Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và câu chuyện chưa kịp kể với Bác Hồ

0

Sẵn sàng du học – Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy từng tiếc nuối một câu chuyện mà ông định kể cho Bác Hồ nghe, nhưng chưa kịp thực hiện thì Bác đã qua đời.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (A) (1936-2019), với chiến công 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng 7 chiếc huy hiệu và cũng có rất nhiều lần được gặp Bác.

Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vừa qua đời ngày 22/9 ở tuổi 84, để lại rất nhiều tiếc thương trong lòng đồng đội và nhân dân.

Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vừa qua đời ngày 22/9 ở tuổi 84, để lại rất nhiều tiếc thương trong lòng đồng đội và nhân dân.

Câu chuyện mãi mãi không được kể

Trong cuốn Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam (NXB QĐND, 2005), ở chuyện kể của anh hùng Nguyễn Văn Bảy (nhà văn Đoài Hoài Trung ghi), ông kể lần đầu tiên ông gặp Bác Hồ là lúc huấn luyện cơ bản xong, chuẩn bị sang Trung Quốc học lái máy bay của tốp phi công Việt Nam đầu tiên vào năm 1958.

Bác đến, ân cần thăm hỏi từng cán bộ, chiến sỹ đang chuẩn bị lên đường học phi công và hỏi: "Chú nào quê ở miền Nam đi học lái máy bay đợt này?", ông cùng các anh em miền Nam giơ tay. Bác Hồ động viên: “Các chú phải cố học thành tài, để sau này thống nhất nước thì lái máy bay chở Bác về thăm đồng bào miền Nam. Đồng bào thấy con em mình ra miền Bắc được ăn học thành phi công thì chắc sẽ vui mừng lắm”. Lời dặn thiêng liêng của Bác khi đó, ông Bảy ghi sâu vào trong tim.

Ông kể tiếp, ông được tham gia đoàn chủ tịch nhiều sự kiện cấp nhà nước, trong đó có các kỳ họp Quốc hội. “Đây cũng là niềm vinh dự cho tôi và nhờ đó tôi rất nhiều lần được gặp Bác Hồ, ấy là những lần chuẩn bị họp, bao giờ đoàn chủ tịch có hội ý trước, Bác Hồ thường đến tham dự cùng”.

“Tôi có một câu chuyện muốn kể cho Bác nghe, chẳng là trước khi tập kết ra Bắc, tôi có cùng anh chị em đi làm cỏ, sửa sang lại mộ cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Lãnh (vì ông Bảy quê ở Lai Vung, Đồng Tháp, rất gần nơi cụ Phó bảng an nghỉ)”, ông kể tiếp. “Ngày ấy, mọi người đã nói với nhau sau này ra miền Bắc sẽ kể tỉ mỉ việc ấy cho Bác nghe, nhưng thật không ngờ cơ hội ấy mãi mãi không còn, vì Bác đã mãi mãi ra đi vào ngày 2/9/1969”, ông tiếc nuối.

Ông Bảy là người đứng trực bên linh cữu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày lễ tang Bác, cùng các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Đàm Quang Trung. Ông kể lại trong sách: “Đứng trực linh cữu của Người mà tôi không kìm được nước mắt vì ân hận còn chưa làm tròn lời hứa đồng đội gửi gắm, nói cho Bác tấm lòng của bà con miền Nam với cụ Phó bảng và với Bác”.

Người anh hùng giản dị

Trong cuốn Không quân tiêm kích (NXB QĐND, 2004), Đại tá – Anh hùng LLVTND Lê Hải kể về người anh hùng, đồng đội thân thiết của mình: “Anh Nguyễn Văn Bảy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng đợt đầu tiên của các chiến sĩ không quân, vào ngày 1 tháng 1 năm 1967. Trong những trận không chiến ác liệt, anh đã bắn rơi 7 chiếc phản lực chiến đấu của Mỹ. Anh là người bắn rơi địch nhiều nhất trong số anh em phi công lái MiG-17. Tính tình anh giản dị, bao dung, ngay thẳng. Sau khi được phong Anh hùng, anh vẫn tiếp tục dẫn biên đội đi chiến đấu và hạ thêm được một chiếc F-4”.

