Sẵn sàng du học – Ngoài khoản học phí từ 5.000 đến 50.000 USD mỗi năm tùy từng trường, sinh viên du học Mỹ phải tính đến nhiều chi phí khác như ăn ở, mua sắm, vui chơi.
Dưới đây là thống kê của Times Higher Education (THE) để phụ huynh, học sinh tham khảo:
Học phí
Mỹ là một trong những địa điểm du học phổ biến nhất nhưng cũng đắt đỏ nhất. Học phí trường đại học ở quốc gia này từ 5.000 đến 50.000 USD mỗi năm. Hầu hết chương trình đại học kéo dài trong bốn năm. Điều này đồng nghĩa sinh viên phải chi trả từ 20.000 USD đến 200.000 USD cho đến khi tốt nghiệp, tùy từng trường. Theo tính toán của THE, học phí trung bình dựa trên số liệu từ các trường đại học là khoảng 132.860 USD cho bốn năm.
Trong khi một số quốc gia có sự chênh lệch học phí giữa sinh viên trong nước, thuộc EU hay quốc tế, trường đại học Mỹ lại áp dụng học phí khác nhau giữa sinh viên trong và ngoài bang. Một đại học công lập thu 10.230 USD mỗi năm đối với sinh viên trong bang nhưng sinh viên ngoài bang sẽ phải trả gấp 2,5 lần – 26.290 USD. Có đại học tư nhân phi lợi nhuận thu 35.830 USD mỗi năm.
Chỗ ở
Nhìn chung, chi phí sinh hoạt dành cho sinh viên sinh sống và học tập ở Trung Tây Mỹ thấp hơn, còn ở Đông và Đông Bắc nước Mỹ đắt đỏ hơn. Chi phí trung bình cho một căn hộ từ 500 USD mỗi tháng (căn hộ một phòng ngủ ở nông thôn) đến 3.500 USD (căn hộ một phòng ngủ ở thành phố lớn), không biến động so với năm ngoái.
Chỗ ở trong khuôn viên trường là ký túc xá với hai hoặc ba người một phòng. Sinh viên sẽ phải dùng chung phòng tắm và nhà vệ sinh. Các phòng trong ký túc xá giá trung bình từ 5.304 đến 8.161 USD, bao gồm tất cả tiện ích và chi phí liên quan đến nhà ở. Giá thấp nhất được tìm thấy ở trường công lập đào tạo hai năm và cao nhất tại các trường đại học tư thục. Sinh viên có thể tham khảo trên web trường bằng công cụ tính toán chi phí chỗ ở và ước tính học phí.
Sinh hoạt phí
Chi phí Internet là 35-60 USD mỗi tháng, tiện ích trong nhà và điện thoại hàng tháng khoảng 50 USD. Các tiện ích trong nhà có thể có hoặc không bao gồm tiền thuê nhà như tiền điện 50-100 USD mỗi tháng, lò sưởi 50-100 USD. Tiền nước, hệ thống nước thải, thu gom rác được trả bởi chủ nhà, tuy nhiên người thuê cũng có thể phải chi trả 50-75 USD mỗi ba tháng.
Một số khoản chi tiêu khác
Xăng giá 2,3 USD mỗi gallon (4,5 lít). Thẻ giao thông công cộng hàng tháng khoảng 50-60 USD, một số khu vực ưu đãi cho sinh viên.
Chi phí mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa hàng tuần từ 20 đến 70 USD tùy thuộc vào chế độ ăn uống, giá rau quả tươi. Nhiều trường sẽ đưa phí các bữa ăn vào chi phí ký túc xá, gọi chung là phí ăn ở.
Một bữa ăn trong nhà hàng giá khoảng 15 USD. Một chai rượu vang giá khoảng 15 USD và một cốc bia giá 6-8 USD.
Chi phí một đêm đi chơi tùy thuộc và địa điểm và hoạt động nhưng trung bình ở Mỹ khoản này là 81 USD mỗi đêm. Một lần đi xem phim tại rạp khoảng 9 USD. Nếu tập gym ở phòng tập, trung bình mỗi tháng sinh viên phải trả 58 USD.
Các loại hỗ trợ tài chính
Khoảng 85% sinh viên đại học tại các trường công lập và 89% tại trường tư thục phi lợi nhuận được hưởng lợi từ một số loại hỗ trợ tài chính. Các trường uy tín nhất ở Mỹ, với chi phí học tập thuộc hàng cao nhất lại mang tới cho sinh viên sự hỗ trợ tốt nhất. Ví dụ, khoảng 91% sinh viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) được nhận hỗ trợ tài chính.
Hỗ trợ tài chính có nhiều dạng như học bổng, trợ cấp. Một số dạng chỉ dành cho sinh viên Mỹ nhưng cũng có nhiều gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế. Nhiều đại học cung cấp công việc trong khuôn viên trường cho sinh viên.
Ngoài ra, có một vài chương trình học bổng nổi tiếng do chính phủ Mỹ tài trợ cho sinh viên quốc tế như Fulbright và học bổng Hubert Humphrey.
ID sinh viên cũng giúp các bạn được giảm giá 10-50% cho quần áo, vé xem phim, vào bảo tàng, đi xe bus Greyhound và thuê nhà ở trên Airbnb.
Cá Domino (SSDH) – Theo vnexpress