SSDH- Gần đây, nhiều bạn nhờ mình tư vấn xem nên chọn ngành học gì. Điều này làm mình nhớ tới bản thân mình hồi học cấp ba, khi làm hồ sơ đăng ký thi đại học, mình và nhiều bạn cùng trang lứa cũng rất mông lung. Mình đã từng gặp một số bạn chọn đại một ngành học, vì đơn giản ngành đó đang hot, hoặc vì ngành đó có điểm chuẩn thấp nên khả năng đỗ đại học cao hơn, hoặc vì mong muốn của gia đình,… Kết quả là sau khi mất bao thời gian, tiền bạc, và công sức ngồi trên giảng đường, họ nhận ra ngành học đó không phù hợp, và lại phải tìm một ngành học khác.
Tham khảo:
Bởi vậy, mình muốn chia sẻ với các bạn một vài yếu tố cần cân nhắc để lựa chọn ngành học phù hợp. Hy vọng sẽ giúp ích cho những bạn nào đang băn khoăn trước ngưỡng cửa đại học hoặc cao học nhé.
1. Sở thích
Mình rất thích một câu nói của Khổng Tử: “Hãy chọn công việc bạn yêu thích và như vậy bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời mình”. Sở thích là một yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn ngành học. Nếu bạn làm một công việc trong lĩnh vực mà mình yêu thích, bạn sẽ có nhiều động lực và hứng khởi mỗi khi đi làm. Còn nếu bạn phải làm một công việc mà mình không thích, mỗi ngày đi làm sẽ vô cùng khổ sở.
Một điều lưu ý rằng: sở thích đôi khi có thể thay đổi theo thời gian, đặc biệt khi bạn có dịp tiếp xúc với các khóa học thực tế, hoặc các trải nghiệm mới trong cuộc sống.
Nếu bạn muốn lựa chọn ngành học dựa vào sở thích hiện tại, hãy hỏi bản thân: “Liệu mình có tiếp tục thích lĩnh vực đó sau 10 hoặc 20 năm nữa không?”. Nếu bạn không thể trả lời có một cách chắc chắn, thì bạn nên chọn một ngành học mang tính rộng, để sau này bạn có thể dễ lựa chọn học chuyên sâu hoặc chuyển hướng sang một lĩnh vực khác. Ví dụ, bạn có thể học ngành Quản trị Kinh doanh, thay vì học Kế toán.
2. Khả năng
Nếu bạn không biết sở thích của mình là gì, thì bạn có thể lựa chọn ngành học dựa vào khả năng. Thông thường, một việc mà bạn làm giỏi sẽ khiến bạn có thêm tự tin vào bản thân, và dần dần yêu thích công việc đó. Chẳng hạn, nếu bạn giỏi toán, hãy chọn ngành học giúp bạn phát huy khả năng này như kế toán, tài chính,… Nếu bạn có năng khiếu trong việc giao tiếp với mọi người, hãy chọn những ngành như ngoại giao, báo chí, quan hệ công chúng,…
Nếu ngành học mà bạn yêu thích không phù hợp với khả năng của bạn, cũng đừng vội từ bỏ ngay, mà hãy tìm hiểu xem bạn có thể làm gì để phát triển kiến thức và kỹ năng cần thiết trong ngành đó. Mình từng đọc câu chuyện về AnnaRose Rubright, một cô gái đến từ New Jersey mắc hội chứng Down, đã vượt qua bệnh tật và tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân về phát thanh, truyền hình, và điện ảnh. Bởi vậy, hãy tin rằng: nếu bạn kiên trì nỗ lực, bạn có thể làm tốt trong lĩnh vực mà bạn mong muốn.
3. Cơ hội nghề nghiệp
Đa số chúng ta không chỉ học để cho vui, mà còn để tìm một công việc để giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn. Bởi vậy, cơ hội nghề nghiệp cũng là một yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn ngành học. Bạn hãy tìm hiểu xem ngành nghề mà bạn chọn có nhiều công việc để ứng tuyển không, thu nhập ra sao, tính chất cạnh tranh như thế nào,… Bạn có thể tìm hiểu những điều này thông qua tin tức trên báo chí, các trang tuyển dụng, sách hướng nghiệp.
Chẳng hạn, hơn chục năm trước, khi không nhiều người biết ngoại ngữ, nếu bạn học ngành tiếng Anh, bạn sẽ có khá nhiều cơ hội tìm được những công việc tốt, như giáo viên dạy tiếng Anh, phiên dịch, ngoại giao, xuất nhập khẩu,… Tuy vậy, hiện nay, có rất nhiều người sử dụng thành thạo tiếng Anh, cộng thêm sự xuất hiện của các ứng dụng công nghệ như Google Translate, nên nếu bạn học ngành tiếng Anh, thì bạn sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn khi tìm việc.
Nếu ngành mà bạn yêu thích không có cơ hội nghề nghiệp tốt, hãy thử hỏi bản thân: Liệu ngành đó có thực sự là điều mà bạn đam mê trong một thời gian dài không, hay chỉ là sở thích nhất thời? Bạn có thích ngành nào khác không? Nếu ngành đó là đam mê mà bạn không thể từ bỏ, bạn có sẵn sàng và sẽ làm gì để đương đầu với những khó khăn khi tìm việc trong ngành đó?
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn khi lựa chọn ngành học nhé. Chúc các bạn thành công!
Tác gỉa : Bình Minh Channel