Sẵn sàng du học – Chính phủ Anh vừa cho phép các sinh viên quốc tế ở lại 2 năm sau khi tốt nghiệp để tìm kiếm việc làm, một phần trong nỗ lực nhằm thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.
Các sinh viên quốc tế sẽ có thể ở lại Anh tìm việc làm trong tối đa 2 năm kể từ khi tốt nghiệp là quy định mới được Chính phủ Anh công bố ngày 11/9. Quy định mới sẽ áp dụng cho sinh viên quốc tế bắt đầu các khóa học đại học hoặc cao hơn kể từ năm 2020.
Theo quy định hiện hành do cựu Thủ tướng Theresa May đề xuất khi bà giữ chức bộ trưởng nội vụ, các sinh viên quốc tế chỉ được phép lưu lại Anh 4 tháng sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết quy định mới này sẽ cho phép sinh viên nước ngoài làm việc hoặc tìm việc làm, bất kể đó là việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp hay cao.
Các sinh viên sau đó có thể chuyển đổi sang thị thực lao động lành nghề nếu họ tìm được một việc làm đáp ứng nhu cầu. Theo Chính phủ Anh, sẽ không có giới hạn về số lượng sinh viên có thể nộp đơn đăng ký lộ trình tìm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Hiện có khoảng 450.000 sinh viên quốc tế theo học ở Anh mỗi năm.
Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson cho rằng việc giới thiệu lộ trình tốt nghiệp mới sẽ giúp đảm bảo rằng ngành giáo dục đại học đầy danh tiếng của Anh có thể tiếp tục thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới đến với "xứ sở sương mù".
Ông Williamson đánh giá, các sinh viên quốc tế đã đem lại nhiều đóng góp quan trọng của sinh viên quốc tế đối với nước Anh nói chung và các trường đại học nói riêng, cả về văn hóa và kinh tế.
Tuy nhiên, trước những quan ngại về vấn đề nhập cư – nguyên nhân đằng sau cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 dẫn tới quyết định đưa Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), quyết định mới của Chính phủ Anh đã vấp phải sự phản đối của tổ chức theo dõi nhập cư Migration Watch.
Theo tổ chức trên, quy định mới sẽ dẫn tới tình trạng sinh viên nước ngoài ở lại Anh để làm các công việc tay nghề thấp, biến du học trở thành "cánh cửa" để sinh viên nước ngoài đến Anh và tìm cách định cư lâu dài.
Thái Hải (SSDH) – Theo TTXVN/Vietnam+