Sẵn Sàng Du Học – Nhiều gia đình tuy không quá dư dả nhưng vẫn tiết kiệm để con được đi du học. Một số gia đình và các bạn sinh viên kỳ vọng ngoài việc học hành mình có thể làm thêm để kiếm đủ tiền trang trải ăn ở, thậm chí cả tiền học phí.
Các gia đình cũng kỳ vọng con mình sau khi học xong sẽ có thể ở lại làm việc và có cơ hội định cư thành công dân Úc. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ bàn đến một kỳ vọng, hay nói khác hơn, 1 suy nghĩ là sinh viên sang Úc du học có thể kiếm đủ tiền ăn ở và học phí, tự trang trải cho việc học hành của mình.
- Du học sinh Việt có khả năng đi làm thêm khi chính phủ Úc thắt chặt luật lao động
Theo luật pháp Úc, sinh viên nếu học course work (không phải học nghiên cứu) có thể đi làm 20h/tuần. Nhưng thực tế sinh viên học nghiên cứu cũng là một công việc toàn thời gian nên dù có không hạn chế thời gian đi làm thì cũng không có thời gian và sức lực để đi làm công việc toàn thời gian, nên đa số sinh viên học nghiên cứu cũng chỉ có thể đi làm ở mức 20h/tuần mới đảm bảo được việc học.
Nếu sinh viên sắp xếp được công việc làm thêm ở mức tối đa, đi làm đủ 20h/tuần với mức lương tối thiểu của Úc là $17.7/h (đa số các công việc tay chân sinh viên hay làm được trả quanh mức lương này, chưa kể các công việc cash in hand mức lương còn thấp hơn nhiều). Với mức lương này và làm 20h/tuần, lương các bạn nhận được sẽ khoảng $354/tuần. Như vậy, nếu đi làm full 20h/tuần với mức lương trên thì 1 tháng các bạn cũng chỉ kiếm được quanh mức $1500/tháng. Nếu như các bạn không tiêu lương này vào các khoản xa xỉ phẩm như quần áo hàng hiệu, quà tặng, điện thoại cảm ứng, laptop, ipad mới ra thì mức lương này vừa đủ trang trải chi phí ăn ở được tính ở trên, và không thể nào trang trải được học phí.
Ở trên là đi làm hợp pháp, có nhiều bạn sinh viên do không kiếm được việc nên bắt buộc phải đi làm cho các chủ trả lương bằng tiền mặt không khai thuế và thường là làm nhiều giờ hơn rất nhiều so với mức 20h/tuần. Tuy làm nhiều giờ hơn nhưng mức lương lại thấp hơn (có những bạn chỉ được trả mức $10/h, thậm chí $7/h) dẫn đến việc dành quá nhiều thời gian đi làm những công việc nặng nhọc nhưng lương cũng chỉ được trả tương đương với người đi làm 20 tiếng/tuần ở trên. Vụ việc 7Eleven lợi dụng sinh viên quốc tế trả lương thấp và cho làm vượt giờ lùm xùm trên báo chí Úc thời gian vừa qua và đang được Bộ Di trú điều tra chính là minh chứng cho tình trạng này tại Úc.
Như vậy, với mức ăn ở, học phí như trên và tình trạng thị trường lao động Úc cùng với các quy định về thời gian đi làm với các sinh viên quốc tế, một sinh viên tối đa có thể làm đủ để trang trải chi phí ăn ở và không thể nào đóng được tiền học phí. Thực ra học phí của du học sinh không hề rẻ, nhất là với bậc đại học. Mỗi năm học phí bằng khoảng 1 nửa lương của một người đi làm full time tại Úc. Du học sinh chính là những người nuôi hệ thống giáo dục của Úc do chính du học sinh mới là những người đóng góp những khoản học phí khổng lồ, cao hơn rất nhiều lần so với học phí của một sinh viên Úc bản địa học cùng lớp cùng ngành cùng thầy. Do đó, việc kỳ vọng du học sinh đi làm kiếm đủ tiền học phí là một điều không thực tế.
Đó còn chưa nhắc đến việc đi làm ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành, nhất là đối với những bạn học sinh bị sức ép về tiền bạc quá lớn, bất chấp bỏ học để đi làm, rồi làm chui quá 20h/tuần, dẫn đến việc các bạn phải bỏ học hoặc nếu không bỏ học thì thi trượt… Mình biết một bạn người Bangladesh, bố mẹ bạn ấy bán đất bán nhà để lo được cho bạn ấy xong thủ tục sang Úc du học cùng với tiền học và ăn ở của kỳ học đầu tiên, và kỳ vọng bạn ấy có thể tự đi làm trang trải chi phí cho các kỳ học sau. Tuy nhiên vì sức ép tiền bạc quá lớn, bạn ấy đi làm quá nhiều, dẫn đến thường xuyên mệt mỏi, không có thời gian học hành và liên tục thi trượt. Cứ mỗi lần thi trượt lại mất vài nghìn học phí học lại cho môn đó, phải nộp thêm học phí bạn ấy lại phải đi làm nhiều hơn và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại mãi.
Chính vì thế các bậc phụ huynh và bản thân các du học sinh cần phải có một bài tính thực tế hơn, đó là coi tiền đi học như một khoản đầu tư và kỳ vọng vào việc các bạn học xong ở lại Úc làm được ít nhất một vài năm để lấy kinh nghiệm và gỡ lại chi phí bỏ ra học hành đã đầu tư từ trước. Hoặc các bạn du học sinh có thể đưa vợ/chồng sang theo diện phụ thuộc để một người đi học một người đi làm. Nhưng trong trường hợp này, hầu hết các khoản kiếm được của người kia đều đổ vào tiền học phí cho người đi học, chưa kể nếu các bạn có con rồi và mang con theo thì gánh nặng học hành của con, nhất là chăm sóc con và gánh nặng thời gian chăm sóc con khiến thời gian dành cho đi làm và số tiền kiếm được càng eo hẹp hơn.
- Làm thêm có đủ chi trả phí ăn ở, học hành ở Úc không?
Các khoản chi phí chủ yếu của một sinh viên du học tại Úc gồm có:
- Chuyện thuê nhà: Thuê nhà là khoản chi phí lớn nhất của sinh viên. Chi phí thuê nhà tại Úc dạo động quanh mức $90-$350.000/tuần tùy theo hình thức ở. Rẻ nhất là 2 người chung nhau 1 phòng, chi phí khoảng 90$/tuần. Tuy nhiên hình thức ở này không phải tối ưu với việc học và công việc của sinh viên, nhất là nếu như 2 người có lịch học và công việc khác nhau. Các hình thức thuê nhà khác gồm chung nhau nhà mà mỗi người một phòng riêng (khoảng $100-$200/tuần), hay thuê riêng một căn hộ/ngôi nhà nhỏ ($165-$440/tuần). Ở ký túc xá (có phòng riêng) giá khoảng $90-$280, ở Homestay khoảng $235-$325/tuần. Tính tối thiểu tiền nhà của sinh viên tại Úc là 400-1200/tháng, một năm rẻ nhất là $5000, nếu thuê cả nhà chi phí 1 năm có thể lên đến $20,000/năm. Đương nhiên số tiền càng nhỏ thì nơi ở càng kém tiện nghi, có thể phải chung phòng với người khác rất bất tiện, hoặc ở nơi xa trường học, mất nhiều thời gian và chi phí đi lại.
- Phí bảo hiểm OSHC hàng năm: Chi phí bảo hiểm OSHC khác nhau tùy thuộc vào loại yêu cầu. Chi phí trung bình tối thiểu là $ 437 cho 12 tháng nếu bạn đơn thân. Ngoài ra cũng có nhiều mức giá khác nhau bạn có thể lựa chọn.
- Cùng với tiền nhà sẽ là tiền các loại bills điện nước ga, trung bình khoảng $25-$100/tuần, 1 tháng mất từ $100-$400.
- Phí ăn uống: Nếu du học sinh hoàn toàn ăn hàng mất khoảng $25-$40/ngày ($175-$280/tuần). Nếu tự nấu tối thiểu khoảng $80/tuần tiền mua thực phẩm.
- Tiền điện thoại và internet: tùy plan và nhu cầu sử dụng, trung bình khoảng $20-$55/tuần.
- Đi lại: Tùy hình thức và nhu cầu đi lại. Các bạn ở ngay sát trường có thể không mất phí giao thông khi đi học (đi bộ hoặc free bus của trường) nhưng đa số phải đi phương tiện công cộng, sẽ mất khoảng $15-$55/tuần tùy độ xa gần và bang đó có giảm giá cho sinh viên không. Nếu đi xe ô tô, chi phí cho ô tô (không tính tiền mua xe) từ $150-$260/tuần.
- Ngoài các khoản lớn trên, sinh viên sẽ phải có các khoản tiền để mua sách vở, dụng cụ học tập, vui chơi giải trí, mua quần áo, đồ dùng khoảng $80-$150/tuần…
Như vậy tổng chi phí ăn ở sẽ khoảng $15,000-$25000 tùy mức sống và nhu cầu của sinh viên. Bộ di trú Úc có đưa ra yêu cầu về chi phí sinh hoạt trung bình của sinh viên ở Úc là $19,830/năm, một người phụ thuộc (vợ/chồng) sẽ thêm 6,940/năm, một trẻ em là 2,970/năm.
Ở trên mới là chi phí ăn ở, sinh viên còn cần nộp học phí. Tùy theo chương trình học và tùy theo trường, mức học phí có thể từ $10,000-$30,000+/năm. Tuy nhiên các trường ở bậc đại học thì học phí thường không dưới 20,000/năm. Như vậy một sinh viên sang Úc du học, tối thiểu 1 năm tiền ăn ở và học phí phải bỏ ra là $30,000 (với mức sống thấp và học phí ở các trường thấp nhất, không phải bậc đại học). Nếu mức sống cao hơn và học cấp đại học thì chi phí không dưới $40,000/năm và có thể lên tới $55,000-$60,000/năm, tương đương với mức lương của một công việc toàn thời gian tại Úc.
Tất nhiên có một số lượng không nhỏ du học sinh có thể kiếm đủ cả tiền ăn ở và học phí cho khóa học của mình do kiếm được công việc tốt, làm ít giờ, lương cao. Vậy nên các bạn hãy vững tin và chuẩn bị cho mình tâm lí thật tốt để có thể trải nghiệm môi trường du học tại Úc nhé!
Khánh Ngọc (SSDH)