Bằng cao đẳng Mỹ có giá trị hơn bằng đại học

0

SSDH – Người Việt từ trước tới nay vốn có văn hóa trọng bằng cấp. Bằng trung cấp thua bằng CĐ. Bằng CĐ bị coi rẻ hơn so với bằng ĐH. Học sinh tốt nghiệp phổ thông ra trường chỉ đi học CĐ khi bị trượt ĐH, và chỉ học trung cấp khi đến CĐ cũng trượt nốt.

 

Gần đây, do các trường ĐH tư thục mọc lên nhiều và bộ giáo dục nới rộng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, việc được nhận vào học ĐH ở Việt Nam trở nên dễ dàng. Điều này làm cho hệ thống CĐ và trung cấp mất dần đất sống.

 

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới công bố, số cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. Năm nay có đến 72 nghìn cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, tăng 70% so với năm 2012.

 

Cả hai nhóm tốt nghiệp CĐ và CĐ nghề (nhóm 1) và nhóm tốt nghiệp ĐH (nhóm 2) đều có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tuy nhiên nhóm tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp có tỷ lệ tăng cao hơn nhiều. Nhóm 2 có tỷ lệ thất nghiệp tăng 70% so với 30% của nhóm 1.

 

Điều này có lẽ một phần được giải thích vì kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn. Tuy nhiên một phần khác cũng là vì chỉ tiêu tuyển sinh ĐH tăng mạnh và vấn đề kiểm soát chất lượng không được quan tâm tương xứng.

 

Bằng cao đẳng Mỹ có giá trị hơn bằng đại học 

Sinh viên học chương trình CĐ của ĐH Broward College, một sự lựa chọn khác ngoài con đường ĐH

 

Thực ra, có cần phải học ĐH mới có được việc làm tốt hay không?

 

Học ĐH là một lựa chọn tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Để có tấm bằng ĐH, sinh viên cần tới 4 hoặc 5 năm. Kèm theo chi phí về thời gian là chi phí về tiền bạc. Trong khi đó học CĐ và CĐ nghề thường chỉ mất một nửa thời gian so với học ĐH, và chi phí cũng rẻ hơn.

 

Học sinh tốt nghiệp phổ thông ra nhiều khi không biết mình thích hợp với ngành nghề nào. Vì thế việc chọn trường ĐH để học với nhiều em là do mang tính phong trào, do phụ huynh yêu cầu, hoặc đơn giản là chỉ tìm được trường nào đủ điểm đỗ ĐH để vào học cho có.

 

Ở các nước phát triển, việc học ĐH hay CĐ là một lựa chọn hết sức nghiêm túc của học sinh. Nó không phụ thuộc vào việc nhập học ở đâu khó hơn. Mỗi lựa chọn có lợi thế riêng, và tùy điều kiện và bối cảnh riêng của mỗi người mà lựa chọn nào trở nên tối ưu.

 

Thí dụ ở Mỹ nếu một sinh viên học ĐH thì phải xác định một ngân quỹ tối thiểu khoảng trên 100,000 USD để trả học phí. Trong khi đó, nếu học CĐ thì con số này chỉ khoảng 20,000 USD, thậm chí thấp hơn nhiều. Nếu lấy bằng CĐ (Associate Degree) từ trường ĐH Cộng đồng của Bang nơi mình sinh sống, học phí thường được chính quyền tiểu Bang bao cấp và nhiều khi chỉ khoảng 3000 USD-5000 USD/năm, tức là chỉ dưới 10,000 USD học phí cho một tấm bằng Associate.

 

Người nhận bằng Associate khi đi làm lương cũng không thấp hơn người nhận bằng ĐH. Theo một bài báo đăng hồi đầu năm 2013 trên CNN, có khoảng 30% người Mỹ tốt nghiệp CĐ khi ra trường có mức lương khởi điểm cao hơn mức lương của người có bằng ĐH, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục và Nhân lực thuộc ĐH Georgetown. Một số nghiên cứu khác còn cho thấy ở nhiều tiểu bang tính trung bình người tốt nghiệp CĐ ra trường kiếm được nhiều tiền hơn người tốt nghiệp ĐH.

 

Chi phí rẻ hơn rất nhiều, tiết kiệm được đáng kể thời gian, và khi ra trường lương khởi điểm cao hơn, vậy tại sao người ta vẫn đi học ĐH?

 

Lý do là học CĐ thường tập trung vào việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong một ngành hẹp. Người tốt nghiệp ra có chuyên môn tốt, và bắt nhịp với công việc nhanh. Vì thế lương khởi điểm của họ cao hơn. Đổi lại, người học ĐH được trang bị nhiều kiến thức nền hơn, vì thế khả năng thăng tiến về lâu dài thường cao hơn người học CĐ.

 

Do đó, lựa chọn học CĐ rồi đi làm ngay, hoặc lựa chọn học ĐH là một lựa chọn tối ưu mang tính cá nhân. Nhiều người sau khi đi làm một thời gian lại tiếp tục học 2 năm còn lại để lấy bằng ĐH, thậm chí sau đó là bằng thạc sĩ hoặc cao hơn, khi họ có điều kiện về tài chính và thời gian tốt hơn.

 

Ở Việt Nam, một số trường CĐ chất lượng cao có uy tín vẫn đem lại cho sinh viên cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến tốt hơn các trường ĐH tư thục nửa mùa. Thí dụ CĐ FPT Polytechnic, CĐ Nghề Việt Mỹ, CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn… Thêm nữa, các trường CĐ quốc tế của nước ngoài cũng đang dần dần có mặt ở Việt Nam, thí dụ chương trình CĐ của ĐH Broward College (Hoa Kỳ), CĐ Kent (Úc), hay PSB (Singapore). Các cơ sở này đang cung cấp thêm các lựa chọn có giá trị cho học sinh Việt Nam trong việc chọn trường sau tốt nghiệp phổ thông, đặc biệt là trường Broward College, trường được viện giáo dục Aspen (do hai cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ tham gia lãnh đạo) xếp hạng là một trong 10 trường có hệ CĐ cộng đồng tốt nhất nước Mỹ).

 

Việt Nam về lâu dài vẫn cần một hệ thống CĐ có chất lượng cao để gia tăng lựa chọn cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông. Một trường CĐ tốt sẽ có ích hơn rất nhiều một trường ĐH nửa mùa mang tính bán bằng cấp. Học sinh sẽ được học các kỹ năng nghề nghiệp thực sự để đi làm ở một trường CĐ tốt. Sau đó họ có thể đi làm một thời gian, và nếu muốn, quay lại học tiếp để lấy bằng ĐH giống như ở các nước tiên tiến. Mặt khác, VN cũng nên hạn chế bớt sự tồn tại của quá nhiều trường ĐH chất lượng thấp, mang tính bán bằng cấp, hiện vốn đang tồn tại ở khắp mọi miền của đất nước. Sự tồn tại của các ĐH này làm lãng phí nguồn lực quốc gia, phí thời gian và tiền bạc của sinh viên, và làm rối loạn chất lượng của hệ thống ĐH của nước ta.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo NLD

Share.

Leave A Reply