Ðể không bị sốc khi du học

0

Sẵn sàng du học –  Nhiều học sinh ấp ủ giấc mơ du học nhưng không chuẩn bị tốt các kỹ năng cần thiết nên dễ bị sốc văn hóa, thậm chí bỏ cuộc giữa chừng trở về nước rất đáng tiếc. Các du học sinh có từng giành học bổng danh giá chia sẻ kinh nghiệm về hành trình xin học bổng cũng như cách ứng phó với khó khăn nơi đất khách.

Du học sinh Chu Ân Lai (ngoài cùng bên trái)

Du học sinh Chu Ân Lai (ngoài cùng bên trái)

Năm 2017-2018, được trường ĐH Dart Mouth (Mỹ) cấp học bổng trị giá hơn 6 tỷ đồng, Vương Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm “săn” học bổng : Đầu tiên bạn phải xác định được mục tiêu mong muốn, sau đó tập trung học tập để có hồ sơ toàn diện, nhất là ngoại ngữ.

Khi đến THPT, mục tiêu quan trọng là đạt điểm cao trong kỳ thi SAT, một điều kiện không thể thiếu để xin cấp học bổng. Các trường ĐH lớn thường xét học bổng gắt gao và thu hẹp dần theo khu vực, vùng miền do đó, để đạt được mong muốn, học sinh phải nỗ lực rất nhiều trong học tập.

Linh chia sẻ, khi ngồi trên ghế nhà trường, mình đặt nặng vấn đề điểm số, nhiều phụ huynh chỉ biết thúc giục con học tập mà quên cho con tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, các trường ĐH ở nước ngoài, khi xét hồ sơ, ngoài điểm học tập, điểm thi SAT thì họ cũng rất chú trọng phần hoạt động xã hội. “Hoạt động xã hội có thể là các hoạt động từ thiện, giúp đỡ trẻ em, người già khó khăn; tham gia các câu lạc bộ…Về phần này, họ đánh giá sự tự tin, năng động cũng như hiểu các giá trị khác trong cuộc sống”, Linh nói.

Chu Ân Lai, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vừa ký thành công hợp đồng với Công ty Veolia water Technologies, một công ty cung cấp công nghệ xử lý nước và nước thải hàng đầu thế giới. Với hợp đồng này, anh có cơ hội làm việc trong mảng Big Data và Trí tuệ nhân tạo.

Năm 2015, Chu Ân Lai là một trong hai học sinh Việt Nam được Chính phủ Pháp trao học bổng toàn phần ASPR trị giá gần 4 tỷ đồng. Với học bổng này, anh được đào tạo tại trường ĐH danh giá hàng đầu về Công nghệ sinh học và Khoa học trái đất. Lai chia sẻ, các công ty start – up hay những công ty lớn của Pháp chỉ coi yếu tố ngoại ngữ quyết định được 30-40% mà thôi. Ngoài ra, họ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác. Ví dụ như, sự chủ động trong mọi tình huống, không trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác…

Lai cho rằng, khi còn là học sinh nên tham gia nhiều hoạt động của các câu lạc bộ của trường lớp, nếu có thể tự mình đứng ra tổ chức các chương trình, sự kiện để có kinh nghiệm vượt sức ép và tự tin. Ngoài ra, học sinh cũng nên rèn tính nhẫn nại cho bản thân, để khi đối mặt với các tình huống, môi trường gian khó không bỏ cuộc. Lai tâm sự, anh nói điều này vì trên thực tế, một số du học sinh cùng thời với anh đã nghỉ học quay về nước rất đáng tiếc chỉ vì không hòa nhập được cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người. Bản thân Lai cũng không ngoại lệ vì những ngày đầu đặt chân lên đất Pháp thật sự khó khăn.

Dù đã chuẩn bị rất kỹ về ngôn ngữ nhưng khi nhớ lại, tiết sinh học và triết học vẫn là nỗi ác mộng với anh ở thời điểm đó. Lai không thể hiểu hết bài giảng của giáo viên. Họ nói quá nhanh và kiến thức rất rộng. Học sinh chép được câu trước, quên mất câu sau. Do đó, phải tìm nhiều tài liệu trong thư viện để đọc, học lại và mở rộng kiến thức. Từ việc chỉ chép được 20% bài học trong giờ giảng, nhiều tháng sau Lai mới chép được bài và thi đỗ vào AgroParisTech, trường đào tạo kỹ sư về sinh học tốt nhất của Pháp và thứ 3 châu Âu.

Một kinh nghiệm quý báu mà Lai muốn chia sẻ, đó là nên học cách mở lòng mình với những người bạn bên cạnh. Vì thực tế, nhiều du học sinh khi đến đất nước khác đã bị sốc văn hóa vì những khác biệt quá lớn tới mức không thể hòa nhập. Trong số đó, đã có du học sinh bỏ dở chương trình để quay về hoặc sống thu mình, chỉ giao lưu với người Việt. Như vậy, các bạn đã đánh mất cơ hội để trau dồi ngôn ngữ, mở rộng kiến thức cũng như tìm kiếm các cơ hội việc làm rất đáng tiếc. Lai cho rằng, sau khi học xong chọn ở lại hay về nước đều đáng quý, quan trọng là trong thời gian du bạn đã học hỏi được những gì.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tiền Phong

Share.

Leave A Reply