8 câu hỏi giúp du học sinh chọn được ngôi trường lý tưởng dành cho mình

0

Sẵn sàng du học – Việc chọn trường không phù hợp rất thường xảy ra với du học sinh do ảnh hưởng từ những suy nghĩ như: Chọn ngôi trường mà bạn bè bạn rủ, Chọn ngôi trường mơ ước của bố, Chọn ngôi trường “có vẻ” nổi tiếng mà quên mất “nổi tiếng” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng.

ssdh-sinh-vien

Đừng bao giờ đưa ra quyết định cuối cùng của bạn dựa trên những lý do được đưa ra bởi người khác, đặc biệt là đối với điểm đến của bạn trong suốt những năm tháng đại học. Hãy nghiên cứu và đưa ra quyết định sau khi cân nhắc mọi yếu tố có thể.

Nếu bạn vẫn cảm thấy hoang mang khi nhìn vào ô nguyện vọng trong đơn ứng tuyển đại học, hãy cùng Sẵn sàng du học trả lời 8 câu hỏi dưới đây và tìm ra “định mệnh” của mình nhé:

1. Trường có khu học xá hay trường nằm ở trung tâm thành phố?

Theo ông Roshan Walkerley – cố vấn của University of East Anglia (UEA), chọn lựa giữa học xá hay thành phố là một trong những câu hỏi khiến nhiều du học sinh “khó nghĩ” nhất.

Các học xá cho phép sinh viên tiết kiệm tối đa thời gian di chuyển, mọi dịch vụ bao gồm nhà ăn, thư viện, sân thể thao, giảng đường đều hết sức thuận tiện và có thể nói là “trong tầm tay”. Việc sống và học tập trong khuôn viên của trường giúp bạn dễ dàng xây dựng những mối quan hệ và trở thành bước đệm đầu tiên cho bạn trong những năm đầu xa nhà.

Còn các trường đại học tọa lạc ngay giữa thành phố thì cũng sở hữu những dịch vụ tương tự nhưng chúng thường nằm rải rác trong thành phố, bên cạnh các khu văn phòng, cửa hiệu hay nhà hàng. Chính vì thế bạn có thể sẽ phải di chuyển lâu hơn nếu muốn đi từ lớp học đến thư viện hay từ kí túc xá đến lớp học.

Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn chính là ghé qua ít nhất hai trường đại học khác nhau để tận mắt chứng kiến quang cảnh và đưa ra quyết định một cách chính xác nhất.

2. Bạn đã đến thăm trường bạn thích chưa

Quả thực là không có gì đáng giá bằng việc tận mắt đến ngôi trường mà bạn “nhắm trúng” sau đó tự mình trải nghiệm không khí, dịch vụ ở nơi đây. Có thể bạn sẽ nhận ra đó là điểm đến mà bạn hằng mong ước bây lâu ngay khi vừa đặt chân qua cổng trường. Hoặc rất có thể là ngược lại. Đừng ngại ngần một chuyến đi, cho dù nó thể tốn của bạn vài tiếng đồng hồ. Sự thực là chỉ tốn vài tiếng để phát hiện ra xem mình có thích ngôi trường đó hay không còn hơn là tốn 4 năm dài đằng đẵng chỉ để thoát ra khỏi đó.

3. Có bất kì hỗ trợ tài chính nào không?

Không ai thực sự là người có cả gia tài đồ sộ khi theo học đại học. Đó là một hiện thực của đời sống sinh viên. Việc kiểm tra những quỹ hỗ trợ về tài chính hay học bổng của trường cũng là một bước kiểm tra quan trọng trước khi đưa ra quyết định của bạn. Ở Đại học East Anglia, mỗi chuyên ngành nhận được quỹ hỗ trợ lên tới £3,000. Việc nhận được sự hỗ trợ của từ phía trường sẽ giúp bạn và thậm chí là gia đình bạn giảm bớt được gánh nặng kinh tế cũng như tinh thần.

4. Bạn sẽ sống ở đâu

Hầu hết mọi người dành năm đầu tiên của mình ở các khu kí túc xá của sinh viên. Có rất nhiều khu để bạn có thể chọn, hãy ghi nhớ rằng không có bất kì đảm bảo nào về việc bạn sẽ được phân vào đúng phòng mà mình thích. Có rất nhiều tòa kí túc khác nhau với kiến trúc và cơ sở vật chất cũ mới khác nhau. Chính vì thế, hãy đăng kí sớm và hơn cả là chấp nhận rủi ro nhé.

Nếu không muốn phải lo lắng về chỗ ở không đủ tiện nghi thì bạn có thể thuê nhà ngay từ đầu và sống ngoài trường.

ssdh-franklin-university-switzerland1

5. Bạn đã trò chuyện với các sinh viên hiện tại của trường chưa?

Khi đến với ngày hội Open day của trường, bạn sẽ có cơ hội tuyệt vời để trò chuyện với những sinh viên hiện đang theo học ở đó. Nếu bạn muốn thực sự hiểu về một ngôi trường, thì hãy nói chuyện với hội sinh viên. Các hiệp hội sinh viên được điều hành bởi sinh viên, dành cho sinh viên và đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao kinh nghiệm của sinh viên trong và ngoài khuôn viên trường. Chính vì thế họ thấu hiểu hơn ai hết những điều kiện và dịch vụ mà hiện trường đang cung cấp.

6. Khung đánh giá TEF là gì?

Khung đánh giá giảng dạy (TEF) nghe có vẻ rất khô khan, nhưng nó cho phép bạn kiểm tra chất lượng giảng dạy tại trường bạn đã chọn một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mỗi trường đại học đã được trao giải thưởng vàng, bạc hoặc đồng –các mức này sẽ cho bạn một hình dung cơ bản về chất lượng giảng dạy của mỗi trường. Đương nhiên, nó không thể chi phối 100% lựa chọn của bạn song hãy xem xét TEF cùng với những yếu tố khác nhé.

7. Sinh viên được hưởng những dịch vụ hỗ trợ nào?

Các trường đại học không chỉ ở đó để giúp bạn có được bằng cấp, họ cũng sẽ cung cấp hỗ trợ trong suốt thời gian bạn học ở đó. Jane Amos, trưởng phòng dịch vụ sinh viên của UEA cho biết: Yếu tố quan trọng của dịch vụ hỗ trợ sinh viên chính là đảm bảo việc bạn sẽ có được kết quả tốt nhất trong thời gian học ở trường. Những dịch vụ như cố vấn học tập, định hướng nghề nghiệp sẽ giúp bạn không còn “đơn độc” trên con đường đến với sự nghiệp mơ ước.

8. Mỗi trường đều có những ngành thế mạnh nhất định?

Trên thực tế, việc xem xét các bảng xếp hạng tổng hợp thôi chưa đủ. Thực tế là mỗi trường đều có những ngành thế mạnh nhất định. Có những trường không lọt top trên bảng xếp hạng chung song lại thực sự nổi bật ở các bảng xếp hạng theo ngành. Chính vì thế, yếu tố học “đúng ngành đúng trường” sẽ phần nào giúp bạn đưa ra quyết định sau cùng.

Người dịch: Ánh Dương (SSDH)

Share.

Leave A Reply