Sẵn sàng du học – Mùa hè là mùa trong veo của nắng, của những cánh hoa, mùa của khói đốt đồng sau mỗi vụ lúa thu hoạch mùa chiêm, đặc biệt hơn mùa hè là mùa hoài niệm.
Mùa hè luôn là mùa được mong đợi nhất trong năm đôi với bất cứ ai đã và đang đi qua tuổi trẻ của mình.
Mùa của hoài niệm
“Vì đôi lúc, bạn sẽ thấy rằng:
Tuổi trẻ hay những mối tình của mình
tựa như những mùa hoa đã mãi mãi bay đi..”
Những mùa hoa bay đi – Lynh Miêu
Mùa hè trong ký ức mỗi người luôn là những khoảng màu khác nhau, nhưng chắc hẳn khi nhớ lại từng giai đoạn trưởng thành của mình thì mỗi mùa hè sẽ có nhiều dư vị khác nhau.
Khi chúng ta còn ấu thơ mùa hè là khoảng trời tự do sau một năm học vất vả nay được thỏa thích cùng lũ bạn cùng xóm lang thang khắp hẻm cùng ngõ tận chơi các trò bắn bi, đánh cù…
Mùa hè của lũ trẻ con trong ký ức tuổi thơ ngày ấy chắc hẳn không thể bỏ qua những buổi trưa trốn cha mẹ cùng lũ bạn cùng nhau trộm cóc, ổi, xoài.
Mùa hè giữa các thế hệ giờ cũng khác đi rất nhiều, đối với thế hệ 7X, 8X hay 9X bầu trời tuổi thơ là sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, là những trò chơi dân gian tiếng cười giòn tan mỗi đêm hè, khác hẳn với tuổi thơ của thế hệ sau này là điện thoại, tivi hay mạng xã hội…
Mùa hè cũng là mùa của hồi ức cho những đứa trẻ xa xứ, ngay từ bé bố mẹ đi kinh tế mới nên ở với ông bà.
“Tôi kể với tụi nó nghe về mùa hè tươi đẹp ở Sông Ray năm lớp ba, những cánh đồng bắp bạt ngàn, những rẫy đậu trải dài thênh thang. Xứ đó cái gì cũng khác, từ màu đất cho tới cây trái xung quanh. Quê tôi đất xám bạc màu, còn nơi đó đất đỏ bazan, mùa mưa đến thì sình lầy nhếch nhác. Thứ đất ấy rất bám người. Quần áo, tóc tai, chân tay lúc nào cũng có màu đo đỏ dù mới tắm xong chưa bao lâu".
(Bao giờ cho đến ngày xưa – Tuyền Nguyễn)
Bao giờ cho đến ngày xưa là câu chuyện bình dị về một vùng quê nắng cháy, bình dị, những ngày nắng rơi trên sông; những trái trâm mướt rượt, căng mọng; viên kẹo ú tan chảy ngọt đường những đậm đà… Hay những ngày nực dông bọn trẻ đi gánh nước, ngày mùa khô nứt nẻ thửa ruộng, ngày trời mưa đường làng trơn như bôi mỡ…
Mùa hè còn là mùa trẻ con cùng nhau đọc những cuốn sách ít ỏi mà mình có. Đối với trẻ em thế hệ đầu thì sách luôn là thứ quý giá gối đầu giường được yêu thích của mỗi đứa trẻ. Những cuốn sách như: Hoàng tử bé, Totto Chan bên cửa sổ, Bắt trẻ đồng xanh.. chắc hẳn đã theo nhiều người lớn lên theo thời gian.
Thế rồi tuổi thơ như cánh diều đứt dây bay tít lên nền trời cao vút, đứa trẻ dần lớn lên đôi mắt biết buồn, biết mộng mơ với bao hoài bão. Đó là lúc tuổi thanh xuân đang rực rỡ nhất, biết yêu thương một ai đó ngoài gia đình, anh chị em nhà mình.
Mùa của tuổi thơ, của tình yêu trong trẻo
“Bọn trẻ làng Đo Đo không đo ngày tháng theo thời tiết tự nhiên. Chúng chả bao giờ gọi tên bốn mùa theo cách thông thường.
Một năm của bọn chúng có tới sáu mùa: Mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc la, mùa thả diều, mùa chong chóng.”
(Ngồi khóc trên cây – Nguyễn Nhật Ánh)
Đối với trẻ con thế giới vốn đơn giản, ngay cả cách cảm nhận sự thay đổi của đất trời, mùa vụ mỗi năm cũng theo cách hết sức ngây thơ như vậy. Ngồi khóc trên cây là cuốn sách đầy ý nghĩa viết về tình bạn, tình yêu, tình cảm làng xóm về ngôi làng Đo Đo nghèo nàn trong tiềm thức của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Một câu chuyện tình của cô bé Rùa và chàng trai tên Đông từ thành thị về quê nghỉ hè.
Cả quyển sách là một bản nhạc có nốt trầm, có nốt ngân, cũng có nốt lại bình lặng, hòa quyện vào nhau, dưới cái cảm của con người với cuộc đời, đã khiến cho lòng mê mẩn đến kì lạ.
