Sẵn sàng du học – Trầm cảm như cuộc chiến trong bóng tối, ngoài việc bản thân người bệnh tự cứu mình thì người thân và bạn bè của họ chính là những tia sáng hi vọng, phải luôn mở lòng yêu thương.
Thời gian vừa qua, một thần tượng âm nhạc người Hàn Quốc qua đời ở tuổi 25 đã khiến công chúng bàng hoàng. Sau đó không lâu, mới đây, người ta lại phát hiện bạn thân của cô tự tử ở lúc sự nghiệp rực rỡ.
Nỗi buồn, u sầu, đau khổ, lo âu, tự tử… rất nhiều tính từ chỉ sắc thái tâm lý tiêu cực xuất hiện, nhưng có lẽ từ khóa xuất hiện dày đặc hơn hết chính là “trầm cảm”.
Hàng loạt bài báo, từng dòng trạng thái xuất hiện trên trang cá nhân: "Đứng trên tòa cao ốc, nhìn xuống đường, tôi đã nghĩ chỉ cần bước thêm một bước chân nữa thôi, tất cả những đau khổ giày vò này sẽ kết thúc. Vĩnh viễn".
“Cuộc sống của tôi không còn màu sắc và âm thanh, không còn hình khối, tất cả giống như một bản vẽ hai chiều bằng phẳng. Tôi không thể tìm thấy tiếng nói và cảm xúc bản thân, chỉ mơ hồ nhớ về mình như một điều không thật”…
Khi những lời thú nhận về “căn bệnh vô hình” được hé lộ, người ta mới giật mình nhận ra trầm cảm chính là sát thủ thầm lặng và không một ai miễn nhiễm với căn bệnh này.
Rối loạn cảm xúc hay nỗi buồn… được thần thánh hóa?
Nguyễn Đỗ Khả Tú và Nguyễn Thanh Hà (đồng tác giả Trầm cảm – Sát thủ thầm lặng) là hai trong các thành viên sáng lập Beautiful Mind Vietnam – tổ chức phi lợi nhuận ra đời từ năm 2015 với mục tiêu chia sẻ các kiến thức về tâm lý học lâm sàng, sức khỏe tâm lý, các rối loạn về tâm thần cũng như các phương pháp điều trị cho cộng đồng.
Bản thân hai tác giả đều từng đối mặt với những căn bệnh tâm lý khác nhau, vượt qua nó bằng kiến thức và sự cố gắng của mình, Trầm cảm -Sát thủ thầm lặng là cuốn sách mang đến cho bạn đọc nhiều câu trả lời xung quanh chứng rối loạn cảm xúc, hay còn gọi là trầm cảm, với hy vọng truyền tải tới cộng đồng những thông điệp, giải pháp giúp họ vượt qua, chiến thắng căn bệnh.
Trầm cảm thật sự là gì và có từ bao giờ? Làm cách nào để nhận biết, phòng chống và điều trị trầm cảm? Giữa thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển, chỉ cần một cú nhấp chuột sẽ có hàng trăm các kết quả liên quan đến từ khóa trầm cảm hiện ra.
Nhưng có khoảng bao nhiêu trong chúng ta quan tâm đến căn bệnh này và bao nhiêu phần trăm trong số đó hiểu, nhận thức đúng về dấu hiệu, hệ quả trầm trọng mà căn bệnh này đã gây ra?
“Trầm cảm là một chứng rối loạn cảm xúc, gây ra cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến các vấn đề khác về tinh thần lẫn thể chất. Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến bạn khó làm việc hoặc khó vui vẻ trở lại. Thậm chí trong các trường hợp nghiêm trọng, chứng trầm cảm có thể dẫn đến ý định tự tử”.
Điều đáng tiếc ở đây, nhiều người thường nhầm lẫn giữa trầm cảm với các cảm xúc như buồn bã hay bi thương. Sự thật, dù cùng trạng thái tâm lý, chúng rất khác nhau về bản chất.
Trong khi nỗi buồn thông thường là cảm xúc bình thường của con người, ai cũng trải qua, lặp lại rất nhiều lần trong cuộc sống và tất nhiên sẽ không để lại hậu quả nguy hiểm, thì trầm cảm được coi là trạng thái bất thường, không phải ai cũng trải qua và kéo dài không dứt. Nó không biến mất nếu không được chữa trị, đặc biệt những hậu quả khó lường sẽ xảy ra từ căn bệnh là điều không chối bỏ.
