Du học sinh Việt ở Mỹ: Đừng quên khía cạnh văn hoá khi chọn trường

0

‘Em định nộp trường này vì có vẻ nó cho nhiều tiền’, một học sinh lớp 12 giải thích lý do muốn nộp hồ sơ vào Đại học Oberlin mà tôi đang theo học. Em cho biết, không còn lý do gì khác và chưa tìm hiểu nhiều về trường.

 

Câu trả lời này làm tôi nhớ lại những cuộc nói chuyện của mình với bạn bè về trải nghiệm đại học của họ. Không ít bạn trước cũng chọn trường vì lý do đơn giản như thế, sau đó đã phải khóc vì nhận ra sai lầm.

 

Thực tế hiện nay, nhiều học sinh Việt Nam đang cố gắng bằng mọi cách để vào được những trường top với suất học bổng cao nhất, mà quên đặt câu hỏi – liệu trường đó có thật sự phù hợp với mình?

 

Du học sinh Việt tại Mỹ Đừng quên khía cạnh văn hoá khi chọn trường

Trần Khánh Linh, sinh viên năm 2, chuyên ngành Truyền thông và Xã hội học, Đại học Oberlin, Mỹ. Ảnh: NVCC.

 

Với chi phí đắt đỏ của các đại học Mỹ, việc quan tâm tới vấn đề tài chính đầu tiên là hoàn toàn dễ hiểu. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận sự quan trọng của xếp hạng trường – điều thể hiện danh tiếng, chất lượng, mức độ khó và cạnh tranh của đại học.

 

Tuy vậy, yếu tố văn hóa cũng đặc biệt không nên bị bỏ quên trong quá trình chọn trường, bởi nó ẩn chứa những rủi ro khó lường.

 

Hãy cứ thử tưởng tượng bạn không thích tiệc tùng, nhảy nhót, sẽ cảm thấy lạc lõng thế nào nếu 90% học sinh trong trường tiệc tùng suốt ngày và thích tham gia các hội nam sinh, nữ sinh (Greek life). Tiếng nói của bạn liệu có được tôn trọng khi vào phải một trường có quan điểm chính trị bảo thủ mà bản thân lại mãnh liệt ủng hộ phe cấp tiến?

 

Ngôi trường bạn chọn khi du học sẽ không chỉ là nơi học tập mà còn là ngôi nhà của bạn trong suốt 4 năm. Do đó, cần quan tâm tới những người sẽ ở cùng nhà và những thói quen, sở thích, văn hoá của họ.

 

Do rào cản ngôn ngữ, văn hóa, việc hòa nhập ở Mỹ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sốc văn hoá là hiện tượng mọi sinh viên quốc tế đều phải trải qua, tuy nhiên nặng hay nhẹ phụ thuộc vào khả năng thích nghi của mỗi cá nhân và môi trường xung quanh cũng đóng vai trò không nhỏ.

 

Nếu ở một ngôi trường không phù hợp và cảm thấy khó hòa nhập, nhiều bạn trẻ có xu hướng dần tách bản thân khỏi các hoạt động trong trường. Điều đó dẫn đến vô vàn hệ quả xấu. Chưa kể việc ít tham gia các hoạt động cộng đồng và cảm thấy khó hòa nhập sẽ khiến sinh viên cô đơn và bị cô lập, có xu hướng dẫn đến các bệnh tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng tới học tập cũng như sức khoẻ lâu dài.

 

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc chọn trường và sự phát triển của người trẻ, GS Barbara Schneider, ngành giáo dục và xã hội học, Đại học Michigan State đã chỉ ra, việc tham gia những hoạt động trong trường là chìa khoá củng cố trải nghiệm sống và học tập của sinh viên.

 

Những bạn chủ động tham gia hoạt động trong trường thường dành nhiều thời gian tiếp xúc với các tổ chức sinh viên, giáo sư và nhân viên trong trường hơn. Từ đó, chất lượng học tập và khả năng nắm bắt cơ hội như việc làm thêm, hội thảo khoa học hay vị trí nghiên cứu tốt hơn những người kém hòa nhập.

 

Về mặt lâu dài, những người cảm thấy hài lòng nhất về cuộc sống của mình là những người khi còn đi học biết tự đánh giá năng lực bản thân và tận dụng các tài nguyên trong trường.

 

Còn những sinh viên khi đi học chỉ cố gắng đạt điểm cao ở các môn học chính mà không dành thời gian tham gia hoạt động ngoại khoá và phát triển ở các mảng phi học thuật như âm nhạc, nghệ thuật, thường không hài lòng với những lựa chọn giáo dục và nghề nghiệp tương lai.

 

Tôi biết một số du học sinh vì chọn trường không phù hợp, không hòa nhập được mà sau vài tháng theo học đã quyết định trở về Việt Nam hoặc chuyển trường. Điều này gây tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

 

Chưa kể, đôi khi những thủ tục và yêu cầu phức tạp còn khiến việc học hành của bạn đó bị lỡ dở, ví dụ trường ở Việt Nam yêu cầu học lại từ đầu hoặc không có chuyên ngành mong muốn. Nghiêm trọng hơn, đã có du học sinh về nhà trong trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm lý vì áp lực kéo dài, ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.

 

Vì vậy, việc tìm được một ngôi trường phù hợp với khả năng, tính cách và hướng đi trong tương lai, một nơi mà bạn có thể yên tâm học tập, sinh hoạt và phát triển, là vô cùng quan trọng.

 

 Một vài gợi ý khi chọn trường du học Mỹ

 

Thông thường, sinh viên Mỹ sẽ cùng gia đình dành thời gian tới tận những trường họ định nộp hồ sơ, ở lại vài đêm, đi tour quanh trường, học thử một vài lớp… để xem đây có thực sự là nơi họ muốn dành 4 năm đại học.

 

Tuy nhiên, với phần lớn học sinh Việt Nam, vì điều kiện khoảng cách không cho phép, thì bên cạnh các bảng xếp hạng như U.S.News Rankings, Forbes, bạn có thể tìm đọc các trang nhận xét, đánh giá trường như: Niche, Princeton Review hay Student Reviews để nắm thông tin từ chính học sinh, cựu học sinh của trường. Đây là nơi bạn sẽ biết được gu văn hoá, tính cách đặc trưng của trường.

 

Cuối cùng và theo tôi là quan trọng nhất, hãy tìm xem có sinh viên Việt Nam nào đã và đang theo học trường bạn thích, tìm cách liên lạc với họ. Những người này sẽ cho bạn thông tin giá trị nhất, từ việc trường có nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ học sinh quốc tế không, mọi người có thân thiện, xung quanh trường còn thiếu gì để chuẩn bị mang sang…

 

Nếu trường này trước nay chưa có sinh viên Việt Nam theo học, hẳn đằng sau cũng phải có lý do nào đó mà bạn nên lưu ý.

 

Hãy tổng hợp thông tin từ tất cả nguồn này và so sánh các trường với nhau. Đừng vội đưa ra quyết định chỉ vì một số liệu hay một vị trí xếp hạng. Đại học không chỉ là nơi chuẩn bị cho nghề nghiệp sau này mà còn là nơi bạn tìm ra tiếng nói và nhân cách con người mình.

 

Hãy chọn một môi trường vừa đủ thách thức để bạn dặn mình phải cố gắng nhưng không bị bỏ lại đằng sau, vừa đủ thân thiện để bạn được tôn trọng nhưng cũng không lãng mạn hoá cái nhìn của bạn về đời thực, và vừa đủ khác biệt với những gì bạn từng trải nghiệm để biết nhìn lại mình và học hỏi từ người khác.

 

Tôi nghĩ rằng, thay vì hỏi ‘Bạn được học bổng bao nhiêu?’, ‘vào trường top mấy?’, hãy hỏi rằng: ‘Bạn có hạnh phúc ở nơi bạn theo học?’. Đừng để những năm tháng du học khi kết thúc chỉ còn là một dấu gạch đầu dòng trong lý lịch, hãy biến nó thành trải nghiệm đẹp để ta nhìn lại và có thể mỉm cười.

 

                                                                                                Trần Khánh Linh
                                                                       Sinh viên năm 2, chuyên ngành Truyền thông và Xã hội học
                                                                                                 Đại học Oberlin, Mỹ 

 

Share.

Leave A Reply