SSDH – Mỗi năm, thương hiệu của nước Mỹ lại thêm “long lanh” và học sinh khắp thế giới lại đổ về đây nhiều hơn để “đính” thương hiệu ấy vào sự phát triển của bản thân.
Mặc cho sự thay đổi về kinh tế và chính trị trên toàn cầu – nước Mỹ vẫn duy trì được đẳng cấp của mình bởi nó dành tặng một món quà đặc biệt gì đó rất riêng cho tất cả mọi người đã đặt chân đến đây.
Nói như người Mỹ – “a melting pot of culture”
Bất kỳ người dân Mỹ nào cũng có thể nói với bạn rằng đất nước họ là một “lò luyện kim” nung chảy và hòa quyện tất cả các nền văn hóa với nhau. Ở Mỹ nếu chia theo ngôn ngữ thì chỉ tính riêng các ngôn ngữ thuộc Châu Á đã có đến 15 nhóm lớn. Không bàn về nhiều hay ít là tốt hơn hay xấu hơn – nhưng để đưa tất cả các nền văn hóa về làm “hàng xóm” của nhau – người Mỹ có lẽ đã phải rút ra nhiều bài học hơn chúng ta để tất cả các “hàng xóm” này có tiếng nói chung.
Bài học đầu tiên của rất nhiều người khi đặt chân đến Mỹ là “Don’t be ignorant! Embrace other cultures!”. Nếu người Philippines, Ấn Độ ăn bằng tay, đừng cười họ. Nếu người Trung Quốc cảm ơn bạn thái quá, đừng chế giễu. Nếu ai đó đến từ Châu Phi bắt tay bạn hơi lâu, đừng phản ứng. Nếu người Pháp chào và hôn vào má bạn, đừng nhăn mặt! Nếu người Ý chào, ôm bạn và đứng sát, đừng tỏ ra bị xúc phạm. Không có nền văn hóa nào thấp kém hơn; và học về các nền văn hóa khác chính là bài học giáo dục đầu tiên.
The American dream – giấc mơ nước Mỹ
Rất nhiều người dân Mỹ theo đuổi giấc mơ này. Khái niệm giấc mơ nước Mỹ giờ đã quen thuộc bắt nguồn từ Bản tuyên ngôn độc lập của họ. “Tất cả mọi người được tạo ra bình đẳng”. “Quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Vì tất cả mọi người là bình đẳng nên giàu hay nghèo, quý tộc hay không, xuất thân nô lệ hay tự do và các ngành nghề đều được coi trọng; miễn là một người đóng góp cho xã hội.
Một “giấc mơ nước Mỹ” thành hiện thực trung bình ở Mỹ những năm 50 và 60 là một gia đình 4 người sống trong một ngôi nhà 2 tầng, có vườn nhỏ hàng rào chạy quanh và chiếc xe ôtô.
Các cư dân của thế giới luôn được nghe về các tấm gương từ “bùn đất” đặt tay vào vinh quang trên đất nước Mỹ. Đó là Thomas Edison, Barrack Obama, Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg… và rất nhiều tên tuổi khác nữa hằn sâu thương hiệu của nước Mỹ. Những thành công của họ có một điểm chung là dựa trên nền tảng xã hội rất tiến bộ nơi con người được trân trọng bởi giá trị họ cống hiến chứ không phải màu da, xuất thân hay những mối quen biết họ có.
Một góc nào đó cho mỗi con người
Mặc dù Mỹ là một quốc gia non trẻ nhưng 200 năm tuổi đầy chông gai của họ đã nhào nặn nên một bản sắc khá độc đáo. Người ta tìm thấy ở nước Mỹ vòng tay chào đón mọi nền văn hóa và ít sự lảng tránh những gì là mới lạ và khác biệt. Đó là bởi người Mỹ hiểu rằng họ có đủ mọi điều kiện để giúp bất kỳ cá nhân nào hòa nhập, tôi luyện và thành tài. Từ thành phố lớn đến thị trấn nhỏ, từ vùng đất tuyết trắng Alaska đến điều kiện khí hậu ấm mát quanh năm California, là những điều kiện sống phong phú nuôi dưỡng những cá nhân dựng “nghiệp”.
Một New York bận rộn của những con phố 8-10 làn đường, những tòa nhà đứng dưới chân không thể thấy đỉnh, và những chiếc taxi màu vàng chạy như nước lũ.
Một Missouri thong thả của những cánh đồng mênh mông bất tận nằm dài dưới những đám mây hờ hững trôi trên nền trời xanh thẳm. Để gặp gỡ hỏi thăm người hàng xóm của mình, bạn có thể lái xe ôtô 15 phút qua vài con đồi.
Một California nhiệt đới và tươi tắn trong ánh nắng dịu dàng. Các bãi biển của California nổi tiếng về cảnh đẹp và sự duyên dáng luôn quyến rũ du khách từ khắp nơi.
Vậy để chạm một tay tới thương hiệu của nước Mỹ, người ta làm gì? Câu trả lời là từ khoảng thế kỷ 15, các dòng người từ khắp các châu lục đổ về đây để đeo đuổi giấc mơ Mỹ; và cho đến nay, khi chính sách về di dân đã ổn định dần, cư dân thế giới tìm giấc mơ nước Mỹ cho bản thân khác với thế hệ trước đó. Đưa hết cả gia đình, vợ chồng và con sang Mỹ sống không còn là mốt nữa. Họ bắt đầu sang Mỹ để học.
Một dãy vô tận các chương trình giáo dục
Các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ rộng mở đón các học sinh, sinh viên quốc tế với vô số lựa chọn các chương trình học. Chính vì con số các trường đại học và cao đẳng đáng kính nể (hơn 4,000 trường), một bạn học sinh có thể lựa chọn cho bản thân mình các chương trình học độc đáo tại một trường và vẫn có thể lọc được ra nhiều trường khác với một chương trình giáo dục tương tự trong trường hợp muốn chuyển. Trong thời đại công nghệ thông tin, sự linh động là số 1.
Số lượng là đáng kinh ngạc, nhưng chưa bằng chất lượng của các trường tại Mỹ. Trang web The World University Rankings – chuyên xếp hạng các trường đại học của thế giới – gói gọn đẳng cấp giáo dục của đất nước hợp chủng quốc này trong một bài thống kê mang tên “Tốt nhất của những nơi hàng đầu”. Những thông tin đưa ra trong bài thống kê được gói gọn trong hình vẽ phía dưới đây. Trong 200 trường được đánh giá là chất lượng nhất thế giới thì đã có đến 72 trường là của nước Mỹ.
Để duy trì sự hấp dẫn và chất lượng giáo dục của mình, các nhà làm luật của Mỹ ngày một coi trọng các chính sách giáo dục hơn; đặc biệt là các Tổng thống những nhiệm kỳ gần đây. Ông Obama khi nhậm chức đã thực hiện hai việc đó là: 1 – duy trì thời gian OPT (thời gian được phép làm việc thực tế sau tốt nghiệp của một sinh viên nước ngoài) cho các ngành khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán tối đa là 29 tháng thay vì chỉ 12 tháng của nhiều vị Tổng thống tiền nhiệm. Và chính sách thứ 2 của ông là mở rộng các loại ngành học được phép sử dụng thời gian cho OPT như trên – đó là các ngành công nghệ đất vi sinh, công nghệ và ứng dụng đồ họa, khoa học thực phẩm sữa (dairy science), khoa học thần kinh… Nhiều ý kiến bảo thủ đã cho rằng Obama làm như vậy là tạo ra sự cạnh tranh không công bằng và đẩy những sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp vào tình trạng thất nghiệp, trên thực tế, kết quả ngược lại, nó giúp các thanh niên Mỹ phải tự trau dồi để có thể cạnh tranh và phát triển.
Chính vì có tài nguyên, con người, hệ thống luật pháp chặt chẽ và những cá nhân xuất sắc, nước Mỹ sẽ tiếp tục là một điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với tất cả những ai ấp ủ giấc mơ vươn tới thành công, tiền bạc và sự nổi tiếng hay đơn giản chỉ là nâng tầm bản thân bằng tri thức. Có rất nhiều bộ phim làm về những triệu phú đô la đi lên từ bàn tay trắng đã được thực hiện – những câu chuyện với tính giáo dục sâu sắc và những bài học cuộc đời xúc động. Không hề ngẫu nhiên mà những con người đó chúng ta xem trên màn ảnh đều là người Mỹ. Và cũng không hề ngẫu nhiên mà họ cũng biến số 0 của bản thân thành số 1 và sáu số 0 theo ngay tại đất Mỹ.
Nào, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ: mình đã có giấc mơ Mỹ? Đã sẵn sàng cho các thử thách và khám phá bản thân?
Hãy tự tin và chúc các bạn thành công!
Thục Uyên (SSDH) – Theo Temple University, PA, USA