SSDH- Có được tấm bằng đại học chắc chắn sẽ cải thiện triển vọng nghề nghiệp của bạn, nhưng đó không phải là lợi ích duy nhất bạn sẽ nhận được khi theo học đại học. Ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn nền tảng về công việc bạn mơ ước, trường đại học cũng sẽ dạy cho bạn những kỹ năng mềm cần thiết để phát triển bản thân trong môi trường làm việc.
Kỹ năng mềm là gì? Kỹ năng mềm là những phẩm chất linh hoạt có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực, giúp bạn thành công trong bất kỳ công việc nào bạn hướng tới, ví dụ như khả năng làm việc nhóm hay thích ứng nhanh với những thay đổi trong môi trường. Việc có thể chứng minh những đặc điểm này trong đơn xin việc sẽ cho thấy bạn đã học được nhiều điều từ trường đại học thay vì chỉ lấy được tấm bằng tốt nghiệp.
Dưới đây là 5 kỹ năng mềm bạn có thể rèn luyện ở trường đại học mà tất cả các nhà tuyển dụng đều quan tâm.
-
Kỹ năng giao tiếp
Khi còn là sinh viên, có lẽ bạn đã phải viết rất nhiều, đặc biệt nếu bạn là sinh viên nghệ thuật. Bạn cũng có thể đã tham gia vào câu lạc bộ báo chí sinh viên, viết bài báo bên cạnh các bài tiểu luận cần thiết cho chương trình học của mình. Ngay cả khi khóa học của bạn không yêu cầu phải viết nhiều, bạn hẳn vẫn phải trao đổi thư từ với các giảng viên qua email. Tất cả những điều này sẽ cải thiện đáng kể khả năng giao tiếp bằng văn bản của bạn, và bạn nên nêu rõ kỹ năng này trong CV gửi tới các nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, đại học không chỉ giúp bạn viết tốt hơn mà còn cải thiện khả năng tương tác trực tiếp của bạn với người khác. Bạn sẽ gặp rất nhiều người ở trường đại học, nhiều người có hoàn cảnh rất khác với bạn. Khả năng gặp gỡ người khác và giao tiếp xã hội sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi bạn bước chân vào môi trường làm việc.
[Tham khảo: Top các kỹ năng cần cho sự nghiệp tương lai năm 2030]
Khả năng nói chuyện với mọi người cũng sẽ được cải thiện nếu bạn phải thường xuyên thuyết trình trước lớp trong suốt chương trình học. Rất nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao những nhân viên có kỹ năng thuyết trình và nói trước đám đông, và do đó, việc có thể chứng minh khả năng thuyết trình ấn tượng của mình trước nhà tuyển dụng sẽ làm tăng cơ hội thành công của bạn lên rất nhiều.
-
Quản lý tài chính và ngân sách
Khi là sinh viên, bạn sẽ phải làm quen với việc quản lý tiền bạc của mình, thanh toán tiền thuê nhà và hóa đơn sinh hoạt, cũng như lập ngân sách cho việc ăn uống và đi chơi. Nếu bạn từng giữ một vị trí trong ủy ban xã hội, bạn có thể phải chịu trách nhiệm xử lý những khoản tiền thậm chí còn lớn hơn.
Tất cả những điều này tích lũy cho bạn kinh nghiệm quản lý tài chính tuyệt vời, cho thấy bạn là người có trách nhiệm và đáng tin cậy. Điều này rất hữu ích ngay cả khi công việc bạn đang ứng tuyển không yêu cầu bạn trực tiếp xử lý tiền bạc vì nó thể hiện những đặc điểm tính cách cần có và sẽ gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
[Tham khảo: Top những ngành hot cho tương lai và những ngành sẽ dần bị thay thế]
-
Quản lý thời gian
Nếu bạn tham gia nhiều vào các hoạt động ngoại khóa khi còn học đại học hoặc đi làm thêm, việc phân chia thời gian cho nhiều hoạt động khác nhau cho thấy bạn biết cách quản lý khối lượng công việc của mình. Nhà tuyển dụng sẽ luôn đánh giá cao những nhân viên có thể thực hiện tốt những gì họ đã cam kết trong quá trình làm việc.
Ngay cả khi bạn quá tập trung vào việc học tập hay làm thêm, khả năng đáp ứng deadline cũng là một minh chứng cho kỹ năng quản lý thời gian của bạn.
-
Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề
Trong quá trình học, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề mà ban đầu tưởng chừng như không thể thực hiện được. Cho dù đó là một câu hỏi tiểu luận hay một bài toán khó, bạn sẽ phải suy nghĩ sáng tạo, tiếp cận vấn đề từ những góc độ mới và có thể thực hiện thêm một số nghiên cứu.
Đây chính xác là điều mà nhà tuyển dụng mong muốn ở nhân viên của mình nếu một dự án không hoạt động suôn sẻ. Họ muốn bạn có thể chủ động, vì vậy hãy nhớ đưa ra một vài ví dụ về thời điểm bạn vượt qua những vấn đề khó khăn nếu được gọi phỏng vấn.
[Tham khảo: Những Kỹ Năng Cứng Mà Người Tuyển Dụng Cần từ Sinh Viên Tốt Nghiệp]
-
Đón nhận lời phê bình mang tính xây dựng
Không có bài học ở trường đại học nào là hoàn hảo và bạn sẽ nhận được rất nhiều lời phê bình mang tính xây dựng từ các giảng viên và bạn bè trong suốt thời gian học tập. Nhà tuyển dụng đánh giá cao những nhân viên có khả năng tiếp nhận những lời phê bình mang tính đóng góp và tận dụng những lời này để cải thiện công việc của chính họ. Đây có vẻ là một kỹ năng mềm kỳ lạ vì nó không phải là kỹ năng bạn có thể dễ dàng thể hiện, nhưng sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể kể những câu chuyện trong các cuộc phỏng vấn xin việc về những trường hợp bạn có thể tận dụng những lời phê bình mang tính xây dựng để cải thiện công việc của mình.
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)