Sẵn sàng du học – Việc học tập cũng giống như kinh doanh, nếu bạn không cẩn trọng ắt sẽ bị thua lỗ.
Ngày nay để có được một việc làm ổn định trong xã hội, một tương lai xán lạn và bền vững thì hầu hết ai cũng chọn cho mình con đường đơn giản và dễ đi nhất đó là "Đại học". Thế nhưng đại học cũng chỉ là một kì thi và không hẳn ai cũng may mắn trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc thi đó. Cũng có những người thất bại mặc dù năng lực của họ đủ sức để vượt qua. Vậy trượt đại học rồi sẽ làm gì? Học lại để thỏa đam mê hay tìm đại một ngôi trường nào đó mà xây dựng một ước mơ mới cho bản thân. Đó là một vấn đề không chỉ mang tính cảm xúc hay lí trí để quyết định mà còn là một vấn đề cần được đem ra tính toán kĩ lưỡng để không bị sai lệch.
Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế, việc tiếp tục học hay từ bỏ để học một thứ khác có nên hay không nên thì ta cần suy xét trên nhiều phương diện.
Trước hết, tình huống giả định ở đây là bạn đang là sinh viên năm 3 của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành luật kinh tế. Thế nhưng đó là do hoàn cảnh đưa đẩy, thực ra ước mơ và đam mê của bạn lại là ngành quan hệ quốc tế của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Vậy liệu rằng bạn có chịu đánh đổi 3 năm trời tại Đại học Luật để đổi lấy ước mơ mà bạn luôn khao khát?
Thử tưởng tượng rằng bạn chịu đánh đổi và hãy cùng nhau tính toán. Ví dụ trong 1 năm học tại Đại học Luật bạn đã chi 10 triệu cho tiền học phí, tiền chi phí phát sinh là 1 triệu/tháng. Vậy tổng chi phí kế toán 1 năm của bạn là 22 triệu và trong 3 năm sẽ là 66 triệu. Bên cạnh đó, nếu từ bỏ bạn sẽ đánh mất 3 năm học, khoảng thời gian 3 năm nếu như không phải là đi học bạn sẽ làm được rất nhiều việc, một ví dụ điển hình như làm công nhân với mức lương 3 triệu/tháng. Vậy 3 năm bạn sẽ có thu nhập là 108 triệu. Cộng tất cả lại thì tổng chi phí kinh tế của bạn sẽ là 174 triệu, một con số không hề nhỏ. Vậy khi bạn quyết định từ bỏ khoảng thời gian 3 năm đó để bắt đầu lại từ đầu liệu có phải là quá lãng phí không?
Việc học tập cũng giống như kinh doanh, nếu bạn không cẩn trọng ắt sẽ bị thua lỗ. Theo như phân tích bên trên thì từ bỏ 3 năm đồng nghĩa với việc bạn từ bỏ một số tiền rất lớn. Nhưng số tiền đó bạn đã chi ra rồi, đó là những chi phí bạn đã bỏ ra trong quá khứ và tất nhiên không bao giờ bạn có thể lấy lại được. Nếu tiếp tục học, bạn vẫn sẽ tiếp tục chi tiền cho những khoảng thời gian vô dụng một cách lãng phí bởi vì bạn không hề có hứng thú với ngành luật, bạn không muốn làm luật sư, bạn muốn trở thành một nhà ngoại giao. Do đó nếu cứ tiếp tục bạn sẽ cảm thấy nhàm chán, áp lực và không tiếp thu được.
Ngày qua ngày số tiền bạn bỏ ra sẽ chẳng đem lại nguồn lợi nào xứng đáng bởi bạn học không tốt, bạn nợ môn, bạn thi lại và bạn tiếp tục chi tiền nhiều hơn là dự kiến. Cứ như vậy việc đầu tư tiền và thời gian của bạn sẽ trở nên vô ích, thậm chí là thành quả sẽ bị "lỗ" so với nguồn đầu vào mà bạn đã chi ra. Vậy phương pháp giải quyết tối ưu ở đây chính là "từ bỏ". Những chi phí kia bạn không lấy lại được cũng đồng nghĩa chúng không còn liên quan gì việc bạn quyết định học lại hay không.
Thế thì tại sao ta không tự mở ra cho mình một chân trời mới đó là theo đuổi đam mê của bản thân? Chính từ đam mê đó sẽ là động lực thôi thúc bạn học hành ở trường xã hội nhân văn tốt hơn ở trường đại học luật. Và cũng cùng một nguồn đầu vào như nhau thế nhưng thành quả cho ra sẽ rất khác, chắc chắn rằng khi làm việc cùng với đam mê bạn sẽ cho ra năng suất sản xuất tối ưu mà bạn không ngờ tới.
Tóm lại việc có nên thi đại học lại hay là không tùy thuộc rất nhiều vào bản thân và kinh tế của mỗi người, mỗi gia đình. Thế nhưng đứng trên lập trường là một nhà kinh tế, việc thi lại để theo đuổi đam mê sẽ là giải pháp hiệu quả cho những ai vẫn còn đang phân vân giữa đánh đổi và tiếp tục, bởi như Publilius Syrus đã từng nói: "Thà học muộn còn hơn không bao giờ học".
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14