Là một căn bệnh có đầy đủ các triệu chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống con người không khác gì bệnh tim mạch hay tiểu đường và bệnh nhân hoàn toàn không thể tự chữa khỏi bằng ý chí. Thế nhưng hàng chục thế kỷ qua, trầm cảm vẫn là kẻ thù âm thầm giết chết con người, mà chính bản thân họ không tìm ra nguyên nhân.
Nhiều người nghĩ rằng trầm cảm chỉ xuất hiện ở thời hiện đại. Thực tế mà tác giả Nguyễn Đỗ Khả Tú và Nguyễn Thanh Hà chỉ ra cho thấy, trầm cảm đã tồn tại từ xa xưa với nhiều tên gọi khác nhau.
Thời cổ đại, nó được coi là chứng u sầu. Đến thời trung cổ, chứng u sầu trở thành dấu hiệu bị Chúa Trời ruồng bỏ. Người mắc bệnh bị kết tội là có một cuộc sống đầy tội lỗi và phải ăn năn. Lạ lùng, vào thời Phục Hưng, từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 17, trạng thái này được coi là chất xúc tác cảm hứng cho các tác phẩm vĩ đại, có tên gọi là “Nỗi buồn huy hoàng”.
Cho đến năm 1985, nhà tâm thần học người Đức Emil Kraepelin là người đầu tiên phân biệt chứng hưng-trầm cảm với chứng tâm thần phân liệt. Kể từ đây cụm từ “trầm cảm” được khai sinh.
Với 5 chương, 140 trang sách, tác giả sẽ giúp người đọc có cái nhìn tổng quan cụ thể về trầm cảm, giúp họ ứng xử với bệnh trầm cảm một cách chủ động nhất.
Trầm cảm đang bị hiểu lầm
Tác giả Nguyễn Đỗ Khả Tú chia sẻ: “Mình vẫn còn nhớ khoảng thời gian năm 2012, khi mình bắt đầu vật lộn với những cảm giác hụt hẫng, vô vọng, hoang mang. Lúc ấy, trầm cảm là một căn bệnh hoàn toàn xa lạ với mình. Chỉ khi được học và đi gặp bác sĩ, mình mới dần biết được trầm cảm là gì và nguy hiểm đến thế nào”.
Còn theo tác giả Nguyễn Thanh Hà, trầm cảm chưa được hiểu rõ và bị hiểu lầm, kì thị quá nhiều.
Đáng tiếc khi trầm cảm là sát thủ vô hình để nhận biết và hiểu rõ. Nhưng đáng tiếc và đáng sợ hơn, trầm cảm luôn bị lầm tưởng chỉ đơn giản là buồn bã hay lười biếng, rất khó phân biệt với những cảm xúc tiêu cực.
Không ai có thể nói cho chúng ta biết bao giờ bạn sẽ khỏi hay trầm cảm tái phát, nhưng có một điều chắc chắn: Nếu bạn không làm gì, trầm cảm sẽ không tự khỏi. Hãy tìm cho riêng mình định nghĩa của sự hồi phục và phấn đấu vì mục tiêu đó. Đây là điều mà hai tác giả gửi đến bạn đọc trong cuốn sách.
Trầm cảm được ví von như cuộc chiến trong bóng tối, ngoài việc bản thân người bệnh tự mình cứu lấy mình thì người thân và bạn bè của họ chính là những tia sáng hi vọng, phải luôn mở lòng yêu thương.
Cùng sự phát triển của Y học, ngày càng có nhiều biện pháp phòng tránh và điều trị trầm cảm. Ở chương cuối cùng của cuốn sách, các tác giả mách nhỏ những cách thức giúp tránh xa vòng xoáy sâu thẳm của cảm xúc.
Theo dõi sức khỏe tâm thần của bản thân bằng cách viết nhật ký, dùng ứng dụng điện thoại di động; xây dựng lối sống lành mạnh, bồi bổ cho tinh thần và sẵn sàng đối phó với cảm xúc tiêu cực…
Bằng mọi cách, người bệnh đều có thể chiến thắng một cuộc chiến tưởng chừng không cân sức, như nhà vật lí học Stephen Hawking từng nói rằng: “Còn sống là còn hi vọng”.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing