Chuyện chưa kể về “thần đồng” người Việt trẻ tuổi nhất đại học danh tiếng của Úc

0

Sẵn sàng du học – Lưu Hồng Quang (sinh năm 1990) từng được nhiều người kỳ vọng là một tên tuổi lớn, sẽ nối gót danh cầm Đặng Thái Sơn khi sớm bộc lộ những năng khiếu âm nhạc đặc biệt. “Thần đồng piano” ngày nào giờ đã là một giảng viên người Việt trẻ tuổi nhất tại một Học viện âm nhạc danh tiếng của Úc.

 Bảng thành tích đáng ngưỡng mộ

Gặp nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang tại Hà Nội trong những ngày anh về nước để thực hiện các buổi hoà nhạc đặc biệt và dự đám cưới của em trai là nghệ sĩ – giảng viên Lưu Đức Anh. Mặc dù là một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, khá bận bịu với việc riêng – việc chung nhưng nam nghệ sĩ vẫn đầy hứng thú dành một buổi để chia sẻ những câu chuyện về âm nhạc và cuộc sống.

Bắt đầu theo học lớp piano của GS.TS.NGND Trần Thu Hà từ năm 6 tuổi, cho đến nay, Lưu Hồng Quang đã gắn bó với piano được 24 năm tròn. Trong 24 năm đó, nam nghệ sĩ này đã gặt hái vô vàn các giải thưởng danh giá tại các cuộc thi âm nhạc lớn. Từ giải Đặc biệt cuộc thi Piano Chopin Quốc tế châu Á lần thứ 7 tại Nhật Bản năm 2006 đến giải Nhì Concorso International Piano “Citta Di Oleggio” tại Ý năm 2018, Lưu Hồng Quang gặt hái được tất cả là 14 giải thưởng âm nhạc quốc tế.

Năm 16 tuổi, tức vào năm 2006, anh đã đạt danh hiệu “Mười gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc” và đến năm 2011 lại nhận được Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Nhìn vào danh sách giải thưởng và thành tích mà Lưu Hồng Quang đạt được, không ít người phải “cúi đầu” ngưỡng mộ nhưng “chính chủ” lại vô cùng khiêm tốn. Anh cho rằng, những gì mình đã làm, đang làm và sẽ làm chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ đạt được một cái gì đó. Tất cả đều được xây dựng với tinh thần là vì đam mê.

Tuy nhiên, Lưu Hồng Quang cũng thừa nhận, những điều bản thân đã đạt được cũng giúp cho con đường đi của anh trong âm nhạc thuận lợi hơn và có niềm tin để bước dài hơi.

“Mỗi lúc đạt được một thành tích tôi lại thấy mình được khích lệ mình hơn. Và nhờ đó mà tôi cố gắng vượt qua những rào cản của bản thân để tiến về phía trước”, Lưu Hồng Quang nói.

Ở thời điểm hiện tại, Lưu Hồng Quang đang giảng dạy tại Học viện âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật Úc. Anh là giảng viên trẻ nhất và cũng là giảng viên người Việt duy nhất tại ngôi trường danh tiếng này. Ngoài giảng dạy âm nhạc tại trường, nghệ sĩ họ Lưu còn có một studio nho nhỏ ở trung tâm thành phố Sydney dùng làm nơi tập đàn và dạy nhạc.

ssdh-luu-hong-quang

 

Chia sẻ về cơ duyên trở thành giảng viên ở đây, Lưu Hồng Quang cho biết: “Ngày xưa, khi đạt học bổng tại đây tôi không nghĩ sẽ ở lại Úc. Nhưng khi tốt nghiệp Cao học xong, quay trở lại Úc, tôi nhận được lời mời của trường. Trường cũng chính là nơi tôi học hệ Cao học ra và tôi cảm thấy mình nên làm một điều gì đó cho trường nên đồng ý ở lại.

Hiện nay, ngoài việc giảng dạy ở trường, tôi còn phối hợp với một hãng đàn danh tiếng ở Úc để biểu diễn và dạy cho con em ở đó. Những khi không giảng dạy, tôi lại phối hợp biểu diễn ở nước ngoài. Lúc làm dự án ở Malaysia, lúc sang Pháp, Nhật… biểu diễn, lúc lại về Việt Nam”.

Lưu Hồng Quang chia sẻ thêm rằng, dù là giảng viên người Việt duy nhất và trẻ nhất tại trường nhưng anh không gặp nhiều khó khăn và anh vẫn có những mối quan hệ tốt đẹp với các Giáo sư – Tiến sỹ âm nhạc của trường.

Họ chính là những người có những đôi tai khách quan và những nhận định hữu ích giúp cho anh có được những quyết định tốt trong giảng dạy và biểu diễn. Ngoài ra, dù không ở gần gia đình nhưng anh cũng có một người bạn thân rất “tâm đầu ý hợp” luôn chia sẻ cùng anh những vấn đề về âm nhạc và cuộc sống.

Chưa bao giờ ảo tưởng bởi hai chữ “thần đồng”

Trong câu chuyện dài về âm nhạc, Lưu Hồng Quang vẫn không quên nhắc lại việc bố anh là PGS.TS Lưu Quang Minh (một trong những nhà giáo có uy tín về lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy đàn Accordion và nhạc Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã người đặt nền tảng cho anh khi đến với piano và mẹ anh là người đã hết mình ủng hộ con đường mà anh đã chọn. Và đặc biệt, khi sang Úc học Cao học, anh lại gặp đúng môi trường mà mình mong ước đó là một không gian rất mở, kích thích cho anh thêm yêu piano hơn.

Nhìn lại những dấu mốc đáng nhớ trong chặng đường âm nhạc đã đi qua, nam nghệ sĩ vẫn nhớ mãi kỷ niệm vào năm 2013, khi anh được lời mời biểu diễn song tấu cùng NSND Đặng Thái Sơn trong chương trình “Đặng Thái Sơn trong âm thanh mới thế kỷ XX”. Thực tế là năm 2011, khi nhận được học bổng toàn phần từ chương trình Kirishima International music festival Nhật Bản, anh đã có cơ hội làm việc với NSND Đặng Thái Sơn. Nhưng biểu diễn song tấu cùng “thần tượng” của mình từ bé thì đó là lần đầu tiên.

Lưu Hồng Quang vẫn nhớ mãi cảm giác đặc biệt đó: “Cảm xúc lúc đó lẫn lộn nhiều thứ, vừa vui, vừa tự hào, vừa căng thẳng. Tất nhiên phần thích nhiều hơn phần không thích. Chương trình hôm đó, phần thứ nhất là chơi các bản nhạc đầu thế kỷ XX, phần thứ hai là chơi các tác phẩm đương đại của các tác giả Việt Nam và phần thứ 3 là chơi cùng một tác giả trẻ của Việt Nam. Tức là nhìn về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Khi mình hiểu được ý đồ đó, tôi thấy có một trọng trách cao cả là không chỉ học cho mình nữa mà làm thế nào tiếp nối được con đường của chú Đặng Thái Sơn. Phải làm thế nào để đưa tên tuổi, trình độ và tay đàn của người Việt vang ra trên thế giới. Đó là tiền đề để tôi có được một động lực rất lớn”.

Lưu Hồng Quang kể rằng, dù giảng dạy ở nước ngoài nhưng anh vẫn luôn đau đáu với việc bồi dưỡng nhân tài ở Việt Nam. Bởi lẽ đó, mỗi một kỳ, anh lại nhận ít nhất một học sinh Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, anh đang dạy cho 1 học sinh Việt Nam ở Úc, 1 học sinh Việt Nam vừa qua Úc và 1 học sinh ở tại Việt Nam.

ssdh-luu-hong-quang1

 

“Nếu tôi không thể về nước dạy thường xuyên thì tôi muốn cho các học sinh Việt Nam những nền tảng tương đối chuyên nghiệp và có không gian để học tập bài bản bên đó”, Lưu Hồng Quang nhấn mạnh.

Hỏi Lưu Hồng Quang có cảm thấy tuổi trẻ trôi đi quá nhanh khi chỉ biết “vùi mình trong âm nhạc”, anh bảo rằng, cuộc đời có được và mất. Nhiều khi thấy mình được nhiều thứ nên có mất đi một điều gì đó cũng là điều đương nhiên.

“Có những cái khi mình chưa đủ thì trí tưởng tượng hướng về mới còn thi vị, chứ cuộc sống có đầy đủ hết mọi thứ sẽ không còn khát khao gì nữa”.

Theo nghệ sĩ họ Lưu, anh chưa bao giờ bị áp lực bởi hai chữ “thần đồng”. Với anh “thần đồng” không có nghĩa là có sự trưởng thành về cảm xúc và chiều sâu. Không thể nói những đứa trẻ chơi đàn với tốc độ ánh sáng và những bài khó là “thần đồng”. Và anh đã chứng kiến vô vàn vì sao sáng chói vụt tắt sau một thời gian ngắn nên anh luôn tính chuyện đường dài.

Anh thấy mình may mắn khi không bị ảo tưởng bởi “hào quang” của bản thân. Thêm vào đó, khi tham gia các chương trình cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp, anh hiểu để gầy dựng một sự nghiệp khó như thế nào nên luôn giữ mình ở trạng thái cân bằng, kiên trì và bền bỉ.

Cá Domino (SSDH) – Theo dantri

Share.

Leave A Reply