Du học vì muốn có nhiều thay đổi

0

Sẵn sàng du học – Phải học theo 'khuôn mẫu', áp lực từ các kỳ thi… là những nguyên nhân chính khiến học sinh Việt Nam quyết định đi du học.

“Có những trường hợp học sinh muốn đi, nhưng có trường hợp học sinh không muốn nhưng cha mẹ lại tha thiết muốn con phải du học. 

Theo quan sát ban đầu của tôi là phụ huynh muốn con du học vì họ thiếu niềm tin vào hệ thống giáo dục trong nước”, GS Vũ Tiến Hồng – ĐH Kansas, Mỹ, nói cùng Tuổi Trẻ như thế trước làn sóng du học của người Việt.

Học ở Việt Nam quá nhiều áp lực

"Tôi cũng từng học trong nước nên tôi không xa lạ với hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhưng cũng vì thế tôi hiểu rõ những áp lực mà học sinh phổ thông Việt Nam phải chịu. 

Khi ra nước ngoài, tiếp cận với một nền giáo dục khác, tôi càng cảm thấy học sinh phổ thông trong nước phải chịu áp lực rất nặng", ông chia sẻ.

* Cụ thể áp lực này là gì, thưa ông?

– Ngoài chương trình và cách tổ chức dạy học, điều kiện dạy học chưa đầy đủ thì tôi thấy có một điểm bất cập rất rõ là kỳ thi cuối cấp. Sự đánh giá hiện nay dồn cả vào kỳ thi cuối cấp phổ thông, đó cũng là căn cứ để học sinh có cơ hội học ĐH hay không.

Điều đó là một áp lực lớn, thậm chí nó sẽ là cú sốc kinh khủng khi thử hình dung tương lai đặt cả vào một kỳ thi mà không ai có thể lường hết những biến cố.

Trong khi ở nước ngoài, sự đánh giá nhìn vào quá trình. Việc tuyển sinh của các trường ĐH cũng có rất nhiều cơ hội, nhiều sự lựa chọn linh hoạt.

Ở Mỹ, hệ thống giáo dục bao gồm cả phổ thông lên đến ĐH luôn cho người học cơ hội làm lại. Các bạn trẻ có thể quyết định học ĐH ở các thời điểm khác nhau. Có thể đi làm một thời gian mới học, có thể đổi từ ngành này sang ngành kia thì ngoài những môn chung, thường học sinh chỉ cần học thêm một số tín chỉ…

GS Vũ Tiến Hồng - Ảnh: V.H.

GS Vũ Tiến Hồng – Ảnh: V.H.

* Ngoài bất cập trong đánh giá, còn có những gì mà ông thấy chưa ổn so với nền giáo dục phổ thông trong nước?

– Là kỹ năng, khả năng tự chủ, độc lập của người học. Kỳ vọng và sự can dự của người lớn vào con đường học tập, hiển thị bằng điểm số, của các bạn trẻ ở Việt Nam quá lớn. Trong khi các bạn ấy cần chuẩn bị nhiều cái khác để tiếp tục học một bậc cao hơn và khởi nghiệp. Ví dụ khả năng hợp tác làm việc nhóm, khả năng tra cứu tài liệu, cách vượt qua những rào cản trong giao tiếp… 

Không phải không có cơ sở khi nhiều trường ĐH ở nước ngoài khi xét học bổng cho sinh viên đã đánh giá cao các trải nghiệm từ hoạt động bên ngoài lớp học của học sinh.

* Các trường ĐH ở Việt Nam bị nhận xét là đào tạo không sát thực tiễn. Liệu đây có phải lý do khiến nhiều người chọn con đường du học không?

– Không ai đưa ra lý do cụ thể như thế với tôi. Nhưng quả là ở các trường ĐH tại Mỹ, việc đào tạo gắn với thực tiễn hơn ở Việt Nam. Nhiều môn học có bài tập là làm các dự án thật, các chương trình cho các công ty, tổ chức, để giúp tăng thêm trải nghiệm thực tế cho sinh viên.

Thích cách "học để làm việc" của nước bạn

Là du học sinh tại ĐH Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức, Đỗ Ánh Ngọc cho biết: "Tôi chọn cách du học để có thể trải nghiệm trọn vẹn không chỉ các giá trị về giáo dục, mà còn lối sống, văn hóa, tác phong làm việc… Tựu trung lại tôi tin rằng mình sẽ được thụ hưởng một không gian giáo dục rộng và cấp tiến hơn.

Sau hơn hai năm học tập tại Đức, tôi tâm đắc nhất không phải là kiến thức, mà là phương pháp. Phương pháp giảng dạy của người Đức thật sự làm tôi ấn tượng. Họ thực dụng đối với tri thức, nghĩa là học để làm chứ không phải để biết. Họ dạy những kiến thức căn bản rất kỹ, giải quyết những vấn đề cốt lõi một cách tường tận.

Đặc biệt là trước họ dạy phương pháp, sau dạy thực hành, nhịp nhàng và hiệu quả. Ngay cả những nhà nghiên cứu, các công trình của họ cũng nhằm giải quyết những bức bách của cuộc sống chứ không phải nghiên cứu rồi để đó. Điều này rất tiếc giáo dục ở Việt Nam lại trái ngược".

Còn Thanh Nhàn – du học sinh tại Bournemouth, hạt Dorset, Vương quốc Anh, chia sẻ: "Chương trình học ở nước ngoài khác hoàn toàn với Việt Nam về phương pháp tiếp cận và sự chủ động của sinh viên với bài giảng. Khoảng cách của giảng viên và sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu khá gần gũi và thân thiện. 

Du học là cơ hội giúp bạn tiếp xúc với nhiều điều kiện vật chất phát triển từ cơ sở hạ tầng đến văn hóa ứng xử và ý thức văn minh của cộng đồng ở những quốc gia này".

Phan Nguyễn Hà Uyên – du học sinh Trường Grossmont College, bang California, Mỹ cũng cho biết mình đã được học với phương pháp giáo dục Việt Nam trong một khoảng thời gian tương đối dài và không thích một vài điểm mà sau này trở thành lý do bạn chọn đi du học. 

"Lý do chính nhất đó là tôi không thích cách học theo khuôn khổ, tức chỉ học theo những gì được hướng dẫn, điển hình như "văn mẫu", Uyên nói.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tuổi Trẻ

Share.

Leave A Reply