Sẵn sàng du học – Nhiều người không biết phân chia công việc phù hợp cũng như không biết cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Đó là lý do họ luôn trong trạng thái bế tắc hay mệt mỏi mỗi khi nhắc đến công việc.
Kiệt sức trong công việc là một hiện trạng rất nhiều người gặp phải hiện nay. Đa số mọi người không biết phân chia thời gian làm việc và thư giãn một cách hợp lý. Do đó họ thường xảy ra tình trạng áp lực cũng như kiệt sức trong công việc.
KIỆT SỨC TRONG CÔNG VIỆC LÀ GÌ?
Năm 1974, nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger đã định nghĩa “burnout” là sự mệt mỏi của con người khi làm một việc gì đó quá sức. Theo từ điển, kiệt sức biểu thị cảm giác quá tải về năng lượng cảm xúc cũng như thể chất tinh thần do căng thẳng kéo dài.Tình trạng này xuất hiện khi một người làm việc xuyên suốt trong nhiều giờ, đối mặt với tình trạng khó khăn hay ở trong môi trường làm việc độc hại…
TÁC HẠI CỦA KIỆT SỨC TRONG CÔNG VIỆC
Kiệt sức đem lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Kiệt sức trong công việc dẫn đến sức khỏe thể chất kém, trầm cảm, hành vi làm việc không hiệu quả và giảm sự hài lòng trong công việc. Điều này cản trở sự thăng tiến trong sự nghiệp của mọi người.
Một nghiên cứu khác của tiến sĩ Armita Golkar tại Viện Karolinska ở Thụy Điển nói rằng kiệt sức làm thay đổi mạch thần kinh trong não và làm tổn thương khả năng của mọi người khi đối phó với những tình huống căng thẳng. Nếu bạn có những dấu hiệu sau, bạn chắc chắn đã và đang bị kiệt sức trong công việc.
LIÊN TỤC LO LẮNG
Mặc dù chẳng có vấn đề gì xảy ra trong công việc nhưng bạn vẫn luôn cảm thấy lo lắng. Đó là một cảm giác bồn chồn cực độ, bạn cũng chẳng biết vì đâu mà bạn lại trở nên như thế. Và bạn cũng không biết cách chấm dứt nỗi lo này như thế nào.
Cảm giác lo lắng làm giảm năng suất làm việc của bạn, khiến cho kết quả đem lại không tốt như mong muốn. Mọi thứ khiến bạn có cảm giác như đang lặp lại một vòng luẩn quẩn, dù biết vậy, nhưng bạn vẫn không thể thoát khỏi nó. Dù không thể ngay lập tức chống lại cảm giác tiêu cực này nhưng bạn cũng có thể học hỏi cách nhận biết các dấu hiệu và từ từ khắc phục.
TUỘT “MOOD”
Thay đổi tâm trạng là một điều thường thấy ở mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng có một số bệnh liên quan đến thần kinh cũng dẫn đến sự thay đổi tâm trạng thất thường. Một trong những dấu hiệu của kiệt sức trong công việc là trạng thái dễ tuột “mood”. Bất kể những việc làm hay hành động lớn nhỏ của đồng nghiệp cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Sigal Barsade cho rằng tâm trạng ảnh hưởng quan trọng đến tất cả các thành viên làm việc cùng nhau.
Cảm xúc có khả năng lây lan, dù đó là tích cực hay tiêu cực. Trong một nhóm làm việc, nhân viên có nhiều khả năng phản chiếu những cảm xúc tương tự. Nếu đồng nghiệp của bạn cảm thấy buồn bã và chán nản trong công việc, bạn có thể “bắt sóng” tâm trạng đó và khiến nó “rơi” vào chính mình. Nếu tâm trạng thay đổi nhanh chóng hay dễ tuột “mood”, hãy chú ý đến sức khỏe tâm thần của bạn. Nó có thể là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang có xu hướng bị kiệt sức trong công việc.
TINH THẦN MỆT MỎI
Cảm giác không hài lòng với công việc có thể dẫn đến sự mệt mỏi về tinh thần. Mệt mỏi về tinh thần là trạng thái kiệt sức về thể chất và tình cảm. Nó xuất hiện khi bạn có thái độ tiêu cực đối với các nhiệm vụ, đồng nghiệp hay các sự kiện tại công ty. Nếu cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng để hoàn thành nhiệm vụ hàng ngày của mình, có nhiều khả năng bạn đang ở giai đoạn đầu của tình trạng kiệt sức trong công việc.
Mặc dù mọi người đều cảm thấy mệt mỏi tại nơi làm việc theo thời gian, nhưng một tình trạng mệt mỏi tinh thần mãn tính có thể là dấu hiệu cảnh báo của kiệt sức. Một khi bạn cảm thấy bị choáng ngợp bởi những công việc thường nhật, có thể bạn đã bị kiệt sức trong công việc.
TRÁNH TRÁCH NHIỆM
Có một sự khác biệt giữa việc giảm khối lượng công việc phụ và lơ là trách nhiệm của bản thân. Nếu một người nào đó có ý định đẩy phần công việc mà họ không muốn làm sang cho bạn và bạn tránh đi, điều đó là tốt. Ngược lại, nếu bạn cố gắng đùn đẩy công việc hay trách nhiệm của mình sang người khác, có nghĩa là bạn đang trong tình trạng quá tải và có nguy cơ bị kiệt sức trong công việc.
Khi cảm thấy kiệt sức về tinh thần, bạn bắt đầu trì hoãn những công việc thường ngày. Một lần rồi hai lần, nó ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc của bạn. Một khi bạn đánh bại cảm giác vô trách nhiệm, bạn đã thực sự chống lại tình trạng kiệt sức trong công việc của mình.
HIỆU SUẤT CÔNG VIỆC GIẢM ĐÁNG KỂ
Bạn luôn làm việc tốt cho đến một ngày bạn cảm thấy mệt mỏi. Mọi nhiệm vụ bạn được giao cũng không thể hoàn thành một cách thỏa đáng. Hôm nay bạn thất bại. Ngày hôm sau, cả hôm sau nữa, mọi thứ điều tồi tệ và bạn không thể làm được gì.
Số lượng công việc ngày càng tăng trong khi bạn vẫn không thể giải quyết tất cả. Đó là một tình trạng nghiêm trọng. Nếu bạn bắt đầu nhận ra vấn đề về tiến độ cũng như hiệu suất công việc của mình, có nghĩa là bạn đã bắt đầu ý thức được trạng thái kiệt sức trong công việc của mình. Hãy cố gắng thay đổi các cách thức cũng như thời gian làm việc để lấy lại hiệu quả làm việc ban đầu.
THIẾU ĐỘNG LỰC
Thiếu động lực khiến bạn cảm thấy chán nản và không hứng thú làm việc hay học tập. Bạn cảm thấy bị mất tinh thần với tất cả mọi thứ, cảm giác “chưng hửng” làm bạn thấy mọi thứ dường như đang pha một màu tím tái nào đó, điều đó khiến bạn hoàn toàn mỏi mệt.
Tình trạng kiệt sức trong công việc khiến bạn cảm thấy không có động lực trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Những ý niệm mơ hồ khiến bạn rơi vào trạng thái vô định vì không biết phải nên làm như thế nào, từ đâu… Hãy cố gắng định hướng lại chính mình. Tìm ra một điều gì đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu trước khi bạn bị những cảm xúc tiêu cực chiếm lấy.
Kiệt sức trong công việc là tình trạng đáng quan ngại. Trạng thái kiệt sức xuất phát do các vấn đề liên quan đến cảm xúc tinh thần, tình trạng căng thẳng kéo dài, làm việc quá sức hay thậm chí vì bạn không hứng thú với công việc hiện thời. Cần chú ý đến các dấu hiệu nhận biết tình trạng kiệt sức trong công việc để tránh ảnh hưởng đến thể chất cũng như tránh kéo theo các tác động xấu khác. Bạn cũng phải biết cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, đồng thời biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ở trạng thái tốt nhất.
Cùng với đó, một trong những điều tránh tình trạng kiệt sức trong công việc là phải yêu quý công việc mình đang làm. Chỉ có thực sự yêu thích công việc đó, bạn mới có thể làm mọi thứ vì nó. Giống như Steve Jobs đã nói: “Công việc của bạn sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin là tuyệt vời. Cách duy nhất để làm công việc tuyệt vời là yêu quý những gì bạn làm”.
Cá Domino (SSDH) – Theo elle