Du học sinh vỡ mộng vì khó khăn tài chính và sự cô đơn

0

SSDH – Nhiều bạn trẻ nỗ lực để có thể theo học tại những quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Nhưng cuộc sống xứ người với khó khăn tài chính và nỗi cô đơn khiến họ suy sụp.

 

Tháng 9/2009, Gurjinder Singh, một sinh viên người Ấn Độ, treo cổ trong căn hộ tại thành phố Melbourne, Australia.

 

Sau 3 tháng đến đây du hoc, Singh không kiếm nổi việc làm thêm để trang trải chi phí học tập tại Đại học La Trobe. Khó khăn tài chính khiến cậu mắc chứng trầm cảm và quyết định kết thúc cuộc đời khi mới ngoài 20 tuổi.

 

Khoảng 8.000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi học khỏi các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ trong năm 2014, theo báo cáo mới nhất của cơ quan WholeRen Education (Mỹ).

 

Gurjinder Singh không phải là du học sinh duy nhất gặp vấn đề về tài chính dẫn đến chứng trầm cảm. Tình trạng này xảy ra nghiêm trọng nhất ở Anh.

 

Hàng năm, sinh viên quốc tế đóng góp khoảng 8 tỷ bảng vào nền kinh tế nước này. Mức học phí cao dường như chỉ phù hợp các cậu ấm cô chiêu. Đối với những sinh viên xuất thân từ gia đình bình thường, những năm tháng du học ở Anh thực sự là cuộc chiến sinh tồn.

 du-hoc-sinh.jpg

Hầu hết du học sinh đều phải đối mặt với khó khăn tài chính và nỗi cô đơn khi học tập tại một đất nước xa lạ.

 

Một sinh viên người Nepal theo học ngành Chính trị học Quốc tế tại Đại học Middlesex ở thành phố London từng cảm thấy du học là một điều tuyệt vời. Trong những ngày đầu sang Anh, cô cảm thấy vui mừng khi ước mơ thành hiện thực, được thăm các địa danh nối tiếng, tiếp cận nền giáo dục đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra, đối với phần lớn du học sinh, những câu chuyện cổ tích dễ dàng biến thành cơn ác mộng.

 

Cô sống trong căn phòng chật hẹp suốt hai năm vì nguồn tài chính hạn hẹp, mỗi ngày phải vượt qua chặng đường dài để đến trường.

 

Suresh, một sinh viên khác đến từ Nepal, sống ở phía nam thành phố London. Anh cảm thấy bị lừa khi đến nhập học và nhận ra ngôi trường chỉ nằm trong một căn hộ.

 

“Những gì họ giới thiệu trên Internet hoàn toàn khác. Tôi không thể tiếp tục theo học trường đó. Giáo viên dở tệ, không có cơ sở hạ tầng hay thư viện. Tôi mất hết ý chí học tập và mất luôn 5.000 bảng bố mẹ đã bỏ ra để tôi du học”, Suresh nói.

 

Gita, từ Ấn Độ, cũng thất vọng trước ngôi trường cô từng mơ ước.

 

“Tôi không thể học tốt tại trường. Tôi cũng không thể trở lại Ấn Độ. Tôi sẽ nói gì với gia đình và bạn bè đây? Chẳng lẽ bảo với họ rằng, đại học tại một trong những nước giàu nhất thế giới không đáng một xu?”, cô nói.

 

Kala Opusunju, du học sinh tại Đại học Middlesex, gặp rắc rối về tài chính lẫn tình cảm. Cô cảm thấy cô đơn khi gia đình không bên cạnh để khuyến khích hay hỗ trợ. Kala không tìm nổi việc làm thêm để giảm bớt gánh nặng. Cuộc sống của cô phụ thuộc hoàn toàn vào tiền bố mẹ gửi từ Nigeria.

 

“Tôi ước gia đình ở Anh để tôi có thể về thăm họ, ở lại nhà trong một khoảng thời gian và trở về đây mỗi khi cần. Hầu hết du học sinh đến từ Nigeria đều mắc chứng trầm cảm sau khi đến đây”, cô nói.

 

Khó khăn tài chính, bị cô lập, chứng trầm cảm là những vấn đề du học sinh thường gặp phải. Nhiều người vượt qua để tiếp tục học tập, xây dựng tương lai thành công, nhưng cũng không ít người từ bỏ ước mơ, trở về nước.

 

Thậm chí, một số người không tìm thấy lối thoát sau khi thực tế tàn khốc phá vỡ mộng du học và tìm đến cái chết. Vì thế, du học thực ra không hào nhoáng, đẹp đẽ như hầu hết mọi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh vẫn tưởng.

 

Nguồn: Zing

Share.

Leave A Reply