạn cần thời gian và sự chăm chỉ. Và bạn cũng cần một kế hoạch nữa.
Giải pháp đơn giản nhất là: hãy áp dụng "Nguyên tắc số 4". Dành ra 4 ngày/tuần, 45 phút/ngày để đọc sách thuộc 4 nhóm khác nhau, theo bất cứ thứ tự nào mà bạn muốn. Và bạn đừng quên ghi lại những gì đã học được trong 180 phút, tương đương với 3 tiếng/tuần đó.
Nhóm sách đầu tiên bao gồm những cuốn sẽ trở thành "chốn nương tựa", đem lại động lực cho bạn. Trinh thám, thơ ca, khoa học viễn tưởng, self-help,… – bất cứ thứ gì bạn cảm thấy yêu thích nhất. Chỉ cần bạn thực sự đam mê những cuốn sách đó, việc đọc sách sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ 2 yếu tố then chốt: vui vẻ và thân thuộc. Thậm chí, chúng sẽ trở thành gia đình của bạn. Giống như bao cá nhân khác, những người yêu sách cũng cần tới một mái nhà.
Nhóm sách thứ hai là tiểu thuyết đương đại. Ai là những cây bút đang thay đổi mặt bằng văn học ngày nay? Ai là những gương mặt mới, những gương mặt chủ chốt trong nền văn học hiện đại? Văn học không chỉ bị giới hạn trong thư viện hay lớp học. Nó không phải là món đồ trưng bày trong bảo tàng. Bằng cách đọc những tác phẩm mới, "nóng bỏng tay", bạn sẽ được hòa mình vào thế giới, từ đó khiến trải nghiệm đọc ngày càng thú vị hơn. Bạn sẽ khám phá ra những vấn đề được tác giả cô đọng trên từng trang sách trước mặt, bằng một thứ ngôn ngữ mà chỉ có sách mới biết rõ nhất: ngôn ngữ của sự tưởng tượng và hư cấu.
Nhóm sách thứ ba sẽ đưa chúng ta từ miền tưởng tượng về lại với thực tế. Đâu là những tác phẩm quan trọng nói về thế giới, chính trị, lịch sử và xã hội, bản chất con người và thế giới tự nhiên? Ai là những chuyên gia không ngại khám phá để trả lời những câu hỏi hệ trọng nhất? Đâu là những bộ óc phi phàm trong quá khứ lẫn thực tại đã tạo ra những kiến thức cần thiết? Văn học không chỉ là sự tưởng tượng, vậy nên, bạn cũng đừng bỏ qua những tác phẩm phi hư cấu. Giống như nhà thơ Percy Bysshe Shelley đã từng nói, Plato cũng đầy chất thơ chẳng khác nào Shakespeare.
Nhóm sách thứ tư, và cũng là nhóm sách cuối cùng để hoàn tất thói quen đọc sách của chúng ta: những tác phẩm kinh điển. Đây là những tác phẩm huyền thoại, sống mãi với thời gian và có chỗ đứng nhất định trong "ngôi đền văn học". Đối mặt với nhóm sách "khó nhằn" này, bạn sẽ gặp gỡ Ovid, Stendhal, William Wordsworth, Mary Shelley, Virginia Woolf, W. E. B. Du Bois hay Toni Morrison,… và còn nhiều cái tên khác.
Những cuốn sách này đứng vững qua thời gian là có lý do của nó: Kỳ diệu thay, thông điệp mà chúng gửi gắm vẫn còn nguyên giá trị sau hàng thập kỷ, hàng thế kỷ, thậm chí cả thiên niên kỷ. Khi Dante viết những câu đầu tiên của Thần khúc – "Nửa đời thoáng qua thật nhanh / Tôi thấy mình lạc rừng xanh mịt mùng", ông cũng chẳng thể ngờ được những vần thơ đó sẽ ứng nghiệm sau đó 700 năm. Thật không may, chúng ta rồi sẽ luôn thấy mình lạc lối trong cơn khủng hoảng mà Dante đã miêu tả. Phải nhờ đến những tuyệt tác như vậy, con người ta mới tìm ra con đường để thoát khỏi cánh rừng u tối của chính mình.
Hãy đọc 4 nhóm sách, trong 4 ngày, mỗi ngày 45 phút. Chỉ cần tuân theo "Nguyên tắc số 4" này, bạn sẽ biến cuộc đời thành "lungo studio e grande amore" – một cuộc hành trình đi tìm sự hiểu biết với tất cả niềm đam mê to lớn của mình.
Bài chia sẻ của tiến sĩ Joseph Luzzi đến từ ĐH Yale. Hiện ông đang là giáo sư ngành Văn học so sánh tại Trường ĐH Bard và là người sáng lập chương trình DeepRead chuyên về nghệ thuật lãnh đạo qua thơ ca và nhăn văn.
Cá Domino (SSDH) – Bài viết có sử dụng bản dịch tác phẩm "Thần khúc" của GS. Nguyễn Văn Hoàn