Chuyện đi du học khi đã có gia đình

0

SSDH – Đối với các bậc học sau đại học (thạc sỹ và tiến sỹ), nhiều người khi đi học đã lập gia đình, thậm chí đã có con. Với họ, khi đã xin được học bổng rồi, việc quyết định đi hay không và đi như thế nào cũng không hề dễ dàng.

 

Nếu được vợ hoặc chồng, và gia đình động viên thông cảm thì việc đi học sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng được sự ủng hộ và đồng thuận của vợ hoặc chồng và gia đình khi quyết định đi du học.

 

Trường hợp Mai Trang ở TP.HCM là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Kế toán với tấm bằng giỏi, ngoại ngữ tốt và năng động, Trang dễ dàng có một việc làm tốt với mức lương cao ở một ngân hàng. Công việc ổn định, lại có sự khích lệ của gia đình, Trang đã kết hôn với anh người yêu hơn 2 tuổi sau một năm đi làm. 

 

chuyen-di-du-hoc-khi-da-co-gia-dinh

Khi đã có gia đình, chuyện đi du học sẽ không hề đơn giản (ảnh minh họa từ Internet)

 

Với giấc mơ du học vẫn không ngừng cháy bỏng từ thời còn là sinh viên, nên khi đi làm cô vẫn tìm hiểu thông tin học bổng và ứng cử. Khi được học bổng, cô tâm sự và hỏi ý kiến chồng là mình muốn đi học thạc sỹ ở nước ngoài để mở mang kiến thức và có một vị trí tốt hơn trong tương lai.

 

Tuy nhiên, khi biết vợ có ý đi du học, chồng Trang tỏ vẻ không hài lòng, cho rằng phụ nữ học vậy thội là đủ, công việc ổn định, thu nhập tốt,… không cần phải học cao hơn. Hơn nữa, bố mẹ chồng cũng muốn có cháu bế để “vui cửa vui nhà”. Với sự phản ứng quyết liệt của chồng và gia đình chồng, Trang đành phải gác lại giấc mơ du học còn dang dở mặc dù cô đã xin được học bổng.

 

Nam, quê ở Hưng Yên, đang công tác ở một công ty viễn thông trên Hà Nội. Trước và sau khi cưới vợ, Nam vẫn ấp ủ giấc mơ học cao hơn ở nước ngoài về công nghệ thông tin. Sau khi lấy vợ được 2 năm, anh xin được một suất học bổng bên Đức và muốn bỏ công việc hiện tại để đi học.

 

Dù vợ Nam không quá ngăn cản, nhưng bố mẹ vợ và bố mẹ anh lại phản đối, vì cho rằng vợ anh cũng đã gần 30 tuổi mà hai vợ chồng chưa có em bé. Hai họ muốn vợ chồng anh có em bé đã “rồi đi đâu thì đi”, vì anh là con trai duy nhất trong gia đình. Trước quyết tâm can ngăn của bố mẹ hai bên, Nam cũng phải tạm dừng kế hoạch học tập ở nước ngoài của mình.

 

Không giống như hai trường hợp ở trên, Tuấn, quê ở Thanh Hóa, lúc cưới vợ cũng là lúc anh biết mình nhận được học bổng tích hợp cả thạc sỹ và tiến sỹ bên Hàn Quốc. Mặc dù thương con gái, nhưng vì tương lai, gia đình vợ Tuấn cũng động viên anh đi học. Cưới vợ được một tháng thì Tuấn phải sang nước bạn cho kịp năm học.

 

Vợ chồng trẻ đang mặn nồng nhưng Tuấn phải đi học vì không muốn bỏ mất cơ hội nên hai vợ chồng rất khổ tâm và lưu luyến khi chia tay. Hàng ngày sau khi nghiên cứu trên phòng thí nghiệm đến nửa đêm, Tuấn lại thức đến 1-2h sáng để nói chuyện với cô vợ trẻ ở nhà qua skype. Sau đó, Tuấn quyết định chuyển khóa học của mình xuống Thạc sỹ để sớm được về nước đoàn tụ với vợ. Anh chia sẻ, anh muốn về nước lo chuyện gia đình ổn thỏa rồi sẽ quyết định có đi học tiếp tiến sỹ nữa hay không.

 

Trên đây là chuyện đi học nước ngoài của những người lập gia đình nhưng chưa có con cái. Với những người đã có con, thì chuyện đi học nước ngoài lại phức tạp hơn nhiều.

 

Chị Diệu Hương nhận được học bổng Tiến sỹ Sinh Y ở Nhật là lúc cô con giái đầu lòng được 2 tuổi. Được sự ủng hộ của chồng, chị quyết định “đông du” một chuyến, và trong thâm tâm sẽ tìm cách đưa hai bố con sang Nhật để cả nhà đoàn tụ.

 

Sau  khi sang Nhật học được hai năm, nhờ các mối quan hệ, giáo sư… chị cũng đưa được chồng và con sang, rồi tìm cho anh một công việc chân tay bên đó. Mặc dù chồng Hương đã tốt nghiệp đại học và đang làm kinh doanh cho một công ty Hà Nội, nhưng thương vợ muốn gia đình được đoàn tụ anh vẫn chấp nhận sang Nhật làm công nhân.

 

Cô con gái khi đó 4 tuổi thì được gửi vào trường mẫu giáo học cùng các bạn người Nhật. Nhưng do bé không biết tiếng Nhật, thay đổi môi trường sống, xung quanh toàn người xa lạ, sau một thời gian sang Nhật, bé không thể theo được các bạn trên lớp, thậm chí ít nói dần và về nhà cũng không muốn nói tiếng Việt với bố mẹ. Thấy con có dấu hiệu tự kỷ, hai vợ chồng chị hoảng hồn vội đưa con về Việt Nam nhờ ông bà ngoại nuôi.

 

Cũng như chị Hương, anh Hoàn khi đi học tiến sỹ cũng đã có vợ và một con ở nhà. Vợ chồng trẻ lại có con nhỏ, kinh tế cũng chưa khá giả, nên anh phải tiết kiệm triệt để mới dành dụm được ít tiền từ học bổng gửi về cho vợ nuôi con. Học được một năm, khi con trai được gần 2 tuổi, anh bàn với vợ tìm học bổng thạc sỹ để đưa vợ và con sang.

 

Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng chị cũng xin được học bổng thạc sỹ chuyên ngành khoa học vật liệu đúng trường anh học. Gia đình 3 người của anh nhờ vậy được đoàn tụ. Nhưng do con còn quá nhỏ, nên hai vợ chồng phải vừa học, vùa nghiên cứu và cắt cử nhau trông con. Do trẻ con sức đề kháng yếu, khi chuyển sang môi trường sống mới rất hay ốm, nên sau khi đưa con sang hai tháng, vợ chồng anh Hoàn cuối cùng phải đưa con về nhờ ông bà nội – ngoại chăm sóc.

 

Chu Đình Tới

(NCS ở châu Âu)

Share.

Leave A Reply