Nghệ sĩ dương cầm và Nhà giáo dục Âm nhạc Trang Trịnh chia sẻ một số trải nghiệm về thời gian du học ngành Piano tại Học viện Âm nhạc hoàng gia Anh.
Mời chị giới thiệu về bản thân và ngành học đã theo đuổi tại Royal Academy of Music tại Anh.
Tôi theo học Cử Nhân âm nhạc (BMus), chuyên ngành piano tại Royal Academy of Music, London từ năm 2004. Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục theo học Thạc sĩ tại đây và hoàn thành vào tháng 10, 2010. Hiện tại, tôi đang hoạt động biểu diễn và giảng dạy.
Lí do nào đã khiến chị quyết định học chuyên ngành Piano và tại sao chị lại chọn nước Anh làm điểm đến du học?
Tôi bắt đầu học nhạc từ khi còn nhỏ. Đến khi tốt nghiệp cấp 2, tôi bắt đầu phải lựa chọn vì việc học piano cổ điển đòi hỏi sự tập trung đầu tư thời gian rất lớn. Tôi đã chọn âm nhạc và biết rằng không ở đâu có điều kiện học âm nhạc cổ điển tốt hơn ở châu Âu. Royal Academy of Music tại London từ lâu đã là điểm đến mơ ước của tôi. Tôi quyết định sang Anh du học và nuôi ước mơ được vào học tại ngôi trường này.
Trước khi sang Anh, chị đã tốt nghiệp ngành học gì ở Việt Nam? Đâu là mối liên quan giữa ngành học của chị trước và sau quyết định du học?
Khi sang Anh, tôi mới là học sinh cấp 3, vì thế tôi đã theo học A level tại trường cấp 3 Warminster, nơi đã cho tôi học bổng. Tôi chọn trường này cũng bởi họ cho phép chọn Âm Nhạc là một trong 3 môn học bắt buộc và ủng hộ tôi theo đuổi ước mơ của mình. Dĩ nhiên, tôi vẫn phải hoàn thành các môn học khác, nhưng tôi luôn chú trọng vào Âm Nhạc và trường Warminster cũng đã tạo điều kiện rất tốt để tôi có cơ hội biểu diễn thường xuyên. Khi được vào học tại Royal Academy of Music, London, tôi được hoàn toàn dành thời gian và cuộc đời mình cho âm nhạc.
Chị đã được học những môn gì? Có môn học nào truyền cho chị nhiều cảm hứng học tập nhất trong quá trình theo học tại trường không?
Tại Royal Academy of Music, tôi theo học chuyên ngành piano cổ điển. Trong 4 năm học đại học, có rất nhiều môn học phụ, ngoài giờ chuyên môn hàng tuần với giáo sư riêng của tôi. Tất cả các môn học phụ này đều giúp tôi rất nhiều trong việc phát triển tư duy nghệ thuật độc lập. Có thể kể ra đây như: chỉ huy, phân tích, sáng tác, lịch sử âm nhạc, triết học nghệ thuật, hoà tấu… Nhưng có lẽ môn học phụ truyền cảm hứng lớn nhất và ảnh hưởng tới sự phát triển nghệ thuật của tôi là môn Âm Nhạc và Cộng Đồng. Trong môn học này, tôi và nhiều sinh viên khác được mang âm nhạc của mình một cách sáng tạo tới những không gian mới, tiếp cận với khán giả một cách chủ động, và biến hoá trong cách thể hiện nghệ thuật.
Môi trường giáo dục và phương pháp học tập tại trường có giống như chị đã hình dung lúc còn ở nhà không? Nếu không, chị bất ngờ nhất vì điều gì?
Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho sự khác biệt về phương pháp học tại Anh, tuy vậy, vẫn mất một khoảng thời gian dài tôi mới có thể thích nghi được. Một mặt, đó là một môi trường khắc nghiệt. Sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm cho những sự lựa chọn của tôi, từ cách sắp xếp thời gian, chọn môn, chọn đích đến và con đường nghệ thuật cho bản thân. Nếu ai đó trong số các sinh viên lựa chọn cách im lặng, họ có thể hoàn toàn biến mất khỏi môi trường này mà chả ai để ý, và họ sẽ bị đào thải khi phải tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình.
Mặt khác, môi trường này tạo cơ hội cho những ai muốn và biết nắm bắt chúng. Tôi học được cách tồn tại như một người nghệ sĩ tại ngôi trường này, và tôi rất cảm kích về điều đó. Có lẽ không có một giây phút nào tại đây tôi thấy mình giống như một sinh viên. Vì cũng chẳng ai coi chúng tôi là sinh viên cả. Chúng tôi là những nghệ sĩ trẻ, và phải chịu đựng sự khắc nghiệt y như (dù ít hơn nhiều) thế giới thực sự bên ngoài. Sự chủ động này đã giúp tôi không gặp phải cú sốc quá lớn khi phải khẳng định mình sau khi tốt nghiệp.
Trang Trịnh và Hồng Nhung
Trường tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế như thế nào (hỗ trợ tài chính, hướng dẫn thủ tục, giáo viên hướng dẫn…)?
Chính xác là tại Royal Academy of Music, tôi không có cảm giác mình là sinh viên quốc tế. Điều này một phần là vì có quá đông học sinh quốc tế ở đây, nếu bạn là người Anh, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lẻ loi hơn trong môi trường này cũng nên :). Một phần cũng là vì sự hỗ trợ đã phát triển với kinh nghiệm nhiều năm của trường. Tất cả các câu hỏi từ nhà ở, y tế, thủ tục visa, hỗ trợ tài chính, các cơ hội… đều rất rõ ràng và công bằng.
Các chương trình trao đổi của trường chị với những trường Đại học quốc tế khác có mạnh không? Bản thân chị có tham gia trao đổi, dự thi quốc tế với các trường bạn chưa?
Vì là trường nghệ thuật, chúng tôi thường xuyên có cơ hội tham gia biểu diễn và du học, dự thi, dự thính tại nhiều trường học khác nhau. Đơn cử như các chương trình hợp tác nghệ thuật giữa Julliard School (USA) và Royal Academy of Music. Năm 2009, tôi đã đảm nhận phần nội dung chương trình (programme note) cho buổi công diễn Symphony số 9 của Beethoven, dàn nhạc là sinh viên 2 trường và chỉ huy là Sir Colin Davis tại Barbican Hall, London. Đó là một trong nhiều kinh nghiệm trao đổi nghệ thuật.
Trường Royal Academy of Music có những ngành học nổi bật nào mà chị có ý định chia sẻ với các học sinh Việt?
Tôi luôn tự hào về chất lượng giảng dạy và học tập tại Royal Academy of Music. Nếu các bạn có ước mơ về âm nhạc cổ điển, tôi nghĩ ngôi trường này sẽ có đầy đủ những gì bạn cần để phát triển bản thân.
Hội sinh viên Việt Nam tại trường nói riêng và tại thành phố du học của chị có hoạt động mạnh mẽ không?
Hội sinh viên VN tại UK hoạt động rất mạnh mẽ, tôi cũng đã từng tham gia biểu diễn trong các chương trình văn nghệ và đó là những kỷ niệm rất vui.
Chị có thể kể về một ngày đi học điển hình của sinh viên Piano tại trường không?
Một ngày điển hình là tập đàn, ăn sáng, học các môn phụ, tập đàn, ăn trưa, tiếp tục học, tập đàn, tập hoà tấu, ăn tối, và lại tập đàn… Thường thì các sinh viên sẽ dành từ 5 – 8 tiếng mỗi ngày cho việc luyện tập, có thể nhiều hơn trong các kỳ thi, thời gian còn lại cho việc học các môn phụ, và tập hoà tấu với các nhạc cụ khác. “Dân Piano” là một trong những nhóm sinh viên bận rộn nhất trường.
Chị đã lên kế hoạch cho bản thân sau khi ra trường chưa? Nếu có ý định làm việc tại Anh, chị có nghĩ mình có cơ hội tìm được việc làm ở đây không?
Tôi đã tốt nghiệp và hiện tại đang xây dựng sự nghiệp nghệ thuật của mình. Dĩ nhiên là không bao giờ có điểm dừng trong nghệ thuật và tôi hy vọng sẽ luôn tiếp tục phát triển. Tôi đã làm việc một năm tại Anh trong dàn nhạc cũng như lưu diễn độc tấu tại các nước châu Âu. Hiện tại, tôi hoạt động chủ yếu tại châu Á, nhất là tại Hà Nội và Seoul.
Cám ơn sự hợp tác của chị và chúc chị mọi điều tốt lành.