5 kĩ năng mềm nhất định sinh viên phải luyện tập để có được

0

Sẵn sàng du học – Kỹ năng mềm là gì? Theo định nghĩa: Kỹ năng mềm là một đại lượng vô hình, liên quan tới đặc tính cá nhân, liên cá nhân và là tổng hòa của các yếu tố: kỹ năng con người, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, thái độ, thông minh xã hội, và thông minh cảm xúc. Kỹ năng mềm tốt sẽ giúp giao tiếp tốt và đem lại kết quả tốt trong làm việc, học tập, kinh doanh.

Dưới đây, là những chia sẻ của Giảng viên Trần Đức Huân – Giảng viên Đại học mỏ địa chất giới thiệu với các bạn 5 kỹ năng mềm cần thiết nhất, không chỉ phục vụ học tập mà nếu làm chủ sẽ đảm bảo sau này có cuộc sống dễ dàng hơn.

“Đạo đức” là nền tảng tạo nên bộ “Kỹ năng mềm“, tức là “cứ ngộ ra“, rồi tiến đến “làm chủ” những thứ thiết yếu và doanh nghiệp cần. Và top list dưới đây là kết quả Huân tham khảo, tổng hợp, đúc rút lại qua những doanh nghiệp kinh doanh của riêng mình.

1. Kỹ năng mềm số 1: Nghĩ thông và hiểu kỹ đạo đức làm việc (Workethics)

work-ethic-iec-collegeKhi đi làm, doanh chủ ai ai cũng muốn người lao động, chiến hữu, đồng nghiệp làm việc “có đạo đức”.  Thế “có đạo đức” là thế quái nào? Thôi, tạm cắt nghĩa ra theo 7 tiêu chí thế này nhé:

  1. Công ty là trên hết. Ví dụ nhé: Huân là giảng viên trường Mỏ, tất cả những gì Huân làm, hành động, và suy nghĩ phải đặt lợi ích trường Mỏ lên trên hết. Thống nhất nhé: HUMG, first! Hãy mang những gì tốt đẹp nhất cho công ty của mình
  2. Trung thực: Cái này chắc rõ, nhỉ. Thôi cứ ví dụ cho dễ: hãy nói những gì có thật, có thì nói có, không nhớ bảo không.
  3. Giờ giấc chuẩn chỉ: nhớ đúng giờ và duy trì nó
  4. Trách nhiệm: làm đúng chức trách, hết khả năng, theo cách cẩn thận, tỉ mỉ nhất có thể
  5. Tôn trọng đồng nghiệp: hãy cứ bình tĩnh, mỗi cá thể đều có những ý kiến của riêng mình. Lắng nghe trước. Tranh luận và phản biện sau (không phải cãi lộn nhé)
  6. Tuân thủ nguyên tắc: không cần phải giải thích: Hãy chơi theo luật (nếu luật chưa đổi, thì kiến nghị sửa luật, còn khi chưa đổi (do bạn là thiểu số, hoặc quá ít), hãy tuân theo). Luật là dành cho đa số!
  7. Cầu thị: à, tức là hãy mở lòng học hỏi, đừng “giấu ngu” mãi mãi.

Đấy, đã rõ nhé. Bài học đầu tiên, làm ở đâu, chỗ nào, cho ai cũng vậy. Cứ phải “có đạo đức”. Mà không có cái này, làm cho ai cũng vậy, trước sau cũng bỏ cuộc, và rồi người ta “đối xử”, cuộc đời đối xử không ra gì.

(Để nhấn mạnh cái này Huân chia sẻ thêm: những sinh viên Huân đã từng giao tiếp, đào tạo, và làm việc: CHƯA CÓ một ai đủ điểm Workethics 8/10. Tức là CÒN HỜI HỢT, và chưa đủ trách nhiệm. Cái này hiếm nhân sự đáp ứng được đó nha)

2. Kỹ năng mềm số 2: Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem Solving Skill)

finding-problem-solution-copy-1080x628Nói cái này chắc khá nhiều em có thể mường tượng: “à, có gì khó khăn, tức thời cần phải giải quyết được ngay”. Ừ, thì đại loại thế, thật.

Để Huân diễn giải cho dễ hiểu hơn chút nhé. Đại khái là, trong hoạt động của mọi tổ chức, mọi công ty, thực tiễn hay thực tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hoạt động bám thực tế và gắn với thực tiễn. Chính vì vậy, mọi công việc phát sinh nhiều vấn đề, nó vô cùng và trên trời dưới biển lắm. Và là người lao động, mỗi chúng ta hãy cố: khi một vấn đề phát sinh, hãy tìm cách giải quyết êm đẹp (nhanh, hiệu quả, bền vững). Là ông chủ: sợ nhất nhân viên kêu! kêu! và than vãn! Ơ, tao thuê mày về đề mày giúp tao giải quyết việc chứ có phải để kêu đâu? Chính vì vậy: đã là người lao động, hãy tiếp cận Sếp bằng những “giải pháp”, ý là: thưa anh, theo em chỗ này mình có thể làm như này, làm như kia, hoặc mình có thể thử cách này, cách nọ? Cứ như thế mà phấn đấu mới có cửa thăng tiến và thành công.

Tóm lại: hãy tìm cách giải quyết vấn đề, giải quyết khó khăn! (đừng kêu, đừng than nữa nhá anh em)

Thế, giải quyết vấn đề thế nào cho hiệu quả? Cái này trừu tượng, tùy trường hợp, hoàn cảnh mà triển khai. Tuy nhiên, bất di và bất dịch là phải dựa vào “workethics” để xử. Huân tổng hợp lại 1 số bước giải quyết vấn đề đề anh em cùng tham khảo:

  1. Xác định vấn đề (là gì? do đâu)
  2. Hiểu những thành phần liên quan (ai liên quan)
  3. Đưa ra 1 số giải pháp (vài lựa chọn)
  4. Đánh giá các lựa chọn (phân tích tốt, xấu, cái được, cái mất)
  5. Chọn giải pháp
  6. Đưa vào triển khai (thỏa thuận, quyết định, phương án…)
  7. Đánh giá kết quả

Đấy đại loại thế, anh em cứ tìm hiểu thêm.

Không biết kỹ năng giải quyết của anh em thế nào, nhưng chỉ mong anh em hãy nhớ: Sếp muốn mình là thằng “được việc”.! Tức là giải quyết việc tốt. Sếp không muốn nghe kêu.

3. Kỹ năng mềm số 3: Kỹ năng “giao tiếp” (Communication)

Trong mục này Huân để “giao tiếp” trong dấu ngoặc, vì bản thân giao tiếp nó rất tổng quát và chung chung. Từ từ anh em sẽ hiểu.

Nói tới giao tiếp phần lớn anh em sẽ liên tưởng ngay tới việc “nói chuyện với người khác”. Ừ, cũng chẳng sai, nhưng chưa đủ.

Đầu tiên: Giao tiếp với chính mình!

Trong giao tiếp thành công, việc hiểu mình quan trọng hơn hiểu người khác. Tức là, mỗi chúng ta khi làm việc cần “giao tiếp” với mình, để hiểu:

  • Mình muốn gì ở công việc này (thu nhập, điều kiện làm việc, địa vị, triển vọng tương lai ….)
  • Có cam kết thực hiện “đạo đức làm việc” không?
  • Nếu tất cả không rõ, mình chưa hiểu mình. Hãy tìm hiểu thêm nhá.

Sau đó: Giao tiếp với người khác!

Người khác ở đây có thể là đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, đối tác,…. Khi giao tiếp cứ bám quan điểm “về mình” và “đạo đức làm việc” ra để triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình giao tiếp sẽ nảy sinh ti tỉ thứ khác, nhưng cứ từ từ, điều chỉnh dần rồi sẽ thành quen.

Vậy “giao tiếp” với người khác thành công là gì? Cái này cũng thực sự rộng lớn, thôi để Huân tạm giải thích theo ngu ý của mình:

  • Tìm ra mong muốn của người đối diện (đọc tâm lý đối phương)
  • Tìm cách thỏa mãn mong muốn đó (triển khai giao tiếp)
  • Đảm bảo nguyên tắc “là chính mình”, và không vi phạm “đạo đức làm việc”.

Đấy là các hoạt động của giao tiếp với người khác đại loại thế. Còn cấp độ giao tiếp, hành động, hành vi, ứng xử cụ thể thì anh em tự tìm hiểu nha. Hoặc thời gian tới có thời gian Huân sẽ viết tiếp về chủ đề này.

Tóm lại: Hãy là một người biết cách giao tiếp trong mắt Sếp (với chính bạn, và với người khác, đặc biệt là với Sếp)

4. Kỹ năng mềm số 4: Kỹ năng nói chuyện trước đông người (Public Speaking)

Rồi, không phải bàn nhiều, đây là kỹ năng thuộc dạng “yếu nhất” của học sinh Việt Nam nói chung, sinh viên Việt Nam nói riêng.

Khi thầy cô trên bục nói gì đó, thì anh em ở dưới cứ nhao nhao “nói chêm, nói đế”, xong bị gọi đứng lên phát biểu cái là “xoắn hết cả vào”. Đúng không?

Nào, giờ cho Huân hỏi: ai thường nói trước đông người? ai ấy?

À, thì thưa: toàn sếp, với mấy Vi-Ai-Pi (VIP) đó.

Đúng rồi: đã làm sếp thì phải biết nói chuyện trước đông người. Và muốn làm Sếp thì phải có kỹ năng nói chuyện trước đông người.

Em muốn làm Sếp mới học nói? hay chuẩn bị kỹ năng để có cơ hội làm Sếp?

Hehe. Quên đi. Có kỹ năng trước, mới có cơ hội làm Sếp, nhá!

Thế học thế nào, thầy?

Cái này có vài cách:

  1. Tự luyện tập: tham gia các câu lạc bộ, tham gia cộng đồng nhiều, làm nhóm trưởng nhóm phó, phát biểu nhiều, luyện tập nhiều thành quen, dần dần thành kỹ năng
  2. Tham gia các lớp miễn phí, hoặc mất phí, học từ cơ bản tới nâng cao, nói chung mất tiền thì tốt, và cũng cần luyện tập.

Thế nói chuyện trước đông người quan trọng những điểm gì? Ồi, cái này cũng nhiều lắm, nhưng có thể nhóm làm 3 yếu tố quan trọng sau:

  1. Nội dung cuộc nói chuyện (sự sâu sắc, cách cấu trúc bài nói, hình thức trình bày bài nói)
  2. Thể hiện cuộc nói chuyện (cách trình bày, trang phục, diện mạo, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, giao tiếp mắt,…)
  3. Trả lời và thảo luận các vấn đề (trả lời, phản ứng các nhận xét tiêu cực, phản ứng chỉ trích…. )

Đấy, tạm tổng kết thế. Công nhận là có cơ man thứ phải học, phải trau dồi thêm. Chỉ muốn động viên em: Cố lên em nhé!

5. Kỹ năng mềm số 5: Quản lý thời gian cá nhân (Personal Time Management)

videoblocks-time-is-running-out-clock-deadline-ending-soon-3-d-animation_hftneyrzw_thumbnail-full09Huân, và em, cũng giống như mọi người, đều có 1 tài sản như nhau và rất công bằng: 24h mỗi ngày.

Và chúng ta có thêm một điều công bằng nữa: cách chúng ta sử dụng 24h giờ đó khác nhau, tạo ra những giá trị và kết quả khác nhau: Nếu sử dụng tốt –> Kết quả tốt. Nếu sử dụng không tốt –> Kết quả kém. Công bằng nhé anh em!

Và như thế Huân chia sẻ, mong các em hãy quản trị bản thân, hãy quản trị được “những thú vui trong chốc lát“, để dồn thời gian cho những việc “trọng đại và đáng để làm hơn“. Nói đến đây có thể các em chưa hiểu, vậy hãy đọc bài “Huân quản lý sắp xếp công việc thế nào” để tham khảo, và có thể rèn luyện khả năng quản trị thời gian, quản trị bản thân, nhé.

Tạm kết

Trên đây là những chia sẻ và những ý kiến cá nhân Huân về các Kỹ năng mềm thiết yếu em nên làm chủ, và tốt nhất học, rèn luyện càng sớm càng tốt, nhoa.

Để biết, hiểu, làm chủ và thực hành những kỹ năng này đòi hỏi thời gian, sự luyện tập và điều chỉnh liên tục. Một trong những cách thường xuyên và hiệu quả là thông qua việc đọc sách để “thẩm thấu” kiến thức, khi tư duy đã thông, hành động sẽ dễ và hiệu quả cao hơn. Một trong những sách mà quý bạn đọc, các em sinh viên có thể tìm đọc là 8 KỸ NĂNG MỀM THIẾT YẾU hoặc KỸ NĂNG SỐNG HẠNH PHÚC, hoặc nhiều sách khác.

SSDH tổng hợp

Share.

Leave A Reply