Sẵn sàng du học – Cầu kỳ, tinh tế và cũng rất đời. Đó làm cảm nhận khi đọc tập bút ký "Đi như là ở lại" của Lê Vũ Trường Giang.
Trong lớp nhà văn trẻ ngày nay ít người chọn viết ký và viết thể loại này cho tới, cho hay. Nhưng Lê Vũ Trường Giang là một ngoại lệ. Nhiều bạn đọc biết đến anh với các truyện ngắn hay và đoạt giải, nhưng anh viết bút ký hay hơn và hợp với thể loại này hơn.
Cũng có thể nói chính thể loại bút ký đã chọn Lê Vũ Trường Giang, chọn một người viết có khả năng dung hợp văn chương và những cảm xúc lẫn những khảo cứu học thuật cho thể văn cầu kỳ này.
Đi như là ở lại là cuốn sách gói những kỷ niệm, cảm xúc mà chính người viết trải nghiệm trong các chuyến đi của mình. 15 bài ký của tác giả là những gợi mở về con người cảnh sắc và những trầm tích gắn với từng địa danh. Bởi vậy có thể coi Đi như là ở lại là một cuốn cẩm nang đậm chất văn chương về một số danh thắng trên đất nước ta.
Ngay cả những bài viết về mảnh đất quê hương tác giả, nơi núi Ngự soi bóng trên sông Hương, cũng là những gợi ý về một hành trình sâu lắng hơn cho bất kỳ ai sẽ đến với mảnh đất này.
Đi như là ở lại được viết bằng lối văn chau chuốt. Từ những trải nghiệm ấu thơ nơi cồn Trằm, hay những suy tư về phận vạn đò bềnh bồng sông Hương, đến dấu chân miền núi cao đèo sâu của tổ quốc được tác giả lưu lại bằng một lối viết chọn lọc kỹ lưỡng. Trong cách viết của tác giả có chút triết lý, chút hoài tưởng, chút rung cảm trước cái đẹp và cả nỗi xót xa cuộc đời.
Lật từng trang của Đi như là ở lại, ta theo chân tác giả là đi vào những cuộc du hành vừa hoài cổ vừa đau đáu cái hiện thực của từng địa danh. Mượn cái xưa mà vòng về cái nay là cách mà tác giả chọn để làm bật lên cho từng địa danh khiến mảnh đất mà anh đặc tả có trầm tích và sức sống hơn.
Những Nguyễn Phúc Ánh, Lê Thánh Tông … đến những phận người nhỏ mọn như người thợ đóng thuyền trên sông Hương, người phụ nữ gần như vô danh địu con trên đỉnh La Pán Tẩn… cùng lúc hiện lên qua trang viết.
Những ký thác như theo lời tác giả đều là sự ghi chép kỹ càng của một người viết về mỗi nơi mà anh đặt chân. Đọc Chiến địa hoa, Vén mây qua Hải Vân Quan hay Quẩy gánh tang bồng nơi hải khẩu. .. ta không chỉ được thưởng thức những nét riêng của địa danh mà còn đằm mình trong những hoài cổ về hồn đất và các danh nhân đã ký thác đời mình ở đó.
Lê Vũ Trường Giang có chất văn chương lại thêm sự tỉ mẩn của người học sử. Sự kết hợp đó tạo cho tác phẩm bút ký của anh, vừa như những khảo cứu học thuật nhưng vẫn mềm mại và thi vị một cách kỳ lạ.
Cách viết này là xương sống của thể loại bút ký khi đòi hỏi sự thật trong mỗi cuộc du hành, sự hư cấu nhường chỗ cho những khảo luận nghiêm túc. Địa danh và danh nhân những gì thoát thai từ lịch sử và hiện hữu của ngày nay cần đến sự nghiêm túc minh bạch của người viết bút ký.
Đọc bút ký của Lê Vũ Trường Giang, ngoài cảm nhận và chiêm nghiệm về quá khứ, tương lai của nơi chốn tác giả ký thác, ta còn thưởng thức thêm kiến thức của người viết.
Nhiều khi người viết tìm được cảm xúc của mình từ chính những người viết trước, từ một câu thơ của kẻ chọc trời khuấy nước Đào Duy Từ, hay một vài cảm nhận rút ra từ Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Những chiêm nghiệm về bản thể con người trước thiên nhiên đều cho thấy tác giả là một người đọc, một kẻ thu nạp và nghiền ngẫm những tri thức mình góp nhặt được từ sách vở.
Bởi vậy ta không lạ khi tên của tập bút ký Đi như là ở lại gom những ẩn ý từng bài ký. Càng không lạ khi chính tên tập được tác giả kỹ càng trích lục từ một câu thơ của nhà thơ Inrasara.
Đưa sự đọc vào những cái viết của mình, cách đó dù đôi lúc sẽ khiến một vài độc giả tinh nhậy nhíu mày khi lướt qua, nhưng không thể phủ nhận nó làm cho tác phẩm có phần sang và sáng hơn.
Lê Vũ Trường Giang viết bút ký như thể anh đang hoài niệm lại những nơi mình đã đi qua, nhấm nháp và cảm thụ tầng lớp văn hóa mà địa danh ghi dấu trong lòng kẻ thiên di. Với tập bút ký này, Lê Vũ Trường Giang găm vào lòng người đọc những hoài niệm về những địa danh mà ta để lại dấu chân.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing