Sẵn sàng du học – Nguyễn Thu Anh vừa khép lại năm đầu tiên ở Southern Methodist University (Hoa Kỳ) với dấu ấn lọt top 5% có thành tích cao nhất trường và có tên trong bảng danh dự "Honor Roll with High Distinction", đồng thời sẽ trở thành Trưởng ban quan hệ công chúng của tổ chức ALPFA (Association of Latino Professionals in Finance and Accounting) tại trường đại học Mỹ.
Những cú sốc và áp lực tại Mỹ
Năm 2017, Thu Anh xuất sắc nhận học bổng hơn 2 tỷ đồng tại Southern Methodist University (top 48 Business School của Mỹ). Tuy vậy, em thú thực rằng, bản thân đã đi du học với cảm giác không mấy thoải mái, thậm chí thấy "tội lỗi".
Thu Anh cho biết, trước khi du học, em từng có 3 nguyện vọng là: học ở đâu để được nhìn thấy tuyết, đạt học bổng toàn phần (full-ride) để bố mẹ bớt đi gánh nặng tài chính và cuối cùng, không muốn trường nằm ở Texas (một nơi không có gì ngoài bầu không khí nóng nực trong trí tưởng tượng của em bấy giờ). Thế nhưng, mọi thứ đã không diễn ra theo ý muốn.
Trong tất cả các trường đã nộp đơn, Thu Anh lại nhận được học bổng cao nhất từ Southern Methodist University, một ngôi trường tư nằm ở Dallas- nơi không bao giờ có tuyết, và thuộc bang Texas.
Không chỉ vậy, trường học yêu cầu học sinh bắt buộc phải ở trong ký túc xá 2 năm đầu tiên. Điều này đã khiến cho chi phí sinh hoạt của Thu Anh thay đổi so với dự tính ban đầu, nên dù nhận được học bổng nhưng chi phí Thu Anh phải chi trả vẫn cao hơn em dự định. Điều đó khiến nữ sinh có cảm giác "tội lỗi" khi đi du học vì khiến bố mẹ phải nặng gánh tài chính cao hơn mong đợi.
Đặt chân đến Mỹ, Thu Anh lại tiếp tục gặp khó khăn về tâm lý và sự mặc cảm khi đột nhiên không có người thân và bạn bè bên cạnh. Thu Anh chia sẻ: “Em nhận ra cái cảm giác sau một ngày căng thẳng được về nhà, quây quần bên gia đình, ăn cơm mẹ nấu, bỏ lại những mệt mỏi ở ngoài ngưỡng cửa không còn nữa.
Thời gian đó, dù không dám nói ra nhưng em rất sợ mỗi khi ngắt facetime với gia đình và bạn bè ở nhà vì không muốn phải đối mặt với cảm giác bị bỏ lại ở một nơi rất xa”.
Không dám chia sẻ với gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng, một mình đối mặt với những cú sốc ngày đầu của một tân du học viên, tinh thần Thu Anh "xuống dốc" ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập.
Nhưng sau tất cả, theo Thu Anh, phần đáng giá nhất với em từ lúc du học đến nay lại chính là thời gian em bị suy sụp về tinh thần vì nhớ nhà.
“Đỉnh điểm là khi em thấy tinh thần không tốt bắt đầu ảnh hưởng tới sự tập trung trong lớp và cảm hứng học tập của mình, em đã tới tư vấn tâm lý tại trường để tìm giải pháp khắc phục hiệu quả.
Chuyên gia tại trường đã hướng dẫn em thiền và làm một “sổ tay biết ơn” bằng ảnh, chụp lại những điều làm em vui vẻ trong từng ngày và thực hiện liên tục trong 9 ngày.
Thoạt nghe như một hoạt động dành cho trẻ con, nhưng cách làm này giúp em nhận ra rằng mình đã quá tập trung vào những mặt tiêu cực mà không nhìn thấy những điều tích cực trong cuộc sống, ví dụ như sự động viên âm thầm của những người bạn em có tại Mỹ.
Vượt qua khỏi giai đoạn khó khăn này, em đã thấu hiểu giá trị quan trọng của gia đình nhưng cũng đồng thời học được rằng mình phải chủ động có trách nhiệm quản lý cảm xúc của bản thân ở mọi hoàn cảnh trước khi nó ảnh hưởng tới mục tiêu dài hạn của mình”, Thu Anh tâm sự.
Đi du học với kì vọng cao, dẫn đến những thất vọng khi đối mặt với thực tế, cô gái Việt đã biến áp lực thành động lực và trưởng thành hơn từ đó.
Lọt top 5% học sinh có thành tích cao nhất trường đại học
Từ học vì bằng cấp, học để làm bố mẹ không phải lo lắng, Thu Anh đã lấy thái độ chủ động lĩnh hội và áp dụng kiến thức để có thể tận dụng tối đa những gì mình nhận được tại trường và không uổng phí chi phí cao mà bố mẹ phải chi trả.
Em rèn luyện thói quen học cho chính mình, học để áp dụng kiến thức vào thực tế và cơ hội thực tập. Thành quả mà cô gái 9X gặt hái được sau nỗ lực là giành được điểm GPA 3.97/4.0 và được vinh danh trong bảng thành tích của trường. Em lọt 5% top học sinh có thành tích cao nhất tại Southern Methodist University.
"Học phí cao hơn mình tưởng, nhớ nhà, vào trường không muốn xảy ra với khá nhiều du học sinh. Hãy vững tin bản thân mình và cố gắng không ngừng nghỉ. Khó khăn không phải sự kết thúc, nó là điểm bắt đầu để bản thân mạnh mẽ hơn", Thu Anh nhấn mạnh.
Thu Anh cho biết, vì nền lịch sử và văn hóa của Mỹ và Việt Nam có khá nhiều khác biệt, em đã từng lo về việc khó hòa nhập. Tuy nhiên, em dần hiểu ra là đa số học sinh bản địa chơi trong nhóm riêng, không hẳn phải vì phân biệt chủng tộc, mà vì đối với họ, mình thực sự khác lạ quá nên nhiều lúc chính họ cũng ngại mở lời. Khó khăn bước đầu đã cổ vũ em mạnh dạn cởi mở, thể hiện bản thân mình hơn và đã tìm được những người bạn thực sự tốt và hợp với mình ở ngôi trường mới.
Nói về hành trình năm nhất của mình, Thu Anh muốn nhắn gửi các bạn đang gặp khó khăn khi đi du học hãy luôn lạc quan: “Trắc trở đôi khi chỉ là khi mọi việc không đi đúng theo kế hoạch chúng ta đặt ra. Nhưng ai biết chắc được kế hoạch vạch sẵn ấy lại là kế hoạch tốt nhất.
Đôi khi, chính những khó khăn ban đầu kia lại là cánh cửa mở ra một lối đi khác thú vị hơn rất nhiều. Hãy vững tin và cố gắng không ngừng nghỉ để biến trắc trở thành lợi thế”.
Kiếm công việc yêu thích ngay ở giảng đường
Bên cạnh việc học ở trường, Thu Anh đang làm việc bán thời gian ở vị trí tư vấn viên của tổ chức Community Engagement and Leadership thuộc Southern Methodist University từ học kì I.
“Công việc của em là tìm hiểu và thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức uy tín đang cần tình nguyện viên ở Dallas và kết nối họ với những sinh viên SMU đang tìm kiếm cơ hội đóng góp cho cộng đồng hoặc học hỏi thêm về ngành nghề của mình qua vị trí tình nguyện viên.
Tính chất công việc cần giao tiếp nhiều giúp em cải thiện khả năng giao tiếp Tiếng Anh của mình cũng như văn phong giữ liên lạc với đối tác qua email và điện thoại. Điều vui nhất là vào học kì II, em đã mạnh dạn xin cô quản lý cho thử sức thêm ở mảng marketing qua việc thiết kế poster và được chấp thuận. Nhờ đó, em có những thử nghiệm và bài học về marketing đầu tiên tại đây”, Thu Anh hào hứng kể.
Ngoài ra, cô gái xinh xắn trong quá trình cố gắng lấp đầy cảm giác nhớ nhà, đã thử sức mình tham gia câu lạc bộ khiêu vũ của trường và trở thành thành viên chính thức của câu lạc bộ.
“Bản thân từ một người không hề biết nhảy, nhờ sự dìu dắt hướng dẫn của các anh chị đi trước, em đã giành được giải nhất và giải nhì tại hạng mục không chuyên tại giải đấu liên trường tháng 2 vừa rồi”.
Tháng 5 vừa rồi, cô gái Việt cũng vừa được bầu cử làm Director of Public Relation (Trưởng ban quan hệ công chúng) của tổ chức Association of Latino Professionals in Finance and Accounting (ALPFA – Hiệp hội các chuyên gia về tài chính và kế toán tại trường đại học), em sẽ bắt đầu nhiệm kì từ học kì 2 năm tới.
Để có được những kết quả khá tốt này, Thu Anh tiết lộ rằng, em đã chuẩn bị sẵn sàng 4 điều sau: khả năng tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh giao tiếp; mục tiêu rõ ràng cho học tập, công việc, hoạt động ngoại khoá, phát triển bản thân; tinh thần tự tin, và cởi mở; và cuối cùng là ý chí quyết tâm chịu trách nhiệm cho bản thân mình.
Từ trải nghiệm của bản thân, Thu Anh nhắn nhủ các tân sinh viên “đừng ở mãi trong phòng”: “ Chúng ta đi nửa vòng trái đất sang Mỹ không chỉ để học mà còn để trải nghiệm và học hỏi một phong cách sống mới nữa. Thế nên bạn đừng chỉ thu hẹp cuộc sống của mình trong căn phòng ký túc xá.
Thời gian rảnh xong bài rồi, bạn hãy ra ngoài chơi, tham gia vào các hoạt động mới mẻ, kết bạn và cùng đi khám phá thành phố, có những trải nghiệm xứng đáng với công sức và kì vọng.
Bản thân em sẽ khám phá ra những thế mạnh mới của mình và cũng sẽ học hỏi được nhiều từ những người bạn mới tới từ những nền văn hóa khác nhau".
Cá Domino (SSDH) – Theo dantri