Sẵn sàng du học – Đến một độ tuổi nhất định, gần như mọi câu hỏi mà người ta tự vấn đều xoay quanh một điểm, ta nên sống cuộc đời mình như thế nào?
Britt-Marie cảm thấy những yêu cầu của bà không hề khó thực hiện. Tất cả những điều bà muốn chỉ là một ngăn kéo cất nĩa dao muỗng gọn gàng theo đúng thứ tự. Và bất cứ ai cũng phải chùi giày ở thảm trước khi bước vào sàn nhà bóng loáng bà mới lau. Và ăn tối lúc 6 giờ. Và không chơi bóng đá.
Không phải Britt-Marie ghét bóng đá, hay bất cứ môn thể thao nào khác. Bà chỉ đơn giản là không hiểu được tại sao người ta phải khiến mình bị lấm bẩn, bị gãy chân, xước xát mặt chỉ để tranh giành một quả bóng. Hơn nữa, môn bóng đá ở Borg cũng không được chăm chút nhiều cho lắm.
Britt-Marie tìm đến Borg, một nơi khỉ ho cò gáy ở vùng nông thôn không phải để làm người lau dọn, hay một người giải quyết các xung đột, và càng không phải là huấn luyện viên của một đội bóng nhí. Bà đơn giản chỉ muốn tìm một công việc để chứng minh với thế giới rằng mình vẫn còn sống và tồn tại, thay vì chỉ thu lu ở nhà đợi chồng đi làm về và rồi bị phản bội.
Từ một phụ nữ “văn minh” trở thành ban huấn luyện bóng đá bất đắc dĩ cho lũ trẻ ở Borg, Britt-Marie bỗng trở thành điểm tựa cho tất cả những người dân nơi đây, thổi bừng sức sống cho cái thị trấn xám xịt này. Và khi đó, lần đầu tiên trong đời, Britt-Marie thực sự tìm được một nơi thuộc về.
Tiếp nối thành công của Người đàn ông mang tên Ove và Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi, Fredrik Backman tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Britt-Marie đã ở đây, giữ nguyên tinh thần của bộ truyện: chỉ những người đặc biệt mới làm nên điều khác biệt.
Britt-Marie là một nhân vật phụ đã xuất hiện trong cuốn sách trước về mối quan hệ giữa bà ngoại và cô gái nhỏ Elsa, nay trở lại với cuốn sách mới, bạn đọc có cơ hội được biết nhiều hơn về cuộc sống của bà.
Ở tuổi 63, lần đầu tiên trong đời Britt-Marie có một chuyến phiêu lưu thực thụ. Vốn là một người ưa sạch sẽ ngăn nắp và chỉ muốn sống một cuộc sống bình thường nhất có thể, nhưng kể từ khi Britt-Marie đặt chân đến Borg, bà đã phá bỏ hầu hết hết các nguyên tắc của mình.
Ẩn bên trong sự kỳ quặc mọi người chỉ thấy được bằng mắt thường là một tâm hồn giàu trí tưởng tượng, những đam mê bay bổng và một trái tim nhân hậu chỉ có thể cảm nhận được bằng trái tim.
Nếu nhìn vào Britt-Marie và ông Ove, mở đầu mọi câu chuyện của họ đều khá buồn cười và hài hước, bởi họ đều là những người khác biệt – những người như họ rất hiếm trong xã hội này, nếu như họ có thực sự tồn tại.
Vậy nên khi cư xử không giống như người bình thường, họ thực ra đang chứng minh bản thân mình khác biệt, ta chỉ nhận ra điều đó rõ hơn qua Elsa và những câu chuyện thần tiên của bà ngoại đã giải thích về thế giới người lớn như cách chúng ta sống bây giờ: lo lắng, sợ hãi, cô đơn, buồn bã và đau đớn.
Đây chính là sự kỳ diệu trong những cuốn sách của Fredrik Backman: khả năng mang lại nước mắt cho độc giả cả trong niềm vui và nỗi buồn, đôi khi chỉ cần đến một chương truyện.
Nói như vậy không có nghĩa là ta so sánh cuộc sống của Backman theo bất kỳ cách nào với cuộc sống của các nhân vật trong sách hoặc câu chuyện của họ.
Ông đơn giản chỉ nói ngôn ngữ của nhân vật qua chuyện họ đang trải qua, và để giúp họ phát triển vượt ra ngoài bản thân mình theo cách mà chỉ những người kể chuyện thành thạo mới thực sự làm được.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing