Du học định cư hay trở về?

0

SSDH- Du học định cư, đi hay ở, định cư hay trở về? Đây là thắc mắc của rất nhiều bạn du học sinh. Hãy cùng SSDH giải đáp thắc mắc này nhé!

Xem thêm : 

Top 10 quốc gia nhập cư Canada nhiều nhất năm 2022

Những điều cần biết về PR Úc khi mua nhà

Từ ngoại thương- kinh tế chuyển sang học IT để định cư

Câu chuyện thứ nhất

16 tuổi, mình có cơ hội học Mỹ lần đầu. Mẹ nhờ bạn đi Trung Quốc mua cho mình một đống đồ. Khổ cái, bộ nào mình mặc lên mẹ cũng kêu là không đẹp, dù mình trong bụng thì cũng ưng ưng. Nhìn chung đồ của mình cho tới khi dưới 16 tuổi là mẹ chọn hết, cái nào mẹ kêu đẹp thì mình mặc, mẹ kêu xấu thì kệ luôn dù mình có thích đến đâu. Tóc mình thì xoăn tít, mẹ ghét lắm. Tiêu chuẩn đẹp của việt Nam ngày đó là tóc dài mượt mà dễ chải mà. Thế nên cả tuổi thơ mình ám ảnh với việc mình mặc gì đó hoặc tóc rối mẹ sẽ gào lên.

Mãi đến khi sang Mỹ, tụi con gái cứ xúm xít vào mái tóc của mình, đứa nào cũng kêu cho tớ làm tóc bạn nhé, mình mới biết rằng: “À hóa ra không chỉ có một tiêu chuẩn tóc đẹp. Tóc loại nào thì đi với kiểu đó thôi. Quần áo cũng thế. Khi mình ít để ý hơn về góc nhìn “đẹp xấu” của một người mình rất quan tâm, tự tin thể hiện cá tính qua đồ mình mặc, tự dưng nó sẽ đẹp. Thế nên, khi mình trở về từ Mỹ sau đợt đó, cũng những đồ Trung Quốc mẹ từng ngắm, mẹ lại kêu: “Sao bây giờ con mặc lại đẹp nhỉ?” Dậy thì, cũng có thể… nhưng thâm tâm mình biết là ở Mỹ một thời gian đã dạy cho mình cách sống “thật thà” hơn với cái mình muốn, chứ không phải cái mẹ mong chờ. Nhờ vậy mà đẹp đó.

Câu chuyện thứ hai 

Nhưng nước Mỹ còn dạy mình của tuổi chưa đến đôi mươi nhiều hơn thế. Có hôm máy rửa bát đầy, mình phải bằng tay thế là vừa rửa, vừa tự dưng nhớ đến hôm Tết, mình rửa bát nhiều đã mệt, mẹ còn ra sờ sờ bát, làm một câu: “Rửa bẩn thế này? Rửa lại đi con. Chôn bát còn đầy mỡ này.” Thế là mình khóc tu tu, kêu mẹ rằng: “Cứ rửa xong lại ra một đống.” Nghĩ thế mình lại cười cười, lấy tay ngoáy lại chôn bát cho thật sạch.

Thực ra, cái chôn hay cái gì thì cũng vậy thôi. Lúc mình ở gần gia đình, ba mẹ nhắc thì mình khó chịu ngùng ngoằng. Đến khi xa rồi mới phát hiện, ra ngoài cuộc sống, khi mình làm sai, chả ai nhắc, nên mình vuột mất cơ hội cũng chẳng ai quan tâm. Họ không cười cho là may rồi. Thế nên, khi cách ba mẹ nửa vòng trái đất, những thứ mình vẫn khó chịu vì bị nhắc ngày xưa lại trở thành thói quen để mình tự giác, tự lập đương đầu với cuộc sống.

Câu chuyện thứ ba

Hơn nữa, người Mỹ không phải ai cũng tốt. Hồi đó mình được cầm đi 2000 đô tiền tiêu vặt với ăn trưa cho một năm. Có ngờ đâu ở Mỹ chưa được đến hai tuần, thì mình bị người ta lấy trộm, chỉ để lại có đúng 200 đồng. Thế là thôi, nguyên cả một năm mình nhịn bữa trưa.
Cơ mà thế cũng hay. Hồi đó ở với gia đình người Mỹ và bạn bè, họ đều hạn chế không cho mình liên lạc với gia đình, bảo là để hòa nhập văn hóa tốt hơn. Cơ mà mình thì cho đây là lý do lý trấu.
Phương tiện thông tin liên lạc ngày ấy cũng chỉ có mỗi thẻ điện thoại với yahoo. Mà nói thẳng ra điện thoại một cú là hết hai chục đồng nên cũng chẳng dám gọi luôn. Vậy nên nhịn ăn trưa, mình lại được thể ngồi trong cái nhà vệ sinh, co chân lên chat với mẹ. Nói chung là văn hóa thì mình vẫn hòa nhập mà tự dưng lại biết thương gia đình hơn.

Câu chuyện thứ tư

Trở về từ Mỹ, mình phát hiện ra giá nem chua rán chỉ sau một năm đã từ 1 nghìn rưỡi nhảy hẳn lên 5 nghìn. Cái thói quen cầm trong tay chỉ 20 nghìn đã ăn uống thoải mái bỗng dưng không còn được như vậy nữa. Việt Nam đúng là … giá tăng nhanh thật. Mãi sau này khi mình học tập và nhiều kiến thức hơn, mình mới hiểu là giá cũng chỉ là một phần còn thực sự, Việt Nam đang phát triển kinh tế nhanh hơn Mỹ rất nhiều. Cơ mànếu năm đó mình không đi Mỹ, thì mình cũng sẽ không có cơ hội để nhìn lại cái SỰ NHANH của Việt Nam một cách rõ ràng như thế. Giả dụ nem chua cứ cách 2 tuần lại tăng 100 đồng, thì có lẽ mình cũng cứ thế trả dần lên thôi, chứ để ý gì.

Câu chuyện thứ năm

Rất nhiều năm sau đó, mình đón sóng tăng trưởng ở Việt Nam để có một vị trí nhất định trong cả sự nghiệp đi làm lẫn khởi nghiệp. Lúc đó, mình cũng rất dương dương tự đắc, tự cho rằng những trải nghiệm ở Mỹ lúc còn nhỏ đã đủ hay và đủ ngấm để mình làm việc rồi. Thực sự thì ở Việt Nam giờ nhanh hơn, không chỉ lấy được công nghệ cũng như phong cách vận hành từ Mỹ, mà còn học được từ sai lầm của nhiều nước đi trước như Nhật, Hàn, hay châu Âu để phát triển.
Dù sau đó mình cũng muốn đi học cho vui, nhưng anh người yêu lúc đó kêu “Con gái không cần học nhiều” nên mình lại kệ. Mình nghĩ bụng: “Ừ thôi, giờ đi công tác nước ngoài cũng nhiều. Sau thì cứ vừa đi làm, vừa làm con buôn đồ Tàu rồi du lịch.” Giờ nhìn lại mới thật ra suy nghĩ đó có phần ấu trĩ.

Câu chuyện thứ sáu 

Tình yêu không thành thì việc đầu tiên mình làm là đi xăm hình, không phải vì uất ức gì anh yêu đâu. Đơn giản là một chút Mỹ vẫn còn lại trong mình vào lúc đó nó phát tác, cứ thấy đẹp và phù hợp là sẽ làm, không quan tâm ai nói gì. Sau đó mình cũng thấy sự nghiệp của mình cũng đã ổn định, nên thật lòng mình muốn đi “du học nghỉ dưỡng,” mà phải là cái loại người ta chi tiền mình mới đi cơ. Ngay cả lúc đi vẫn lăm lăm trong bụng là lại về Việt Nam chiến tiếp.
Vậy là đi. Và đi rồi thì mình mới phát hiện, khi con người bắt đầu hiểu biết hơn về cuộc sống mà đi du học, thì góc nhìn và khám phá còn được nhiều hơn. Nếu như đi lúc nhỏ, phổ thông và đại học, mình chỉ quan sát được về sự khác biệt trong văn hóa gia đình, tự do và tự lập cá nhân thì khi mình đã đi làm, đã có trải nghiệm Việt Nam, cái mình quan sát được là ngành này Mỹ tiến bộ hơn chỗ này, ngành kia Việt Nam sẽ làm chuẩn chỉ hơn. Hoặc đẹp nhất là kết hợp 2 cái được thì ra cái chưa ai làm bao giờ luôn.

Câu chuyện thứ bảy

Lại nói về khoản hiểu cả hai thế giới, trước đây mình luôn cho rằng việc mình lỡ không sang Mỹ được lúc đại học là kém may. Thế nhưng, sau này mình lại thấy thế là thật đỏ. Vì không đi Mỹ học đại học, mình tìm hiểu văn hóa Việt Nam nhiều hơn. So ra với các bạn đi Mỹ cả đại học chỉ biết có một môi trường Mỹ thì mình lại thấy góc đó rộng hơn một chút.

Chính vì thế, khi mình quay lại Mỹ, với góc nhìn của một Việt Nam tăng trưởng cao, mình lại thấy đâu đâu cũng là cơ hội. Qua thời gian quan sát, mình thấy Mỹ có thiết kế công việc chuyên trách tới từng chi tiết rất đáng để học hỏi. Nếu mình hiểu nó đủ sâu để kết hợp với sự linh động trong thiết kế vận hành doanh nghiệp Việt thì mô hình sẽ vừa hiệu quả vừa sáng tạo cao nhất. Vậy nên chốt lại là mình vẫn làm Mỹ một thời gian rồi về ứng dụng vào Việt Nam là đẹp nhất. Và quả vậy, chỉ về nước chưa đầy năm là doanh nghiệp mình mới thành lập được định giá lên tới 20 triệu đô.
Tất nhiên, được như thế là do kĩ năng cứng của mình lên hẳn khi ở Mỹ và nó được ứng dụng một cách mềm mại nhất vào môi trường Việt.

Câu chuyện thứ tám 

Sau đó, mình đánh nhau banh xác với đồng sáng lập công ty khởi nghiệp. Tiền thì không mất (còn lên to) nhưng mà tinh thần và sức khỏe xuống quá thể. Thế là xong việc, mình lại quay sang Mỹ làm Tiến sĩ. Chiến lên chiến xuống, tái lại tái hồi, thì tự dưng phát hiện ra mình cũng chẳng cần tiền nhiều mà cần tiền ổn với cuộc sống bình yên hơn.
Tới thời điểm đó, mình có so sánh giữa cuộc sống và cơ hội của cả hai đất nước, mình hiểu lợi hại của từng lựa chọn một cách sâu sắc hơn rất nhiều:
  • Ở Việt Nam có lẽ là lựa chọn nhiều tiền nhất vì mình có kĩ năng, kiến thức, quan hệ, và lúc đó là cả tự chủ tài chính nữa.
  • Sang Mỹ thì đi làm doanh nghiệp cũng chẳng bình yên đâu. Cứ cho rằng mình đang là nhân viên quèn thì tranh đấu trong công ty chưa ảnh hưởng đến mình lắm. Nhưng mình làm đủ lâu ở cả Việt Nam cả Mỹ để biết, dù ở nước nào, càng lên cao vị trí càng ít. Nếu ở Việt Nam còn coi trọng thâm niên một chút thì ở Mỹ nếu làm lâu mà không lên được vì trí cao lại rất dễ bị đào thải. Nếu bạn bị đào thải ở vị trí Giám đốc nào đó, thì tìm kiếm lại một công việc với mức lương thưởng tương đương quả thật không dễ dàng (đặc biệt nếu bạn chưa phải công dân Mỹ hoặc có thẻ thường trú)
  • Đi vào con đường học thuật Mỹ, làm Tiến sĩ thì lại hơi ít tiền. Cơ mà mình lại phát hiện ra một ngách nhỏ của một số ngành cần người thì tiền không quá nhiều nhưng là nhiều so với doanh nghiệp, lại có nghỉ đông, nghỉ hẻ, thời gian khá chủ động nữa. Nhược điểm của làm Tiến sĩ Mỹ là sẽ khó có thể quay về Việt Nam mà vẫn làm học thuật vì quả thật, học thuật Việt Nam chưa tới và quá thiếu nguồn lực.
Cân nhắc chán chê, mình đã chọn con đường bình yên không nghèo này. Kết quả là tối mình ngủ ngon hơn, yêu thương bản thân đúng cách hơn (sức khỏe tinh thần) và lấy được một người chồng tới giờ là như ý.

Câu chuyện thứ chín 

Năm nhất làm Tiến sĩ, mình còn về thăm nhà được. Đến mấy năm sau COVID, thì mình chịu luôn. Mới tuần trước mẹ mình mới bay được sang đây dự lễ tốt nghiệp của mình, mà mẹ bay từ nhà mất 2 hôm thì mình mất ngủ cả 2 hôm. Nhớ mẹ quay quắt.
Đợt mẹ sang Mỹ lần đầu hồi thạc sĩ thì mình không lo thế đâu. Bận đó, tháng năm mình mới về chơi, thì tháng mười mẹ đã bay sang rồi. Mẹ cũng thuộc dạng máu chiến nên tự đi, cứ sáng ngủ dậy đi đón mẹ là được. Hai mẹ con còn cãi nhau như mẻ suốt ngày. Đợt này mẹ già hơn, mình lại ba năm không gặp, cứ nghĩ mãi: “Mẹ mà lấy mẫu PCR dương tính thì…” Mình ngồi khóc tu tu, 3 năm rồi mà. Đúng là xa thơm gần thối.

Câu chuyện thứ mười 

Giờ thì mình đã xong xuôi các vấn đề về nhập cư Mỹ rồi. Tự dưng hôm qua mẹ lại nói: “Thực ra ba mẹ cũng mong bọn con về. Con mà trong vòng 5 năm nữa về thì cửa phát triển ở Việt Nam cũng còn đầy. Quan hệ vẫn còn. Gia đình vẫn có thể dựa vào được.” Và quan trọng nhất, mẹ nói: “Ba mẹ già rồi cũng mong con cái ở gần. Không phải để nhờ vả mà nếu có chuyện gì thì ít nhất không phải mấy ngày con mới về được.
Khi còn trẻ hơn, mình rất ít khi nghĩ đến chuyện này. Mấy năm nay khi sự nghiệp ở Việt Nam cũng ổn định mà ở Mỹ thì sang trang mới, mình bình tâm lại thì lại hay nghĩ về ba mẹ hơn. Cứ mấy hôm không gọi điện sang là thấy lo lo. Đã vậy, mình lại vừa chứng kiến bạn mình mẹ mất không về được vì thủ tục giấy tờ, mà trong lòng mình lại cứ nôn nao.
Thật sự, về Việt Nam không phải lựa chọn tệ với mình, mình chưa về đã có 2 chỗ mới làm Quản lý cấp cao. Công ty riêng vẫn còn, gia đình cũng nhiều chỗ mình và chồng có thể giúp quản lý thu vén. Và quan trọng nhất là gần gia đình. Thế nhưng mình cũng tiếc cái bình yên hiện tại, mà nếu quay về thì những thứ đó có thể khó khăn hơn. Thôi cứ cho mình mấy năm nữa nhỉ?
VẬY NHỮNG CHUYỆN NÀY LIÊN QUAN GÌ ĐẾN ĐI HAY Ở, ĐỊNH CƯ HAY TRỞ VỀ?
Nếu các bạn đọc một vài lần, các bạn sẽ thấy:
  1. Du học thì luôn học được thứ gì đó. Đi lúc còn trẻ con thì thay đổi cá tính và tự lập tốt hơn. Đi lúc đã có hiểu biết thì học được các một chân trời kiến thức và hiểu biết. Đi lúc đã trưởng thành hẳn thì hiểu hơn về bản thân, giá trị con người và gia đình. Vậy nhìn chung là nên đi để mở mang.
  2. Nếu bạn không đi du học nước ngoài bao giờ thì miệng giếng của bạn sẽ chỉ là cuộc sống, văn hóa, và cách hành xử Việt Nam. Kể cả đi công tác thì mình chưa kịp làm quen với lối sống nước ngoài đã bị về mất rồi.
  3. Thế nhưng việc học nước ngoài một mạch, không trở về và không đi nước khác cũng vậy. Miệng giếng của bạn nếu không là Việt Nam thì sẽ là Mỹ hoặc nước nào đó khác. Cứ cho rằng Mỹ tiến bộ hơn Việt Nam nhiều nhưng mà bạn cứ nghĩ xem cái nem cua rán tăng từ 1 nghìn rưỡi lên 5 nghìn chỉ là ẩn dụ cho rất nhiều thứ đang thay đổi một cách chóng mặt ở Việt Nam thôi. Mình từng nói với một chị đối tác thân ở Việt Nam là: “Chị ơi cứ mỗi ngày em đây là em thấy một ngày đất nước bỏ xa em.” Vậy nên có cái nhìn và sự so sánh ở một môi trường hoàn toàn khác (tăng trưởng nhanh giống như Việt Nam) sẽ giúp các bạn du học sinh mở rộng góc nhìn và hiểu biết hơn về chính cuộc sống ở nước ngoài.
Hơn nữa, việc mình đi hay ở, định cư hay trở về sẽ thay đổi theo tuổi tác, thời điểm, và cơ hội của từng thời điểm đó. Lúc trẻ con mình từng ham hố ở Mỹ và chỉ Mỹ mới được, một phần cũng vì xung quanh mình mọi người toàn đi Mỹ. Sau khi ở lại Việt Nam ổn định cuộc sống lúc đại học mình lại nghĩ ở Việt Nam cũng hay, còn chả buồn đi Mỹ nữa. Nhưng rồi đến khi mình đi và phát hiện mình học được một đống, cân nhắc thiệt hơn thì Mỹ lại thành môi trường lý tưởng để mình quyết định lập gia đình. Vậy mà mới hôm rồi nghe đến mẹ muốn con cái ở gần là lòng mình xao xuyến Việt Nam.
Với mỗi người, câu chuyện này mỗi khác. Vậy nên, cái các bạn cần làm không phải là chạy theo phong trào hay lấy cảm hứng từ câu chuyện một người nổi tiếng nào đó kể trên mạng để quyết đi hay ở, định cư hay trở về. Các bạn nên tự so sánh với điều kiện, cơ hội của bản thân và gia đình trong thời điểm hiện tại khi cân nhắc những quyết định nàyVà khi bạn đã suy nghĩ một cách chín chắn và lý tính nhất về nó, thì mình tin rằng quyết định đó sẽ luôn đúng nhất với bản thân bạn tại thời điểm đó.
Tác giả : Jenny Hoang
Share.

Leave A Reply