“Tôi gửi tình yêu cho mùa hè, nhưng mùa hè không giữ nổi. Mùa hè chỉ biết ra hoa, phượng đỏ sân trường và tiếng ve nỉ non trong lá. Mùa hè ngây ngô, giống như tôi vậy. Nó chẳng làm được những điều tôi kí thác. Nó để Hà Lan đốt tôi, đốt rụi. Trái tim tôi cháy thành tro, rơi vãi trên đường về.”
(Mắt Biếc – Nguyễn Nhật Ánh)
Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh là cuốn sách kể về tình yêu, tình bạn sâu sắc luôn ám ảnh bất cứ ai từng đọc qua cuốn sách này. Tình cảm của Ngạn dành cho Hà Lan chưa từng phai mờ theo năm tháng, từ khi còn nhỏ xíu cho đến khi cả hai đã trưởng thành nhưng chẳng thành đôi.
Đọc từ đầu cho đến trang cuối cùng khi gấp sách lại trong trí nhớ mỗi người chắc hẳn là đầy tiếc nuối bi lụy, và đầy câu hỏi chẳng thể trả lời. Câu chuyện được tác giả khắc họa tỉ mỉ từng chi tiết, tâm lý nhân vật được khai thác triệt để, kết hợp với lối kể giản dị, đầy tình cảm lấy đi không ít tiếc nuối cho người đọc.
Tiếc nuối cho Ngạn, cho Hà Lan hay tiếc cho tuổi trẻ, tình yêu của mình?
Mùa của thanh xuân
Chắc hẳn ai cũng có một tuổi trẻ và có lẽ cách giữ tuổi trẻ tốt nhất là để tuổi thanh xuân của mình nằm trong trí nhớ của ai đó?
“Bởi chúng mình nợ nhau một tuổi trẻ, nên sau này nhớ nhau mãi không quên".
(Tôi của mùa hè năm ấy – Choi Soo Huyn)
Tôi của mùa hè năm ấy là tiểu thuyết nhẹ nhàng nhưng đầy cuốn hút của nhà văn Hàn Quốc – Choi Soo Huyn. Nếu ai từng đi qua tuổi thanh xuân, trải qua khoảng thời gian yêu thương gửi trong ngăn hộp bàn thì chắc hẳn không thể bỏ qua cuốn sách này. Một anh chàng lớp trưởng Jee Hee dành 10 năm đẹp đẽ của cuộc đời chỉ để chờ cô nàng lớp phó Jea Lee.
Ngày tốt nghiệp Jee Hee ngỡ rằng họ sẽ lại nhau như lời hứa giống các bạn cùng trang lứa. Nhưng rồi Jea Lee biến mất trong biển người, dù cho anh có cố tìm kiếm thì vẫn là vô vọng. Thế rồi sau 10 năm vô tình gặp lại giữa thành phố đông đúc, 10 năm, một tình yêu, một con người, có lẽ là quá đủ để cảm hóa cuộc đời, cảm hóa định mệnh.
Đôi lúc khi đã lướt qua nhau rồi chúng ta chỉ muốn một lần được quay trở lại những năm tháng ấy, những năm chúng ta còn gần cạnh bên nhau chỉ để nói với nhau rằng:
“Tớ thích cậu từ lâu lắm rồi. Từ khi tớ gặp cậu lần đầu tiên năm 13 tuổi. Tớ chỉ nghĩ suốt về cậu. Thế nên gặp được cậu tớ hạnh phúc vô cùng. Cậu đi khỏi, tớ vẫn sẽ tiếp tục nhớ về cậu như cho đến bây giờ tớ vẫn làm. Tiếp tục chờ cậu quay về…
Vô ích thôi
Chờ đợi là quyền của tớ. Cứ để tớ thích cậu".
(Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào – Ichikawa Takuji)
Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào của tác giả Nhật Bản Ichikawa Takuji là cuốn sách xuyên không đặc biệt. Câu chuyện kể về tình bạn gắn bó của ba nhân vật Toyama Satoshi, Igarashi Yuji, Takigawa Karin từ những năm 14 tuổi cho đến khi trưởng thành, tình cảm tốt đẹp giữa người với người, sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.
Họ cùng nhau trải qua những mùa hè cùng đám thủy sinh dưới cống, cùng nhau trải qua những mùa đông trong “căn phòng khách” được làm từ rác. Họ quan tâm nhau bằng những lời nói thật lòng, bằng những cử chỉ xuất phát từ trái tim.
Thế rồi một ngày Satoshi phải chuyển nhà đi một nơi khác, tưởng chừng sau đó Yuji và Karin sẽ quên cậu, nhưng không. Họ vẫn trao đổi thư từ cho nhau cho đến khi mất liên lạc hoàn toàn.
Nhưng kể cả khi mất liên lạc với nhau, cả ba người vẫn luôn nghĩ đến nhau. Để rồi một ngày nào đó vô tình gặp lại nhau chỉ cần vẫy tay chào và nói “Gặp được cậu tớ vui lắm. Tớ chỉ muốn nói vậy thôi".
Mùa hè mỗi năm trở lại, những mùa hoa rồi cũng sẽ trở lại theo quy luật của đất trời. Nhưng rồi chúng ta ai cũng sẽ lớn lên. Quỹ đạo thời gian mỗi năm lại lặp lại xuân, hạ thu đông nhưng chúng ta chẳng thể tìm lại những phút giây bên cạnh những người thương yêu khi xưa. Bởi mùa hoa của những tháng ngày ấy đã bay đi, bay đi rồi… mãi mãi…
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing