SSDH – Nghĩ thật buồn cười phải không khi mà trận bão đầu tiên trí nhớ của tôi lưu giữ được là khi đã 22 tuổi, đang du học năm cuối ở trường đại học ở Massachusetts. Một trận bão tuyết kinh hoàng vào đúng dịp Halloween
Tuổi thơ tôi không nhớ một trận bão nào. Mỗi lần nói đến bão thì dù đều là bão quét trong nước mình, nhưng là ở một nơi xa xôi nào đó. Nhớ hồi còn học cấp một, mỗi lần nói đến bão lụt hình ảnh tôi nhớ nhất là sau khi ở trên lớp cô chủ nhiệm nhắc quyên góp ủng hộ cho đồng bào mình sẽ chạy một mạch về nhà xin bố mẹ tờ 2000 đồng để “sáng mai con đi quyên góp!” hoặc vơ ngay ít quần áo cũ đóng vào túi để mai đem đến lớp. Bão thật gần trong kí ức, nhưng có cái gì đấy thật xa với cuộc sống hàng ngày của tuổi thơ tôi.
Nghĩ thật buồn cười phải không khi mà trận bão đầu tiên trí nhớ của tôi lưu giữ được là khi đã 22 tuổi đang học năm cuối ở trường đại học ở Massachusetts? Một trận bão tuyết kinh hoàng vào đúng dịp Halloween. Gió quật vun vút những cành cây, trong vòng chỉ cỡ 1-2 tiếng mà đi lại trong trường đã có những chỗ tuyết ngập đến đầu gối. Một đêm thôi, mà ngôi trường hiện đại của tôi chìm trong bóng đêm… như những hôm mất điện ở nhà!
Bão Sandy đến Washington DC
Tôi may mắn được đi học ở một ngôi trường nơi tôi được quan tâm chăm sóc, không chỉ về mặt học hành mà còn trong cả những lúc như thế này. Vì trường ở một thị trấn nhỏ tương đối xa xôi việc khắc phục mất đến mấy ngày, nhà trường đã sắp xếp cho cán bộ chuẩn bị bánh sandwich và đồ ăn nhẹ cho chúng tôi ăn trong mấy ngày nhà ăn không hoạt động được vì mất điện.
Và không chỉ cho chúng tôi, trường cũng giúp đỡ một trường nhỏ gần kề bên chăm sóc cho sinh viên của họ bởi họ cũng thiếu đồ ăn và hệ thống sưởi không hoạt động. Và có lẽ như nhiều trường khác trên nước Mĩ, trường có hệ thống máy phát điện nên mặc dù trong nhà tối om nhưng đèn đường vẫn sáng để chúng tôi vẫn có thể nhìn rõ khi đi lại.
Một năm sau cái trận bão tuyết kinh hoàng đêm Halloween ấy, bây giờ cũng ngay trước Halloween thôi tôi đang gõ bài viết này thì cơn bão Sandy lại đang quét qua ven biển miền Đông nước Mỹ. Ước tính ảnh hưởng tới 50 triệu người. Sống ở Washington DC nằm trên đường bão quét, giao thông công cộng ngừng lại hết nhưng tôi vẫn cảm thấy yên tâm vì mình đã được cảnh báo từ trước, email cơ quan cộng thêm đài báo không ngừng cập nhật.
“Bão là thế này ư?”, tôi nghĩ. Cái mà trước giờ tôi nghĩ là “thiên tai” dường như một thứ nằm trong kế hoạch, để cho ngay cả những người sống gần tâm bão quét cũng vẫn cảm thấy yên tâm cuộc sống của mình sẽ không bị ảnh hưởng quá lâu. “Đừng ngốc! Ra khỏi đây ngay!”, thống đốc bang New Jersey nói như vậy với người dân để cảnh báo họ tìm nơi trú ẩn an toàn.
Nước Mỹ cũng từng bị phê phán khi để cho cơn bão Katrina năm 2005 lấy đi tính mạng gần 2 nghìn người. Có lẽ vì thế nên tâm lí chuẩn bị trước bão và cứu hộ sau bão đã in vào tâm trí con người ở đây. Họ không muốn để xảy ra sai lầm lần nữa.
Và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi bất giác gõ vào thanh tìm kiếm trên Google: cơn bão Chanchu. Có bao giờ bạn tự tìm hiểu về bão Chanchu, và thảo luận về bão Chanchu, bão Xangsane hay gần đây là bão Sơn Tinh như người Mỹ vẫn tiếp tục nói về bão Katrina, về các nạn nhân Katrina và liên tục so sánh các cơn bão sau này với Katrina?
Cũng sau từng ấy năm, bình mới nhưng vẫn có trộn rượu cũ, với chúng ta vẫn là những chủ quan ở một khâu nào đó, không ai nhận trách nhiệm và mọi thứ cứ như thế lặng lẽ lui dần vào quá khứ. Có lẽ… cái con bé ngày xưa thấy bão thật gần, mà cũng thật xa cái cuộc sống hàng ngày của nó không phải là người duy nhất cảm giác như vậy.
Du học đâu phải chỉ để học những cái mới trong ngành của mình mà còn giúp tôi nhìn nhận những vấn đề cũ, nhìn nhận lại chính mình trong con mắt so sánh và phân tích, giờ tôi đã hiểu.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí