4 luật bất thành văn khi viết CV du học ai cũng phải nắm vững

0

Sẵn sàng du học – Không giống với CV xin việc, một chiếc CV xin học bổng “xịn” có khá nhiều điều đặc biệt cần lưu ý!

Hội "săn" học bổng hẳn đã quá nhẵn mặt với một chiếc CV xin học bổng du học. Rõ ràng, ngoài những giấy tờ chứng từ như bảng điểm, thư giới thiệu (letter of recommendation), bài luận cá nhân (statement of purpose), CV (Curriculum Vitae – bản lý lịch học tập và làm việc) là một phần mang tính quyết định khá quan trọng trong hồ sơ.

Nếu chỉ biết đi tìm trên mạng những mẫu làm CV du học, rất nhiều bạn sẽ mắc phải một số lỗi khá cơ bản khi tự tay viết. Hãy cùng tham khảo 4 quy luật "bất thành văn" khi viết CV mà rất ít người biết nhé!

Hiếm hoi mới có một bài luận khiến các nhà tuyển sinh rơi nước mắt.

Hiếm hoi mới có một bài luận khiến các nhà tuyển sinh rơi nước mắt.

CV không phải chỗ để kể lể

Một bản lý lịch học tập và làm việc chắc chắn không được phép viết quá dài. Thậm chí, một số học bổng còn yêu cầu CV chỉ được phép nằm trong một trang. Khác với CV xin việc, Hội đồng tuyển sinh sẽ phải đọc từng câu, từng chữ trong CV của bạn để đưa ra quyết định "lọc" hồ sơ lượt đầu. Vì thế, nếu để họ phải đọc 2-3 trang kín chữ với những chi tiết rườm rà thì nguy cơ trượt của bạn sẽ rất cao.

Vốn dĩ không hồ sơ nào hoàn hảo, nên nhiều người có xu hướng giải thích cho các "lỗ hổng" của phần kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu, thực tập,… trong CV bằng các câu văn dài dòng chiếm nhiều diện tích.

Hãy nhớ rằng, CV chỉ là nơi liệt kê những gì bạn có, còn những điều giải thích cho CV, thực chất lại nằm ở bài luận cá nhân. Vậy nên, hãy bỏ tất cả những từ thừa và tránh "kham" quá nhiều câu văn kể chuyện. Việc đó chỉ chứng minh tư duy của bạn chưa đủ mạch lạc thôi.

Không định nghĩa lại kỹ năng

Quy luật thứ 2 khi viết CV xin học bổng du học là: không định nghĩa lại các kỹ năng. Nếu bạn tự tin về bất cứ kỹ năng nào của bạn, đừng mất công miêu tả lại những điều đó.

Ví dụ, một sinh viên có thể miêu tả phần kỹ năng làm việc nhóm của mình bằng những câu nói như: biết lắng nghe ý kiến, biết quản trị rủi ro khi đưa ra quyết định, có khả năng hòa đồng với các thành viên,… Thực chất, bạn đang định nghĩa các kỹ năng này mà chưa chứng minh cho Hội đồng tuyển sinh thấy rằng bạn thực sự có chúng.

Vậy cách tốt nhất để chứng minh bạn thực sự có kỹ năng là gì?

Hãy đưa ra những kinh nghiệm thực tế khiến bạn phát triển các kỹ năng đó! Còn nếu không tìm được công việc hay hoạt động ngoại khóa nào để cho vào phần này, hãy xem lại bản thân mình xem bạn đã thực sự có kỹ năng đó không nhé!

du-hoc-an-do

Chỉ liệt kê các công việc được trả tiền

Có rất nhiều tổ chức và câu lạc bộ ngày nay hoạt động chuyên nghiệp không kém gì các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn được phép cho các hoạt động ngoại khóa, xã hội của mình vào phần kinh nghiệm làm việc.

Công việc không được trả tiền duy nhất bạn được phép liệt kê trong phần này chính là các việc làm thực tập. Trong khi đi thực tập, bạn được trải nghiệm và tìm hiểu về cơ cấu, văn hóa, cách thức vận hành của công ty, nên nó đem lại giá trị như một công việc trả tiền. Còn nếu cảm thấy bản thân mình chưa có đủ nhiều kinh nghiệm làm việc thì cũng đừng lo. Những gì bạn học được từ công việc chắc chắn quan trọng hơn số lượng việc làm rất nhiều.

Cụ thể hóa thành tích bằng các con số

Nguyên tắc cuối cùng cho những bộ hồ sơ thành công là "khoe" thành tích bằng các con số cụ thể. Điều này áp dụng cho những chứng chỉ như GMAT, GRE, LSAT,…, điểm GPA tại trường bạn theo học và cả những thành tích bạn đạt được khi làm việc.

Đối với các chứng chỉ quốc tế, bạn nên mở ngoặc đằng sau điểm số xếp hạng cụ thể của bạn so với những người thi cùng thời điểm trên thế giới. Bên cạnh đó, GPA cao hay thấp cũng là điều Hội đồng tuyển sinh sử dụng để xét duyệt hồ sơ của bạn. Nếu phải học một chương trình quá khó và điểm tích lũy không cao lắm, hãy thử xin một thầy cô giáo ở phòng Quản lí Đào tạo bảng xếp hạng điểm của bạn so với toàn lớp. Giả dụ, điểm của bạn chỉ là 7.0 nhưng lại đứng thứ 2/156 sinh viên toàn khối, hãy trình bày chứng cứ đó trên CV.

Ngoài ra, nếu bạn đang cảm thấy rằng, trên thực tế, người xét duyệt học bổng cũng chẳng biết nơi bạn làm việc có uy tín như thế nào tại một quốc gia như Việt Nam, thì vẫn còn một cách! Hãy cụ thể hóa "độ hoành tráng" đó ra thành con số. Ví dụ, nếu bạn gây dựng một website chuẩn SEO với 2,000,000 người dùng mỗi ngày, thì tại sao lại không ghi vào CV nhỉ?

Thái Hải (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply