SSDH – Bước vào mùa tuyển sinh của các trường đại học Mỹ, ba lời khuyên dưới đây sẽ giúp ích cho các học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất, tự tạo cơ hội cho mình bước vào cổng du học.
Bài luận cá nhân nên viết trước hai tháng
Mỗi trường sẽ có bài luận riêng. Chẳng hạn đại học Harvard sẽ yêu cầu kể một câu chuyện ý nghĩa. Trường đại học Stanford lại yêu cầu viết một lá thư cho bạn cùng phòng tương lai – những câu hỏi đánh đố, kiểm tra xem học sinh có biết thiết lập kế hoạch cho tương lai hay không.
Sai lầm của các em học sinh là đợi đến phút cuối bắt đầu mới viết bài luận. Họ chỉ quan tâm làm sao để có được điểm các bài thi chuẩn hóa cao, các thành tích hoạt động ngoại khóa nhiều… trong khi bài luận để đến tuần cuối cùng mới viết. Thực ra những câu hỏi đó của bài luận cực kỳ quan trọng, cần chuẩn bị rất kỹ. Ở vòng cuối cùng người ta sẽ căn cứ vào bài luận xem ứng viên nào có sự chuẩn bị tốt hơn, nội dung thuyết phục hơn.
Vì vậy, những bài của riêng mỗi trường có yêu cầu khác nhau, cần có sự chuẩn bị sớm ít nhất là hai tháng trước khi nộp chứ không phải nước đến chân mới nhảy, vài ngày trước khi nộp.
Chọn trường “tránh cho trứng vào một rổ”
Thường thì tư vấn chung là sẽ chia thành ba nhóm trường, theo điểm SAT. Ví dụ, năm trường mơ ước của mình là những trường Top (hơi vượt ngoài khả năng nhưng cũng muốn nộp để thử); những trường vừa tầm và những trường cơ hội được nhận cao. Xu hướng là các em học sinh quá tự tin, thường chỉ nộp hồ sơ vào tất cả những trường thứ hạng cao. Như vậy, hai trường hợp xảy ra: hoặc là đậu hết, hai là trượt hết. Chẳng hạn, khi bị đại học Harvard loại thì khả năng bị trường Yale loại cũng rất cao. Kinh nghiệm chọn trường ở đây, nếu diễn đạt một cách hình ảnh, thì cần cho trứng vào nhiều giỏ khác nhau chứ không nhập vào một giỏ – tức nộp hồ sơ rải đều các nhóm trường.
Hiện nay, quan niệm phổ biến là phải đậu trường Top nổi tiếng mới đáng đi học. Đó là quan niệm khó thay đổi mà như bản thân tôi cố gắng thay đổi cách nghĩ ở các em học sinh nhưng với phụ huynh lại thua. Họ bảo phải vào trường nổi tiếng mới đi học.
Thực ra trường ở Mỹ thiết kế hệ thống như nhau. Giảng viên giỏi giữa các trường cũng khá đồng đều. Tiếng tăm của trường phụ thuộc vào cựu du học sinh thành đạt đã đành nhưng cần nhớ, điều đó cũng phụ thuộc số tiền trường đó bỏ ra cho những hoạt động tiếp thị, tuyển sinh. Vì vậy không có nghĩa càng nổi tiếng thì chất lượng giáo dục càng cao.
Phụ huynh lại ít tin vào lời khuyên đó bởi họ nghĩ càng nổi tiếng thì xin việc càng dễ hơn, người ta nhìn vào mình tốt hơn. Đó là sai lầm khiến học sinh chủ động (hoặc bị cha mẹ định hướng) nộp hồ sơ vào trường Top. Điều đó đồng nghĩa tự tước đi cơ hội có thể vào những trường có thứ hạng thấp hơn một chút, phù hợp với trình độ của mình hơn. Thậm chí có những trường thứ hạng thấp hơn nhưng hỗ trợ tài chính tốt hơn. Đó là chưa kể, nếu đậu vào rồi, trong một môi trường toàn sao thì con em họ sẽ cạnh tranh như thế nào, liệu có thích nghi được môi trường học đó hay không?
Tránh “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng”
Áp lực với học sinh lớp 12 quá lớn, ở chỗ các em vừa phải chuẩn bị du học vừa phải lo ôn thi tốt nghiệp, như vậy là phải song song hai chương trình. Tôi thường tư vấn cho phụ huynh nên chọn một con đường: nếu đã xác định du học thì nên chỉ tập trung cho các bài thi chuẩn hóa; nếu là thi đại học trong nước thì tập trung ôn thi. Tuy nhiên họ lại muốn chọn cả hai cho chắc ăn. Mà như vậy thì áp lực của phụ huynh có không? Tất nhiên là có nhưng áp lực của con em họ thì lớn hơn nhiều.
Điều đặc biệt là các kỳ thi tốt nghiệp một số môn có sự luân phiên, cấu trúc và hình thức thi thường “đổi mới”, “cải cách”. Ở Mỹ, một khi kỳ thi nào đó thay đổi định dạng, cấu trúc thì họ sẽ báo trước hai năm. Trong thời gian hai năm đó họ cho mình nhiều bài thi mẫu để làm quen, thi thử… nên khi chính thức áp dụng, thi thật thì rất sẵn sàng. Ví dụ SAT 2016 đổi đề thì từ 2014 đã bắt đầu thông báo, có đề mẫu để học sinh làm quen.
Áp lực nhiều, học nhiều nhưng kỹ năng không có sự chuẩn bị nên các bạn du học sinh thời kỳ mới qua thường cảm thấy bị “khớp”. Ở trong nước học môn này môn kia, đề thi ôn thế nào thì thi thế ấy. Trong khi đi du học, mọi thứ phải xuất phát từ sự tự học, tích luỹ kiến thức từ thư viện, từ tài liệu và cả cuộc sống… Nhiều học sinh khi mới đi học vẫn hay liên hệ tôi, hỏi rằng giáo sư bảo tìm đề tài nhưng không biết tìm đề tài gì, ở đâu…
Vì vậy, trong giai đoạn nộp đơn du học mỹ lời khuyên quan trọng nhất cho các học sinh trong giai đoạn này là làm gì thì làm một thứ thôi, không ôm đồm, học thêm… Với cá nhân tôi, lời khuyên là trong vòng ba tháng này nên tập trung vào viết luận, học SAT tập trung vào du học. Khi đã chuẩn bị cho du học tương đối ổn thì quay lại học chương trình phổ thông.
Một số học sinh của tôi thường lựa chọn nếu du học thì chỉ tập trung vào con đường này, không đi học thêm và đã thành công.
Thay vì thời gian dành cho học thêm họ tập trung vào kỹ năng viết bài luận, các bài thi chuẩn hóa… như vậy bộ hồ sơ ứng tuyển sẽ chất lượng.
Nguồn: Người Đô Thị