Điểm mạnh trong đào tạo du học nghề ở Thụy Sĩ

0

SSDH – Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số thế giới, song Thụy Sĩ đã giành được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Giống như một số nước châu Âu khác, Thụy Sĩ khuyến khích du học sinh đi theo hướng du học nghề và cánh cửa các trường đại học chuyên ngành dành cho những du học sinh du học nghề từ phổ thông muốn đạt trình độ đại học trong nghề mình theo đuổi vẫn luôn rộng mở.

 

Điểm mạnh trong đào tạo nghề ở Thụy Sĩ

TS Thu Trang trao đổi về mô hình đào tạo của UFA với phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ.

 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Tiến sĩ Thu Trang cho biết hầu hết các thanh thiếu niên Thụy Sĩ lựa chọn con đường học nghề sau khi học hết chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc ở Thụy Sĩ (học hết cấp II). Riêng tại Geneva, hàng năm có khoảng 15.000 học sinh học nghề và mỗi năm có 5.000 học viên tốt nghiệp với chứng chỉ nghề liên bang CFC (Certificat Fédéral de Capacité) sau ba năm theo học.

 

Với CFC, học viên đã có tay nghề và đi làm được ngay. Họ được xã hội Thụy Sĩ công nhận và được trả lương xứng đáng. Hơn thế nữa, lợi thế của học viên học nghề là họ trẻ hơn so với các sinh viên đại học và có nhiều cơ hội việc làm tại Thụy Sĩ hơn so với các sinh viên tốt nghiệp đại học. Các công ty cũng thích tuyển dụng những người trẻ có tay nghề hơn vì có thể trả tiền ít hơn, bởi họ có bằng cấp thấp hơn so với sinh viên đại học. Trung bình những học viên học nghề có thể tìm được việc sau 6 tháng tốt nghiệp, trong khi những sinh viên tốt nghiệp đại học đôi khi phải mất ít nhất 1 hoặc 2 năm để kiếm việc.

 

Thông thường tại Thụy Sĩ, nếu theo cách học truyền thống sẽ là 4 năm học phổ thông trung học và 3 năm học đại học. Những học viên học nghề sau 3 năm sẽ tham gia được vào thị trường lao động, trong khi những học sinh học phổ thông truyền thống phải học 4 năm thì chỉ có cách lựa chọn con đường học tiếp đại học, cao học…

 

Đối với những người có bằng CFC, nếu muốn tiếp tục học lên đại học thì có thể đăng ký học một năm chương trình “Maturité professionnelle” (MP) nhằm bổ sung kiến thức ở mức độ tương đương như học sinh học phổ thông trung học. Sau khi có được chứng chỉ MP, họ có thể đăng ký nộp hồ sơ theo học ở các trường đại học chuyên ngành, chẳng hạn như Haute Ecole Spécialisée (HES) để lấy bằng cử nhân (thậm chí một số trường HES cho phép học lấy cả bằng Thạc sĩ). Nếu sinh viên đó có động lực thúc đẩy để tiếp tục học thì cũng có thể tham gia học ở các trường đại học để lấy bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Có thể cách này dài hơn cách truyền thống nhưng cuối cùng sinh viên đó vẫn có thể đạt được bằng cấp theo mong muốn.

 

TS Thu Trang cho biết, ở Thụy Sĩ trong thời gian học nghề, học viên có thể làm việc, được trả tiền, ở các công ty có liên quan đến lĩnh vực nghề họ theo học, ví dụ như nghề làm bánh, uốn tóc… Tại khoa đào tạo nghề Unite de Formation des Apprentis (UFA) của trường đại học Geneva nơi TS Thu Trang đang phụ trách, các học viên sẽ được tiền thù lao như các các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm.

 

Năm 2012, UFA đã nhận được giải thưởng là khoa đào tạo nghề tốt nhất cho các doanh nghiệp của Thụy Sĩ. Để quyết định số lượng học viên sẽ đào tạo hàng năm trong khoa gồm hai chuyên ngành là hóa học và sinh học này, TS Thu Trang cần phải liên hệ trước với các công ty để tìm đầu ra cho các học viên học nghề. Mặc dù cũng là học nghề, nhưng việc tuyển chọn các học viên phải được lựa chọn rất kỹ lưỡng vì đây là bước khởi đầu cho những nghiên cứu khoa học dược phẩm – lĩnh vực được xếp hạng trên thế giới của Thụy Sĩ.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Báo Tin Tức

Share.

Leave A Reply