SSDH – Phi công là nghề không phải ai cũng làm được, ngay cả đối với nam giới, bởi các yêu cầu rất khắt khe. Do vậy khi biết Nguyễn Thị Thanh Thủy đang lái chiếc ATR 72 với cương vị cơ phó, nhiều người đã phải ngả mũ thán phục.
Phi công Nguyễn Thị Thanh Thủy trong khoang lái máy bay ATR 72 (ảnh do nhân vật cung cấp).
Cơ duyên với “chim sắt”
Khi chúng tôi đến căn hộ chung cư xinh xắn của Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1982) trên đường Đặng Văn Ngữ (Q. Phú Nhuận, TPHCM), cô niềm nở ra tiếp chúng tôi rồi vội nói, cô có con nhỏ nên nếu buổi trò chuyện gián đoạn thì mong hết sức thông cảm. Quả là một phụ nữ khéo léo đặc trưng đất Hà thành.
“Em ngưng bay 4 tháng để sinh con, đến đầu tháng 3/2013 là em bay lại rồi”, Thủy nói. “Thế nghỉ bay có thấy nhớ lắm không?”- tôi hỏi đùa một câu. “Cận sinh em mới nghỉ. Ở Vietnam Airlines có thông lệ ưu tiên nhân viên nữ mang thai, không cho lái, mà chỉ bố trí công việc văn phòng, có việc để làm, lại tới lui thấy máy bay cũng đỡ nhớ nghề”, Thanh Thủy cười nói.
Như nhiều phụ nữ khác, năm 2004, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), Thanh Thủy cũng đi tìm việc làm và sẵn lòng chờ đón một tình yêu để thiết lập cuộc sống riêng. Thủy không ngờ vài năm sau đó mình hiện diện trong số hơn 108 phi công Việt Nam xuất thân từ Trung tâm huấn luyện bay của Vietnam Airlines (VNA), trong số này, chỉ có 2 người là nữ. Hiện Thanh Thủy đang lái máy bay ATR 72 của VNA đi các tuyến nội địa ngắn, chồng cô cũng là phi công, tốt nghiệp cùng khóa.
“Thời gian đầu em cũng thử sức ở một vài công ty để xem khả năng mình đến đâu và cũng để tích lũy kinh nghiệm. Thế rồi tình cờ đọc báo thấy VNA tuyển phi công nữ, tiêu chuẩn là cao từ 1m60 trở lên, cân nặng 48kg, có sức khỏe tốt. Vậy là cơ duyên với nghề phi công đến một cách tự nhiên, như ta đang hít thở không khí vậy anh ạ”, Thanh Thủy kể lại.
Thủy bảo, tự xét thấy từ trước đến giờ mình cũng ít ốm đau bệnh tật nên cứ mang hồ sơ đi nộp. Thủy bảo vẫn nhớ rõ cái cảm giác háo hức, thích thú khi tưởng tượng mình trong bộ đồng phục phi hành đoàn, được đi đây đi đó, được tiếp xúc với nhiều người ở các nền văn hóa khác nhau…
Vậy là cô gái Hà thành vượt qua năm vòng thi, gồm sơ tuyển lý lịch, khám sức khỏe tổng quát, phỏng vấn rồi khám sức khỏe chi tiết và thi Toán- Lý. Thanh Thủy cho biết, cô học khối A nên thi hai môn Toán – Lý cũng không có gì trở ngại. Qua “ải” đầu tiên, Thanh Thủy được VNA chính thức nhận và đưa vào Sài Gòn dự khóa học bay.
Vậy là giấc mơ “dạo chơi trên bầu trời” bắt đầu. Từ ngày 28/5/2005 đến cuối năm 2006, Thanh Thủy được học tại Trung tâm huấn luyện bay thuộc VNA cùng 7 bạn nữ khác, trong tổng số hơn 100 học viên cùng khóa. Ở đây Thủy được học các môn khái quát về chuyên ngành hàng không, rèn luyện thể lực và tiếng Anh. Sau đó các chuyên gia của Học viện hàng không Pháp qua kiểm tra, Thủy đã trúng tuyển. Thủy nói không nhớ rõ mình đứng vị trí thứ bao nhiêu trong kỳ thi tuyển ấy, chỉ nhớ mình là một trong hai người nữ được chọn qua Pháp đào tạo. Thủy đã rất vui, gọi điện về nhà thông báo mà mừng quá, không nói nên lời.
Đã có lúc định bỏ cuộc
Thế nhưng mọi khó khăn, nhọc nhằn còn ở phía trước, cùng với bạn học Nguyễn Ly Hương (Lào Cai), Nguyễn Thị Thanh Thủy “khăn gói” sang Pháp học lái máy bay hai năm. “Thời gian hai năm học ở Pháp, có lúc em cảm thấy không thể vượt qua được, bởi áp lực lớn lắm, nhưng cứ nhớ những lời động viên từ gia đình, bè bạn mà tự nhủ với lòng “vượt qua, vượt qua”, rồi mọi thứ cũng qua anh ạ”, Thanh Thủy nói.
Để có thể “dạo chơi trên mây”, Thủy và các bạn cùng khóa không chỉ vượt qua những áp lực học tập, rèn luyện mà còn vượt qua cả những vấn đề tâm lý của con gái tuổi đôi mươi xa nhà. “Quả thực, ở đời phải gian nan rèn luyện mới thành công được, sau khi hoàn thành khóa học, em về nước và chính thức làm cho VNA từ ngày 20/10/2008, đúng ngày Phụ nữ Việt Nam luôn nhé”, một trong hai nữ phi công đầu tiên của Việt Nam khoe.
Tuy nhiên, đến nay Nguyễn Thị Thanh Thủy mới chỉ là cơ phó. Để có thể trở thành cơ trưởng, trước hết phải qua cơ phó và phải tích lũy đủ 3.000 giờ bay. Thủy nói hiện cô đã bay được gần 2.400 giờ. Rất có thể trong năm nay, hành khách bay các tuyến nội địa của VNA sẽ nghe lời chào từ Nguyễn Thị Thanh Thủy với cương vị cơ trưởng.
Nguyễn Thị Thanh Thủy dịu dàng trong chiếc áo dài.
Thanh Thủy bảo, mỗi một lần đạt được dấu mốc trong nghề là một kỷ niệm, nhưng kỷ niệm ghi sâu trong lòng cô nhất là lúc được bay một mình hồi bên Pháp. “Có lẽ chuyến bay đáng nhớ nhất trong cuộc đời người phi công là chuyến bay solo đầu tiên anh ạ. Em vẫn nhớ như in cái ngày hôm ấy, trời trong xanh, gió nhẹ, sau khi bay vài vòng với giáo viên người Pháp, đột nhiên thầy quay sang hỏi “em lái một mình được chứ?”. Ngay lập tức em trả lời “vâng, em lái được”. Sau đó thầy ký vào nhật ký bay để em thực hiện. Chuyến bay solo có nghĩa là chỉ một mình ta thực hiện các thao tác để điều khiển máy bay, không có bất kỳ giúp đỡ nào. Ta sẽ phải thực hiện, kiểm tra trình tự các quy trình, vừa bay vừa giữ liên lạc với đài kiểm soát không lưu… Được bay solo là bước ngoặt lớn của đời phi công, chứng tỏ phi công ấy đã nắm được các quy trình bay, có khả năng điều khiển và ra quyết định”, Thanh Thủy tự hào kể lại.
Theo Thanh Thủy, những cô gái muốn làm nghề này phải đối diện và vượt qua nhiều khó khăn không dính dáng gì đến kỹ thuật. “Cái khó đối với phi công nữ là làm sao chứng tỏ được rằng, việc nam giới làm được thì phụ nữ cũng làm được, thậm chí còn làm tốt hơn. Thiên chức của người phụ nữ là làm vợ và làm mẹ, đây là khó khăn tiếp theo của một nữ phi công. Những nữ phi công đều phải thu xếp thời gian một cách hợp lý để vừa hoàn thành tốt công việc cơ quan giao phó, vừa thực hiện tốt nghĩa vụ đối với gia đình”, Thanh Thủy chia sẻ.
Bí quyết giữ lửa gia đình
Cũng như cô bạn Ly Hương, người đàn ông “trăm năm” của Thanh Thủy là một phi công, cùng đoàn bay 919 VNA. Khi hỏi về chuyện này, Thủy bẽn lẽn: “Em và ông xã quen nhau khi học chung khóa ở Trung tâm huấn luyện bay VNA, sau này em đi Pháp học còn ông xã em thì học ở Australia. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ nhau về mặt kiến thức thì còn hỗ trợ về mặt tinh thần. Khi xa gia đình, sống tự lập thì những lời động viên là rất quý giá, anh ạ”. “Thế gia đình chồng có thấy lạ khi con dâu lại là một phi công không?”– tôi hỏi. Thủy cười: “Bọn em quen nhau một thời gian khá dài trước khi tổ chức đám cưới nên cả hai bên gia đình đều biết bọn em sẽ lái máy bay cả. Gia đình chồng cũng không tạo bất cứ áp lực nào, mẹ chồng em chỉ nói rằng hai con bảo ban lẫn nhau, miễn sao sống hạnh phúc là được”.
Đang nói chuyện, chợt nghe có tiếng khóc o e, Thanh Thủy “bay” vội vào phòng trong chăm con. Lát sau cô quay trở ra, gương mặt ánh lên hạnh phúc. Cô nói: “Thời gian đầu phải nghỉ ở nhà em cũng thấy nhớ nghề, nhưng được thực hiện thiên chức làm mẹ, được nghe con khóc, con cười, được thấy con lớn lên mỗi ngày, em hạnh phúc lắm. Việc “giữ lửa” trong gia đình rất quan trọng anh ạ, các cụ xưa có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, mình là phụ nữ nên dù có làm gì thì cũng nên quán xuyến những việc trong nhà như cơm nước, con cái, còn ông xã sẽ lo những việc to tát hơn. Tuy nhiên, do tính chất của công việc là luôn cần một cái đầu thật minh mẫn, tỉnh táo, một tư tưởng thật thoải mái, đặc biệt trước mỗi chuyến bay nên em và ông xã luôn hỗ trợ qua lại để cả hai đều cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng nhất…”, nữ phi công Thanh Thủy thổ lộ.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Kênh 14