Đoàn Bảo Châu-Cô gái truyền thông cho các hoạt động cộng đồng

0

SSDH – Bạn vui lòng giới thiệu 1 chút về bản thân để các bạn đọc giả được biết thêm về bạn. Bao gồm: tên, học bổng đã đạt kèm theo năm và ngành học, các club/website/FB page/chương trình bạn đang điều hành/điều phối, nghề nghiệp hiện nay,  v..v..

Mình là Đoàn Bảo Châu-New Zealand Scholar Awards 2015  International Communication (Truyền thông quốc tế)

Các page đang quản lý: CHUM_Bạn Đồng Hành, Su học truyền thông, Mentoring Vietnam Công việc hiện nay: Host chương trình radio Say Mê Việt Nam (Passionate Vietnam); điều phối viên phát triển thị trường vùng Đông Nam Á của trường Unitec; điều phối viên truyền thông tổ chức CHUM chuyên về mentoring cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

170317duhoc

Ngành học của bạn sau này có thể ứng dụng vào những công việc cụ thể ra sao?

Ngành Truyền thông quốc tế tại Unitec đào tào chuyên sâu về nghiên cứu truyền thông ở nhiều mảng (quốc tế, văn hóa, phát triển xã hội, chiến lược và quản lý thông tin, chính trị…). Khác với các ngành mang tính thực hành khác trong truyền thông như báo chí, PR, tổ chức event, ngành này hướng vào mục tiêu nâng cao tư duy, khả năng quan sát và phân tích các hiện tượng truyền thông trong xã hội và đề ra các hướng lựa chọn giải pháp cho người thực hành truyền thông. Vì thế, ngành này là một sự chuẩn bị về mặt tư duy hơn là đào tạo để làm một công việc cụ thể, hướng đi của ngành có thể rất đa dạng: giảng viên truyền thông, chuyên viên truyền thông (doanh nghiệp, phi lợi nhuận, liên văn hóa…), phóng viên…

Ngoài học bổng New Zealand Asean, Bạn đã apply các loại học  bổng chính phủ  nào khác? Bạn có kỉ niệm nào đáng nhớ trong quá trình apply học bổng hay không?

Ngoài New Zealand Asean thì tôi không nộp cho bất kì học bổng nào khác. Nguyên nhân là khi đó tôi vừa tốt nghiệp đại học cuối năm 2013 (tốt nghiệp trễ do tôi tham gia một số chương trình giao lưu khác làm thời gian học kéo dài thêm 1.5 năm) mà năm 2014, tôi đã có ý định đi du học vì trong lúc học mình đã đi làm và tích lũy được tương đối kinh nghiệm. Trong các học bổng toàn phần của chính phủ thì chỉ có mỗi học bổng New Zealand  là có điều khoản là nếu tốt nghiệp dưới 2 năm nhưng chứng minh được tiềm năng lãnh đạo và đóng góp cho cộng đồng thì vẫn được xem là hợp lệ. Vì thế, New Zealand Asean đã là lựa chọn hàng đầu lúc đó của tôi và cũng là học bổng thạc sĩ đầu tiên tôi nộp.

Học bổng New Zealand Asean lúc đó hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu nên tôi cứ theo hướng dẫn tự nộp, không có nhiều trở ngại. Đáng nhớ nhất có lẽ là chuyện review hồ sơ, tôi không phải là dân chuyên Anh, cũng không làm việc trong môi trường tiếng Anh, TOEFL cũng không cao, trong khi ngành truyền thông thì yêu cầu ngôn ngữ rất cao nên lúc đầu tôi cũng hơi ngại ngần việc nộp. Rất may là tôi đã có rất nhiều anh chị, bạn bè đã động viên tôi học thi TOEFL cho điểm tốt hơn và giúp tôi đọc lại bài, góp ý cho tôi để có những bài viết hoàn chỉnh nhất

Lời khuyên tốt nhất của bạn dành cho các bạn đang trên con đường tìm kiếm học  bổng toàn phần  là gì?

Cần biết rất rõ tại sao mình lại muốn đi du học và học xong thì muốn làm gì. Tôi tốn nhiều thời gian nhất khi xin học bổng là suy nghĩ nội dung cho personal statement, mình không biết rõ mình muốn gì thì mình cũng không thể chia sẻ với người khác và làm họ cảm nhận được “lửa” thật sự trong mình là gì. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của học bổng toàn phần (chính phủ) là rất quan trọng tâm huyết và các đóng góp của bạn cho cộng đồng. Ngược lại, nếu bạn muốn đầu tư phát triển cho con đường nghiên cứu học thuật thì các học bổng toàn phần của các trường có thể là một lựa chọn rất tốt.

Hiện nay có 1 quan điểm phổ biến của các bạn apply học bổng là phải có nhiều social activity trong CV. Bạn suy nghĩ gì về quan điểm này? Hoặc quan điểm này nên được hiểu đúng như thế nào?

Tôi nghĩ việc có nhiều social activity để làm đẹp hồ sơ học bổng không có gì là sai. “Mèo trắng mèo đen miễn sao bắt được chuột là được”, tương tự, bất kể mục đích của bạn khi tham gia hoạt động cộng đồng là gì, quan trọng nhất là bạn tham gia nghiêm túc, làm việc hết mình và tạo ra được những thành quả tốt cho cộng đồng. Bản thân tôi khi tham gia các hoạt động chủ yếu là do tôi thích thôi, chứ không bao giờ nghĩ sẽ làm đẹp CV thế nào, nhiều khi làm xong cũng quên mất lấy giấy chứng nhận. Tôi nghĩ điều đọng lại và giúp ích nhiều nhất cho bản thân mình là những trải nghiệm mình có được khi làm cộng đồng, chứ không nằm ở hình ảnh hay giấy chứng nhận. Và những người xét học bổng họ cũng rất tinh tế, họ đọc hồ sơ hoặc phỏng vấn là có thể biết ngay bạn có làm “thật” hay không, hay chỉ đi để cho có thành tích trên CV. Vì thế, tôi nghĩ tốt nhất là mình làm thật sự, thành quả tốt đẹp từ từ cũng sẽ đến thôi.

Bạn có thể chia sẻ  kinh nghiệm về cách học tập hiệu quả tại nước ngoài không? Bạn có thể kể 1 ngày học điển hình của bạn như thế nào không?

Tôi nghĩ cách học tập hiệu quả nhất ở nước ngoài là luyện cho mình tinh thần phản biện. Muốn phản biện được thì phải đọc rất nhiều từ trước mới biết được thông tin còn thiếu chỗ nào, còn phiến diện ở đâu và khi vào lớp mới đặt câu hỏi được để làm rõ hơn vấn đề. Vấn đề cơ bản nhất của việc học, tôi cho rằng nó không nằm ở bằng cấp, cũng không nằm ở cơ sở vật chất trường lớp như thế nào, mà nằm ở chỗ tư duy của ta từng ngày được nâng cao, được soi rõ để đưa ra được nhiều lựa chọn hơn cho bản thân và đưa nó đến với công chúng được rõ ràng hơn. Và phản biện (thay vì chỉ nhất nhất nghe theo lời thầy cô, sách vở nói) là một trong những cách để ta nâng cao bản thân mình như thế.

Ngày học điển hình của tôi là…không có ngày nào giống ngày nào cả. Lúc còn có lớp thì tôi tự học ở nhà gấp 5 lần so với giờ lên lớp, ví dụ lên lớp 8 tiếng/tuần thì ở nhà mình tự học 40 tiếng/tuần. Còn không có lớp thì tôi cũng lên đầy đủ lịch làm việc khoảng 8 tiếng/ngày tự học ở nhà. Còn làm gì trong suốt thời gian đó là tôi sẽ tự linh hoạt thay đổi cho khỏi buồn ngủ.   Việc học truyền thông thú vị ở chỗ không có nghĩa là chỉ ngồi đọc sách, viết bài. Mình có thể học từ các hoạt động trao đổi học thuật, từ hoạt động cộng đồng, các khóa học online, xem phim nghe nhạc…Tôi nghĩ điều thú vị nhất của việc học master (ít nhất ở trường tôi ngành tôi) là chúng tôi có biên độ tự do rất lớn, có nhiều thời gian để quyết định chúng tôi quan tâm vấn đề gì, muốn đào sâu nghiên cứu cái gì. Thầy cô chỉ là người đi bên cạnh, chỉ ra những điểm cần chú trọng hơn, đưa ra các gợi ý nền tảng để mình vững vàng, thấy “sáng” ra hơn ở những cái mình đã yêu thích rồi và tự mình sẽ phát triển nó lên. Việc học, theo cách tự nhiên nhất, trở thành việc của mình chứ không phải là trách nhiệm làm để trả nợ thầy cô trường lớp.

170317duhoc0
Môn nào trong ngành học này làm bạn ấn tượng nhất? Bạn thấy cách học hay phân chia môn học của trường ĐH tại New Zealand  có gì hay? Nói 1 cách khác, bạn thấy giáo dục hay việc học tại New Zealand  có gì thú vị? Nếu học tại New Zealand   thì nên học những nhóm ngành nào?

Tôi yêu thích tất cả các mộn mình được học trong ngành ở trường vì chúng tôi rất tự do trong việc phát triển đề tài và các mối quan tâm nghiên cứu của mình. Môn tôi ấn tượng nhất có lẽ là môn Communication for development and social change (tạm dịch là Truyền thông phát triển và thay đổi xã hội). Mỗi ngày lên lớp với giáo sư là một chuyến du hành tỉnh thức qua rất nhiều vấn đề của xã hội, từ bất công xã hội đến những cách truyền thông làm thay đổi quan niệm của xã hội về các vấn đề này. Rất nhiều tài liệu của môn này lấy ví dụ về sự bóc lột và các tác động xấu từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển như VN (một điều hoàn toàn ngược lại với những điều chúng ta vẫn lầm tưởng nước phát triển là thiên đường và họ siêu việt hơn chúng ta). Nhờ đó, chúng tôi tỉnh táo hơn khi phân tích các vấn đề xã hội và việc làm truyền thông của mình cũng vượt qua chuyện chỉ viết để kiếm tiền hay cho xong việc, mà còn là làm truyền thông để góp phần thay đổi được xã hội, đặc biệt là các định kiến.

Giáo dục ở New Zealand  theo tôi (với ngành học của mình) là cho sinh viên rất nhiều không gian để tự tìm hiểu xem mình muốn gì. Chúng tôi ít khi nào có cảm giác bị bài vở đè nặng, học hành nặng nề khó chịu, ngược lại, thời gian…rảnh rất nhiều. Tuy nhiên, ít ai lấy thời gian trống này để chơi, tùy theo từng người mà họ sẽ tận dụng thời gian theo cách khác nhau, có thể đi làm để tích lũy kinh nghiệm làm việc, có thể đi học thêm cái khác, hoặc đi tình nguyện…Vì thế, khi ra khỏi trường, sinh viên ở New Zealand  tôi để ý hầu hết đều không bị kiểu “mọt sách” ngơ ngác giữa đời, hầu hết ai cũng từng va chạm, hiểu được giá trị của đồng tiền, biết mình muốn gì, lao động nghiêm túc để kiếm sống và sống tử tế.

Về các ngành học nổi bật ở New Zealand  (xin xem Link đính kèm – Bài đã đăng trên báo Hoa Học Trò)

Các bạn New Zealand Asean awardee người nước ngoài như thế nào? Bạn thấy họ có gì đặc biệt hoặc profile họ có gì nổi trội hơn so với các ứng viên đến từ VN? Nếu được, có thể cho ví dụ cụ thể.

Theo quan điểm của tôi, bất kì ai là New Zealand Asean awardee thì đều có năng lực ngang bằng nhau, mình không hơn họ và họ cũng không hơn mình. Tuy nhiên, tôi đặc biệt rất ngưỡng mộ và yêu quý các bạn đến từ những đảo quốc vô cùng bé nhỏ và nghèo xung quanh New Zealand  (Pacific Islands), những nơi mà phải đến New Zealand  tôi mới biết có sự tồn tại của chúng. Khi nghe các bạn chia sẻ về những khó khăn ở nước các bạn (đặc biệt khi bị các nước lớn liên tục xâm chiếm về văn hóa, kinh tế) và ước mơ của các bạn quay lại nước mình để giúp đỡ cho những đứa trẻ có đường đi học, giúp đỡ cho dân làng có điện, có máy tính…, tôi rất cảm động vì hiểu rằng trên thế giới này, còn có bao nhiều quốc gia nghèo khó vậy đó, vậy mà ước mơ, khát vọng của con người thì không có biên giới nào, vẫn luôn đẹp rực rỡ và ý nghĩa như thế.

Bạn đã thực hiện  những điều đã trình bày trong SOP khi apply học bổng New Zealand Asean như thế nào?

Nguyện vọng của tôi khi đi học truyền thông là có thể dùng truyền thông cho các hoạt động cộng đồng và giúp cho người dân hiểu rõ hơn về các vấn đề xã hội. Vì thế, khi học ở New Zealand , tôi tham gia thực tập và tình nguyện ở các tổ chức phi chính phủ ở New Zealand  để hiểu rõ cách họ làm truyền thông và ghi chép lại để có thể ứng dụng ở VN sau này khi tôi trở về. Khi học ở lớp, các vấn đề liên quan đến truyền thông cộng đồng ở Việt Nam cũng thường xuyên được tôi lấy làm đề tài phân tích và đưa ra các hướng giải pháp khoa học và phù hợp hơn. Hiện luận văn thạc sĩ của tôi là một nghiên cứu về vai trò của các tổ chức hạt giống trong truyền thông cho phát triển cộng đồng tại các đô thị Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng tham gia các dự án cộng đồng ở VN với vai trò điều phối viên truyền thông và cố vấn truyền thông qua online để giữ được nhịp làm việc và các vận động cuộc sống ở VN.

Nếu cho 3 từ nói về New Zealand, bạn sẽ nói gì?

Trong lành – Tử tế – Minh bạch

Bạn có thể chia sẻ vài thói quen tốt hoặc bạn thấy hiệu quả trong công việc hoặc cuộc sống của bạn không?

Tôi nghĩ một trong những thói quen tôi thấy rất thú vị (và tôi vẫn đang tập mỗi ngày) là đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi về những gì mình chưa rõ, về những gì mình cảm thấy mình còn thiếu sót hoặc về những điều mình định làm, sau đó thì cởi mở để lắng nghe ý kiến của mọi người về điều đó và thực hiện. Trước đây, tôi (có lẽ cũng giống nhiều người Việt khác) thường chỉ nghe xong rồi gật gù chấp nhận, không bao giờ hỏi lại theo suy nghĩ của mình. Nếu có ai góp ý gì hơi tiêu cực cho mình là lại thấy nặng nề, bực mình. Những thái độ bị động, tiêu cực như vậy hạn chế mình rất nhiều trong việc mở rộng tư duy và thay đổi bản thân, thay đổi cách nhìn của mình về một vấn đề để đưa ra giải pháp phù hợp hơn.

Thói quen thứ hai là cố gắng làm việc có kế hoạch. Tôi sống khá là lãng mạn và bay bổng, luôn rất khó chịu với những bảng biểu, kế hoạch, cũng không thích phải chịu quá nhiều áp lực thành tích, rất nhiều lúc ý tưởng “break the rule” (phá luật) bay lượn vòng vòng trong đầu tôi trước quá nhiều việc cần làm. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng việc nuông chiều bản thân quá đáng sẽ làm lãng phí năng lực của mình, nên tôi cố gắng ép mình phải tuân theo các kỉ luật của mình theo cách cơ bản nhất, ví dụ đúng giờ đó thì phải làm việc, khi chơi FB thì đặt ra mức thời gian tối đa và cố gắng làm theo…

Được biết bạn rất hay đọc sách/ xem truyền hình, bạn có thể chia sẻ một hoặc vài quyển sách hoặc kênh truyền hình nào mà bạn nghĩ giới trẻ nên đọc/ xem để có định hướng tốt hơn hoặc có những suy nghĩ tích cực không?

Việc khuyên người khác nên đọc cụ thể một cuốn sách nào, hay xem một phim nào đó là một việc hơi…mạo hiểm vì sẽ có những cuốn tôi thấy hay bạn thấy không hay. Tuy nhiên, nếu phải giới thiệu thì tôi nghĩ cuốn Give and Take của Adam Grant là một cuốn giúp tôi vỡ ra rất nhiều điều về tâm lý con người. Bản thân tôi, thú thật không phải là người quá đam mê đọc sách nhưng tôi cố gắng dùng thời gian ở New Zealand  với hệ thống thư viện rất tốt ở đây để đọc càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình. Ở đây tôi chia sẻ thêm về cách lựa chọn các sản phẩm giải trí (phim ảnh, sách báo). “Bạn đọc, nghe, xem cái gì thì nó sẽ nói lên bạn là người như thế nào”. Nếu bạn dễ dãi với mình, chọn đọc những cuốn dễ đọc, dễ quên thì bạn cũng sẽ không nhớ gì, học được gì sau khi kết thúc. Ngược lại, những lựa chọn khó lại nhiều thử thách, làm khó bạn và bạn sẽ nhớ và học từ nó nhiều hơn. Thời gian là vàng bạc, thời gian để đọc một cuốn sách, xem một bộ phim không hề ngắn, nên đầu tư vào khâu lựa chọn không hề phí. Đừng chỉ tin vào những review sách, phim trên Facebook (rất có thể chỉ là PR) hay chọn chỉ vì nhiều bạn bè mình chọn, hãy chịu khó đọc nhiều review từ các trang web tiếng Anh, tổng hợp ý kiến từ những nguồn uy tín rồi quyết định. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa tôi nói bạn chỉ nên xem phim Oscar hay đọc sách triết học, tôi nghĩ cân bằng giữa các thể loại cũng rất quan trọng. Ví dụ, trong một thời gian dài tôi không hề đọc sách tiểu thuyết vì cảm thấy nó không thật, nhưng gần đây khi đọc lại (The Vegetarian của Han Kang) thì tôi lại thấy đọc tiểu thuyết cũng quan trọng, vì nó nuôi dưỡng cảm xúc của mình, làm mình hiểu vấn đề từ những góc tinh tế, sâu sắc của tính nhân văn, thay vì chỉ đọc những sách thông tin khô cứng.

Nếu bạn có 1 ước mơ, bạn sẽ mơ ước điều gì?

Mong ước của tôi làm sao để mỗi người đều có thể phát huy được hết những tiềm năng của bản thân. Trong bao nhiêu người tôi gặp, thật sự không có ai là nhàm chán cả, chỉ là tốc độ khám phá sự thú vị nhanh hay chậm. Có người vừa gặp đã thấy siêu thú vị rồi, vì họ biết cách kể nó ra với mọi người. Có người thì phải từng ngày từng ngày chậm chậm thì lại thấy à hay quá vì họ không có nhu cầu kể với ai, ai chịu khó thì mới tìm ra Nhiều người hay ca ngợi hay thích thú với những chuyến đi nước ngoài, chuyện sống ở nước ngoài, trở thành Việt kiều…Tuy nhiên, tôi thấy ở Việt Nam cũng có nhiều cái hay và quan trọng là rất cần được thay đổi, được làm tốt hơn, tại sao lại cứ vọng ngoại quá nhiều mà quên mất bản thể của mình?

Bản thân mỗi người sinh ra đã là một viên ngọc, quan trọng là quá trình mài nó sao cho đẹp cho sáng theo hình dáng màu sắc phù hợp nhất với mình. Hành trình dài nhất, thử thách nhất của con người, theo tôi không phải là chuyến đi máy bay đưa đến, mà là hành trình hiểu xem mình là loại ngọc gì và mài sao cho ra phiên bản đẹp nhất của nó. Hiểu mình, hiểu nước mình thì bước ra ngoài thế giới, ta bản lĩnh và làm được nhiều thứ hơn. Để làm được điều này thì xã hội là một chuyện, mà bản thân và hành trình tự vấn, tự phát triển lại càng quan trọng. Cuộc sống chúng ta là hữu hạn, chỉ có mấy mươi năm nên tôi luôn tự nhắc bản thân làm thế nào để không sống hoài sống phí, để mỗi ngày đều có ý nghĩa, đều luôn có thể nói rằng:
“Có một thời vừa mới bước ra
Mùa xuân đã gọi mời trước cửa
Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ
Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi.
Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia.
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” (Xuân Quỳnh)
Tôi thật sự mong ước bản thân và mọi người (trước khi than vãn hay tự ti, so sánh) hãy luôn nghĩ đến những điều mình đang có, trân quý biết ơn nó và tận dụng hết mọi tiềm năng để phát triển thật tốt!

Theo: Nguonhocbong

Share.

Leave A Reply