Sẵn sàng du học – 8 năm sau thành công của “Poetry” (Thi ca, 2010), đạo diễn gạo cội xứ Hàn Lee Chang Dong mới “tái xuất giang hồ” bằng một bộ phim khác có cái tên nghe “ghê gớm” hơn hẳn – “Burning” (Thiêu đốt).
Giống như Poetry, Burning tiếp tục xoay quanh nhân vật chính là một tác giả đang tìm kiếm cảm hứng sáng tác. Và "cảm hứng" ấy cũng tiếp tục là một người nữ bị dồn vào bi kịch bởi xã hội nam quyền – tiền quyền của Hàn Quốc. Thật thú vị khi đặt hai tác phẩm này cạnh nhau, như thể Lee Chang Dong đã dành 8 năm "nằm im" để tìm ra một nửa còn lại thật ăn khớp và xứng đáng với Poetry, lần này với góc nhìn từ người trẻ (Poetry là góc nhìn của người già); hoàn thiện bức tranh hiện thực tàn khốc mà ông nhìn thấy ở nước mình.
Làm một bộ phim nói về những bi kịch của người trẻ, khá dễ hiểu khi Lee Chang Dong lựa chọn một truyện ngắn của Haruki Murakami để bắt đầu (Cụ thể là tác phẩm "Barn Burning" – "Đốt nhà kho", rút từ tập truyện ngắn "Con voi biến mất" năm 1983). Tuy nhiên, "bẻ lái" câu chuyện Nhật Bản của Murakami sang câu chuyện Hàn Quốc của Lee Chang Dong là một việc không dễ dàng chút nào. Vậy mà Lee Chang Dong làm được. Nửa sau của phim là do Lee tự phát triển thêm, và trong suốt bộ phim, ông cũng "thêm mắm dặm muối" nhiều chi tiết không có trong cốt truyện gốc. Song những cái "mắm muối" này lại "rất Murakami", bởi vậy mà phim vẫn đảm bảo sự thống nhất và giữ được một nhịp điệu thú vị để đạt đến một cái kết ổn thỏa.
Tuy nhiên, cũng chính vì phát triển nguyên tác của Murakami mà Burning bị rối hơn nhiều so với Poetry (hàng "chính chủ" của đạo diễn họ Lee). Murakami là một người có tính thể hiện rất mạnh, đòi hỏi Lee Chang Dong buộc phải thể hiện mạnh hơn để có thể kiểm soát các thông điệp truyền tải trong phim mình. Kết cục là ở một số chi tiết, ông trở nên hơi "gồng" (Ví dụ việc ông hơi lan man về nữ quyền trong một cuộc nói chuyện nơi công viên). Nhân vật nữ chính của ông lần này cũng bị yếu hơn so với Poetry, và có lẽ sẽ tạo được nhiều sự cảm thông ở khán giả nam hơn là khán giả nữ.
Nói vậy nhưng không phải Burning kém hơn Poetry. Theo đánh giá của người viết, tuy không bằng về mặt cảm xúc, nhưng Burning lại thú vị hơn Poetry. Khán giả sẽ được thưởng thức sự ly kỳ khi gần như phải dính chặt vào nhân vật chính, cùng anh ta từ từ khám phá ra những góc tối của các nhân vật còn lại. Và ly kỳ hơn nữa khi, tuy dính chặt như vậy, nhưng khán giả vẫn không được hòa làm một với nhân vật chính, mà vẫn là một người lạ từ từ khám phá ra những góc tối của anh ta.
Nàng Lọ Lem và chuyện tình tay ba trên phim truyền hình. Hoặc không.
Câu chuyện của Burning xoay quanh hai chàng trai và một cô gái, gồm: trai nghèo tên Jong Soo (Yoo Ah In), gái nghèo tên Hae Mi (Jeon Jong Seo), và trai giàu tên Ben (Steven Yeun). Jong Soo tốt nghiệp đại học chuyên ngành viết văn, hiện làm nghề bốc vác để nuôi thân và nuôi ước mơ trở thành một tiểu thuyết gia. Một hôm, trên đường đời tấp nập, anh vô tình gặp được người bạn từ thời thơ ấu là Hae Mi. Hai người đi uống với nhau, Hae Mi bày tỏ rằng cô sắp đi du lịch châu Phi và nhờ Jong Soo chăm giúp con mèo ở nhà bằng cách đến cho nó ăn hàng ngày. Jong Soo đồng ý. Tình cảm hai người phát triển rất tốt trong thời gian ngắn ngủi còn lại ở Hàn Quốc của Hae Mi. Họ thậm chí còn quan hệ với nhau một lần tại nhà cô; khiến Jong Soo tin rằng họ sẽ trở thành một đôi khi Hae Mi đi du lịch trở về. Thế nhưng đời không như là mơ, Hae Mi không về một mình mà với một anh chàng (cũng người Hàn và cũng đi du lịch châu Phi) tên Ben. Tuy nhiên, Jong Soo không bị gạt ra khỏi cuộc sống của Hae Mi. Cả Hae Mi và Ben đều có vẻ khá yêu quý Jong Soo, nên họ vẫn thường rủ anh đi chơi chung một cách thường xuyên.
Trong một lần ngồi với nhau, Ben tiết lộ cho Jong Soo biết rằng anh ta có sở thích phóng hỏa những căn nhà kính vinyl bỏ hoang. Anh ta đều đặn làm việc này 2 tháng một lần, và đang nhắm đến một cái nhà kính rất gần Jong Soo. Tò mò, Jong Soo đánh dấu các nhà kính xung quanh mình và chạy bộ kiểm tra hàng ngày để xem căn nhà nào bị đốt. Anh dần dần bị ám ảnh bởi những cái nhà kính và nụ cười bí ẩn của Ben. Cùng lúc, một sự bí ẩn nữa ập đến khiến Jong Soo thêm rối trí – Hae Mi đột ngột biến mất. Không ai biết cô ở đâu, kể cả Ben. Jong Soo bỏ việc, vì trong đầu anh lúc này chỉ có hai việc phải làm cho bằng được: Tìm ra cái nhà kính bị đốt, và tìm ra Hae Mi.
Nhìn vào ba nhân vật và những tóm tắt sơ lược ban đầu về cốt truyện, có lẽ bạn sẽ thấy phim có nét gì đó nhang nhác phim thần tượng trên truyền hình. Anh Ben đẹp trai, giàu có, sành điệu, biết nấu ăn, lại còn nói ngọt đến mức kiến trong lỗ cũng phải chui ra – Đúng chuẩn "soái ca". Cô Hae Mi thì xinh đẹp (dù cô bảo cô phẫu thuật thẩm mỹ nên mới được thế), là lạ, và thú vị (ít nhất là cô nghĩ thế) – Đúng chuẩn Lọ Lem. Thì có lẽ cô cũng nghĩ mình sẽ là nữ chính phim thần tượng, bởi khi Jong Soo hỏi "Cô có từng nghĩ tại sao người đó (Ben) lại muốn qua lại với cô chưa?", cô đã trả lời "Anh ấy nói thích kiểu người như tôi. Anh ấy bảo rất lý thú".
Nhưng bộ phim này không phải là phim thần tượng. Hiện thực không phải là phim thần tượng. Hae Mi quá lãng mạn, nên cô không nhìn thấy cái ngáp dài sau nụ cười của chàng soái ca. Hoặc cô biết, nhưng cố tình lờ đi không thấy. Hae Mi quá lãng mạn, nên cô cứ tự nhiên cởi áo rồi phê pha múa khỏa thân trong ánh tà dương trên miền quê nghèo, trong tiếng nhạc du dương tự tưởng tượng ra; để rồi ôm mặt bật khóc khi thấy mặt trời khuất dạng và nghe tiếng con bò cái kêu ò ò trong chuồng. Cô hay say, hay phê, và hay ngủ. Cứ buồn là cô ngủ, như tìm một cách chạy trốn khỏi hiện thực trong những giấc mơ. Nhân vật như Hae Mi được xây dựng để định sẵn cho một bi kịch "vỡ mộng", chỉ là không biết nó nghiêm trọng đến mức độ nào mà thôi.
Người viết nghĩ đến phim thần tượng, bởi trong phim này Lee Chang Dong rõ ràng có "một vấn đề gì đó" với truyền hình. Khi Hae Mi lần đầu tiên dẫn Jong Soo đến căn phòng nhỏ xíu cô thuê, cô mở cửa sổ và nói: "Nhà này hướng Bắc nên quanh năm âm u ẩm ướt. Nhưng ngày ngày sẽ có ánh nắng chiếu vào một lần. Ánh nắng phản chiếu từ cửa kính đài ngắm cảnh trên tháp Namsan chiếu vào nhà tôi. Nhưng khoảng thời gian đó rất ngắn, nếu may mới có thể thấy." Khi quan hệ với Hae Mi, Jong Soo đã nhìn thấy thứ ánh sáng ấy, một khoảnh khắc rất ngắn ngủi trước khi nó tắt ngấm. Sau này, khi Hae Mi đi, Jong Soo cũng nhiều lần thủ dâm khi ngước nhìn tháp Namsan qua cửa sổ phòng cô. Tháp Namsan có lẽ đại diện cho một thứ gì đó lãng mạn, lý tưởng, xa vời; mà những người nghèo như Hae Mi và Jong Soo luôn khao khát nhưng không thể có được. Vấn đề ở đây là: Tháp Namsan chính là tháp truyền hình và đài phát thanh đầu tiên của Hàn Quốc.
Trong một cảnh khác, dụng ý chống đối của Lee Chang Dong tỏ ra rõ ràng hơn khi thể hiện nguồn sáng duy nhất trong căn phòng tối om của Jong Soo là ánh phản chiếu của TV trên cửa kính (TV lúc này đang phát một gameshow hài hước, nhưng Jong Soo không xem mà anh ta đang ngủ). Nó tiếp tục tăng tiến với cảnh ngay trong buổi sáng hôm sau, Jong Soo vừa ăn mì vừa xem thời sự, và anh ta đi tè trong tiếng "chém gió" của Donald Trump: "Phúc lợi của công dân và người lao động Mỹ sẽ được đặt lên hàng đầu."
Với những chi tiết này, phải chăng Lee Chang Dong đang muốn nói rằng, những sự hào nhoáng mà Hàn Quốc thể hiện trên TV chỉ là một sự lãng mạn mà người ta nhìn vào để "ru ngủ" bản thân mà lờ đi những vấn đề thực tế đang diễn ra hàng ngày và càng ngày càng nghiêm trọng?
Thanh niên Hàn Quốc và thân phận "một cổ ba tròng"
Thực tế mà Lee Chang Dong đề xuất trong phim khá phức tạp. Ở đây, người viết tạm tách ra ba ý lớn – Ba gánh nặng của người dân Hàn Quốc nói chung và người trẻ Hàn Quốc nói riêng; xếp theo thứ tự khẳng định từ nhẹ đến mạnh.
Bắt đầu với tròng thứ nhất – Chữ Hiếu. Mối quan hệ giữa Hae Mi và Jong Soo đối với cha mẹ mình đều ở trạng thái tồi tệ. Chúng ta sẽ tập trung vào Jong Soo, người có mối quan hệ với cha mẹ được thể hiện rõ nhất. Mẹ Jong Soo bỏ rơi anh từ khi còn bé, đến tận mười mấy năm sau mới gọi điện đòi gặp con, mà thật ra gặp là để kể lể xin 5 triệu won trả nợ (có lẽ do ăn chơi quá trớn). Jong Soo từng tức giận đến mức đốt sạch quần áo của mẹ khi bà bỏ đi; nhưng khi gặp lại bà, anh vẫn đồng ý giúp bà món nợ ấy.
Jong Soo cũng căm ghét cha; nhưng lại phải về quê trông nhà và chăm bò cho ông, khi ông đi hầu tòa vì đập cái ghế vào "người thi hành công vụ". Anh cũng tham gia tất cả các phiên tòa của cha, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của một người con chí hiếu. Jong Soo bị cha mẹ ruồng bỏ, nhưng anh vẫn phải phục vụ cha mẹ – Một điều tưởng chừng vô lý nhưng lại vô cùng có lý, khi ta xét trong một xã hội đề cao các giá trị Nho giáo như Hàn Quốc.
Tròng thứ hai là Công quyền. Đây là một ý nghĩa không được thể hiện trực tiếp trong quan hệ với Jong Soo; song ta có thể nhận ra nó một cách dễ dàng qua những phiên tòa xét xử cha của anh với tội danh "chống người thi hành công vụ". Một khi cha Jong Soo đã là nạn nhân, thì Jong Soo cũng là nạn nhân. Đó là sự kết hợp giữa cái tròng thứ hai và cái tròng thứ nhất.
Tuy nhiên, cảnh lên án Công quyền mạnh mẽ nhất của Lee Chang Dong lại là một cảnh ẩn dụ. Đó là khi Hae Mi khỏa thân múa may trong suy tưởng về những cơn đói và sự tự do, cô múa ngay dưới… một lá cờ Hàn Quốc. Sau đó, đạo diễn cho ta một cú lia máy tuyệt đẹp miêu tả cảnh hoàng hôn của Paju, giống hệt cảnh hoàng hôn ở châu Phi mà Hae Mi từng kể: "Nó bắt đầu với màu cam, rồi chuyển sang đỏ máu, rồi tía, rồi xanh lam. Cuối cùng, bầu trời tối đi và những đám mây chiều biến mất. Nước mắt tôi tự dưng rơi xuống. A, coi bộ tôi đã đến nơi tận cùng thế giới". Hoàng hôn Hàn Quốc cũng giống hoàng hôn châu Phi, phải chăng ở dưới một góc độ nào đó, người Hàn cũng đói và khổ chẳng khác gì người châu Phi?
Tròng cuối cùng và cũng là tròng mạnh nhất – Tiền quyền; được thể hiện xuyên suốt bộ phim. Những người nghèo như Jong Soo và Hae Mi bị đẩy vào bóng tối, đẩy vào những căn phòng nhỏ bé và bừa bộn như những đống rác. Ngược lại, người giàu như Ben thì được cất lên trên tầng cao tít, thừa mứa ánh sáng và không gian. Những "con ong cái kiến" như Jong Soo và Hae Mi thì cắm mặt vào làm việc để trả nợ, đến mức không có lấy một người bạn hay người yêu; còn "con ông cháu cha" như Ben thì suốt ngày vi vu xế hộp đi gặp bạn, tán gái và thậm chí còn rảnh rỗi tới mức sinh ra cái trò đốt nhà kính để "giải tỏa" cảm xúc cá nhân.
Nhưng công bằng mà nói, Ben cũng là nạn nhân của thế lực đồng tiền như Jong Soo và Hae Mi vậy. Đồng tiền tước đi quá nhiều quyền lợi từ Jong Soo và Hae Mi; nhưng lại mang đến quá nhiều quyền lực ngoài tầm kiểm soát của Ben, khiến anh ta trở thành một con người bệnh hoạn. Sự mất cân bằng trong xã hội, có lẽ gây ra bởi nạn tham nhũng quyền lực nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc, kéo dài từ những thế hệ trước, đã khiến thế hệ hiện tại phải gánh chịu hậu quả – Một thế hệ đói khát ý nghĩa của sự tồn tại đến tuyệt vọng.
Ngọn lửa ai đốt, và đốt ai?
Ngọn lửa của Murakami có thể có hàm ý khác, nhưng ngọn lửa của Lee Chang Dong chắc chắn có liên quan đến sự phán xét. Jong Soo luôn thắc mắc rằng xuất thân của Ben như thế nào mà anh ta chơi mãi không hết tiền, lại có nhà cao xe xịn như vậy. Và anh đã tìm thấy câu trả lời sau khi bước ra từ một buổi lễ ở nhà thờ. Anh nhìn thấy cả gia đình Ben, đang vui vẻ ăn trưa ở một bàn tiệc sang trọng.
Để hiểu hơn về cảnh này, ta tua ngược lại cảnh Ben nói về sở thích nấu ăn, trong lần Jong Soo và Hae Mi lần đầu tiên đến nhà anh ta. Ở đây, ta thấy Ben ví thức ăn với đồ tế: "Anh thích nấu ăn là vì, anh có thể thỏa sức làm những món mình thích, mà điều tuyệt hơn nữa là anh có thể một mình ăn hết, như thể dâng vật tế lên cho vị thần của nhân loại vậy. Anh tự làm đồ tế cho mình, sau đó ăn sạch." Một cách ví von thật bất thường, cho thấy việc Ben đang tự coi mình là một "thể" gì đó rất gần với thánh thần.
Tiếp đó, ta tua đến cảnh Ben tâm sự về sở thích đốt nhà kính khi ngồi trước cửa nhà Jong Soo, khi anh ta nói rằng cảnh sát chẳng quan tâm đến đám nhà kính đầy rẫy khắp Hàn Quốc đâu, vì chúng là những thứ vô dụng và chỉ khiến người ta ngứa mắt. Lúc này Jong Soo hỏi: "Vô dụng hay không là do anh phán xét sao?", thì nhận được câu trả lời là: "Tôi chẳng phán xét, chỉ chấp nhận thực tế. Thực tế là chúng đang chờ tôi đến đốt". Và anh ta ví việc mình đốt nhà kính với việc mưa tạo thành lũ, cuốn phăng sự sống của con người. Anh ta giải thích đó là sự chọn lọc tự nhiên, vốn tồn tại ở mọi nơi.
Ở đây, Ben – đại diện cho giới giàu Hàn Quốc – dường như đang thay mặt thánh thần nắm giữ sự tồn tại của những cái nhà kính – đại diện cho tầng lớp nghèo hèn, không có tiếng nói trong xã hội. Thích thì đốt. Thích thì cho biến mất, như chưa bao giờ tồn tại. Thế thôi. Đã nghèo, là bước ra khỏi sự quan tâm của pháp luật. Vì pháp luật ở đây chỉ bảo vệ người có tiền.
Nếu đi theo cách diễn giải này, cái kết tỏ ra vô cùng hợp lý. Đó là sự vùng dậy đầy bất lực, bản năng và mang tính tạm thời của người nghèo. Một chút gì đó của công lý được thực thi, trong bầu trời trắng tuyết tượng trưng cho sự thanh tẩy. Cảnh trần truồng của Jong Soo ở đây giống với cảnh cởi trần của Hae Mi trong vũ điệu dưới ánh chiều tà ở đoạn trước; thể hiện sự giải thoát và tự do của con người – một lựa chọn do Lee Chang Dong thêm vào, nhưng lại gợi nhớ đến cảnh thoát y gây sốc của nhân vật Midori mà Murakami đã sử dụng trong đoạn kết "Rừng Na Uy". Một cái kết mà có lẽ Lee Chang Dong dùng để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với Murakami – người bạn tri âm của ông trong nghệ thuật.
Burning được sản xuất với 8 tỉ won, một con số có lẽ mang nhiều kỳ vọng của đoàn làm phim. Thật tiếc rằng phim lại thất bại khá nặng nề về doanh thu trên chính nước nhà, trong khi, nó lẽ ra phải là một bộ phim mà giới trẻ Hàn Quốc sẽ đổ xô tới rạp để xem. Lee Chang Dong đã cố gắng đề cập đến rất nhiều vấn đề có thể gây đồng cảm với thanh niên Hàn Quốc (thậm chí đến mức "ôm đồm"); nhưng có vẻ như cách thể hiện của Burning quá khó hiểu và không thể chạm tới đa phần công chúng. Dù sao, đây cũng là bộ phim "phong cách mới" của Lee Chang Dong theo lời ông chia sẻ, vì vậy, hi vọng những tác phẩm sau của ông sẽ được đón nhận nhiều hơn.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14