Ông Hải viết thêm về những chiếc huy hiệu Bác Hồ tặng các phi công bắn rơi máy bay Mỹ: “Thời đánh Mỹ, Bác Hồ quy định, phi công mỗi lần bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ, được Bác thưởng cho một huy hiệu của Người. Anh em rất sung sướng và tự hào, khi nhận được phần thưởng của Bác. Trong Trung đoàn 923 rất nhiều phi công ưu tú, bắn rơi được 2 đến 3 máy bay Mỹ và đã nhận được 2 đến 3 huy hiệu của Bác. Chiến đấu trên MiG-17, đối thủ chính là bọn F-4, F-105, F-8, các máy bay hiện đại của không quân và hải quân Mỹ. Số phi công bắn rơi được 4 chiếc trở lên không nhiều. Đặc biệt bắn rơi từ 5 đến 6-7 chiếc có thể đếm trên đầu ngón tay. Số phi công còn sống đến hết chiến tranh lại càng ít hơn”.

Về những chiếc huy hiệu của người anh hùng Nguyễn Văn Bảy, nhà văn Trần Thanh Chương, trong bài viết đăng trên tuần báo Văn nghệ TP HCM, kể lại lần về thăm nhà người anh hùng mới năm trước, ông Bảy đã chỉ lên bộ quân phục gắn quân hàm đại tá và dày đặc huân chương, phía trên có gắn những chiếc Huy hiệu Bác Hồ rất to và giải thích: "Đây là 5 huy hiệu Bác Hồ mà tao được tặng, còn 2 chiếc nữa Bảo tàng mượn đi rồi!".

ssdh-nguoi-anh-hung-chan-dat

 

Yêu quý người anh hùng, nhà văn Trúc Phương đã viết một cuốn truyện ký về Đại tá Nguyễn Văn Bảy, mang tựa đề Người anh hùng chân đất (NXB Văn hóa – Văn nghệ).

Người anh hùng phi công giản dị ấy đã ra đi vào tối 22/9 vừa qua sau một cơn đột quỵ, để lại rất nhiều tiếc thương trong lòng đồng đội và nhân dân.

Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, tác giả hai tập tự truyện Lính bay, chia sẻ cảm xúc tiếc thương với anh hùng Nguyễn Văn Bảy: “Nhớ tới anh chúng tôi nhớ tới người phi công chiến đấu dũng mãnh, kiên cường, người đồng đội tình nghĩa thuỷ chung, người chỉ huy gần gũi chan hoà. Nhớ đến anh là nhớ đến những trận không chiến một mất một còn với không quân Mỹ mà ở đó không chỉ lòng quả cảm, tinh thần xả thân có thể thắng được đối phương”.

Tướng Thái đánh giá: “Phải có một tinh thần thép để đối chọi với kẻ địch luôn đông hơn mình gấp nhiều lần, quây mình từ mọi phía và xả đạn cũng từ mọi phương. Và anh đã 7 lần giành chiến thắng trong những tình huống như vậy trước kẻ thù với 7 chiến công chói lọi”.

Về tính cách của người phi công đàn anh, tướng Thái nhận xét: “Được phong anh hùng từ sớm sau đó làm cán bộ chỉ huy, làm đại biểu Quốc hội nhưng ông sống giản dị, chan hoà với anh em chiến sỹ, cấp dưới…”.

Rất nhiều người ca ngợi, ông Bảy là minh chứng rõ nét nhất của việc học tập và sống noi theo tấm gương Bác Hồ: Giản dị, chân thành, liêm khiết, vui lao động, vui với ruộng vườn…

"Vô cùng thương tiếc một anh hùng, nhưng hơn cả là một nhân cách, một con người chân chính mà thế hệ sau chúng tôi noi theo, học tập", tướng Phạm Phú Thái viết.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply