Du học, con đường từ khi chuẩn bị đến lúc đi

0

Sẵn sàng du học – Nguyễn Minh Khuê du học tại New Zealand từ tháng 1/2018 khi 13 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng, cho con đi du học ở độ tuổi này là sớm. Nhưng sau một thời gian, Minh Khuê tỏ ra khá độc lập trong các vấn đề sinh hoạt cá nhân cũng như hòa đồng với môi trường văn hóa nước sở tại. Vậy để chuẩn bị cho việc du học của con cần chuẩn bị những gì và thời điểm nào lên đường?

Sẵn sàng những gì

Để Khuê có thích nghi với con đường du học khi còn nhỏ như vậy, bố mẹ Khuê đã có sự chuẩn bị từ 3-5 năm trước đó. Việc chuẩn bị trước cho con là vô cùng quan trọng, quyết định việc cho con đi có thành công hay không. Trong khi đó, nhiều gia đình khi cho con đi du học theo kiểu “phong trào” và thiếu sự chuẩn bị kỹ càng sẽ thất bại.

Du học sinh Việt Nam tại New Zealand. Ảnh: NVCC

Du học sinh Việt Nam tại New Zealand. Ảnh: NVCC

Theo gia đình Khuê, để tự tin cho con đi du học cần một số yếu tố như: “Khả năng tài chính, định hướng lộ trình học tập cho con, chuẩn bị cho con tâm lý và kỹ năng để có thể bước vào cuộc sống tự lập khi đi du học. Bố mẹ không dám “buông tay” con có thể để mất cơ hội cho con tự lập và trở thành công dân toàn cầu. Nhưng nếu thả con mà không hiểu rõ khả năng thích nghi của con có thể rơi vào tình thế “phải bơi mà chưa biết bơi”.

“Trước mắt, về khả năng tài chính: Chi phí du học bậc Trung học bình quân: 15.000-30.000 USD; bậc đại học từ 25 – 35.000 USD/năm. Gia đình cần có sự chuẩn bị tài chính cho khoản chi phí học tập này để tránh các rủi ro có thể xảy ra: Thứ nhất, hiện nay, có một số nước có chính sách cởi mở với việc du học, như Canada có chương trình du học không cần chứng minh tài chính. Học sinh du học vừa học, vừa làm, không quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình. Tuy nhiên, nếu du học sinh quá thiên về “kiếm tiền” thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập; Thứ hai, nếu không có chuẩn bị về tài chính thì nếu có rủi ro với gia đình ở Việt Nam, ví dụ như bố mẹ kinh doanh thất bại thì cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học của trẻ”, chị Thu Hường, mẹ Nguyễn Minh Khuê chia sẻ.

Bước tiếp theo các bố mẹ phải hiểu rõ năng lực, khả năng của con cái để có định hướng du học hay học trong nước. Để lựa chọn con đường du học, bố mẹ phải rèn sớm cho con về: Sức khoẻ, tâm lý lành mạnh, có năng lực học tập tốt và khả năng sống tự lập. 

Theo bà Phi Việt Hạnh, Giám đốc điều hành Salute Vietnam International, không nên du học khi trẻ em chưa chưa muốn đi du học, cha mẹ không nên ép, bởi như vậy có nghĩa là các em chưa chuẩn bị sẵn về tâm lý để đi xa hoặc các em tự biết khả năng của mình chưa thích nghi được với môi trường học tập tại nước ngoài.

Nên đi du học từ phổ thông

Bà Phi Việt Hạnh, Giám đốc điều hành Salute Vietnam International cho biết: “Theo kinh nghiệm của tôi đã từng đưa rất nhiều học sinh sang New Zealand học tập thì việc đi du học sớm sẽ có những mặt được như sau: Trẻ em Việt Nam đa phần là sống gần gũi với gia đình và sinh hoạt độc lập rất muộn. Khi ra nước ngoài học tập, học sinh phải tự học, tự ăn, tự đi lại, tự giải quyết các vấn đề cá nhân… không dựa dẫm trông chờ vào bố mẹ , nên ngày càng cứng cỏi , tự tin, bạo dạn”.

Trước đây, trào lưu du học đều chỉ quan tâm đến bậc Đại học do muốn rút ngắn thời gian học và tiết kiệm chi phí. Nhưng chất lượng đầu ra lại không đạt được mục tiêu như mong muốn ban đầu. Thực tế cho thấy du học ở bậc đại học, đa phần sinh viên du học tự túc chỉ tốt nghiệp điểm chỉ ở mức trung bình hoặc khá. Với kết quả học tập như thế muốn học lên Cao học hay Tiến sĩ đều không đủ điểm để xét chọn. Khi xin việc ở nước sở tại với kết quả học tập không suất sắc thì phần lớn là bị từ chối hoặc chỉ xin được những việc tay chân, không đúng nội dung đào tạo với mức lương thấp và không ổn định. Do đó, nhiều bạn du học bậc đại học mặc dù mong muốn ở lại nhưng cuối cùng đều phải lựa chọn con đường về nước.

“Trong khi đó, ở bậc đại học có các môn như kinh doanh, quản lý, kinh tế…. những môn không được học tại các trường trung học tại Việt Nam nhưng lại được dạy cẩn thận ở cấp ba khi du học. Việc biết được những kiến thức này từ bậc trung học sẽ giúp cho các học sinh không những chỉ học tốt hơn khi lên đại học mà còn biết tự quản lý chi tiêu tiền bạc và lên kế hoạch quản lý thời gian học tập tốt hơn. Trong khi đó, ngay từ năm đầu của cấp 3, các trường còn tư vấn cho các học sinh về các kiến thức nền và hướng nghiệp cho các học sinh có ý thức về nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với sở thích bản thân và phù hợp với thế mạnh của mình. Trong khi ở Việt Nam, cứ học đại học đã, ra trường không chắc xin được việc đúng chuyên ngành, rồi loay hoay chuyển đổi, tốn thêm bao nhiều tiền bạc và thời gian”, bà Hạnh phân tích.

Kinh nghiệm của đại diện những đơn vị uy tín đưa học sinh đi du học nhận định rằng: Nếu du học từ bậc phổ thông, học sinh sẽ có thời gian thích nghi nên sức khỏe rất ổn định, tinh thần phấn chấn… sẽ là tiền đề để các em vững vàng bước vào đại học.

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh còn có kết quả học tập cao hơn hẳn những học sinh bản xứ. So sánh kết quả tốt nghiệp đại học giữa học sinh đi du học từ năm phổ thông với học sinh du học từ đại học cho thấy, nhóm học sinh du học từ bậc phổ thông có kết quả điểm loại giỏi với tỷ lệ cao hơn hẳn nhóm những em du học vào thẳng bậc đại học.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tuổi Trẻ

Share.

Leave A Reply