Học ngoại ngữ: Hãy đọc từ điển như một cuốn tiểu thuyết

0

SSDH – Rất nhiều người khi học một thứ ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ gặp không ít khó khăn với cuốn từ điển “ngồn ngộn” chữ với vài trăm nghìn từ. Tuy nhiên, hiếm ai nhận ra rằng việc thuộc nằm lòng cả quyển sách khổng lồ ấy thật ra không phải nhiệm vụ bất khả thi.

 

Nếu bạn học một thứ tiếng dưới hình thức học ngoại ngữ thì thường không thể tránh khỏi việc sử dụng một học liệu vô cùng quan trọng: Cuốn từ điển (dictionary). Cũng giống như khi học Hóa học thì “Bảng tuần hoàn các nguyên tố” là vật bất ly thân, từ điển là nguồn cung cấp không chỉ từ vựng mà là cả cách sử dụng chúng, giúp cho bạn có được cái nhìn “sơ khai” nhất về ngôn ngữ mà bạn đang học.

 

Học ngoại ngữ: Hãy đọc từ điển như một cuốn tiểu thuyết

‘Ngốn” hết cuốn từ điển không hề khó nếu bạn coi đó là niềm vui

 

Nhiều người học tập trung vào các kĩ năng như văn phạm hay giao tiếp và từ điển chỉ đóng vai trò là công cụ để tra nghĩa của những từ mà họ chưa hiểu. Quan điểm này không sai vì đó cũng chính là mục đích sản xuất ra từ điển (tra cứu từ vựng) nhưng sẽ hữu dụng hơn rất nhiều nếu bạn biết tận dụng công cụ này làm cuốn sách gối đầu giường của mình.

 

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng với tiếng Việt, bạn hầu như chẳng bao giờ cảm thấy khó khăn khi sử dụng từ ngữ để diễn đạt những ý mình muốn nói và trao đổi với những người xung quanh còn với một ngôn ngữ mới, như tiếng Anh chẳng hạn thì lại khác hoàn toàn? Câu trả lời là vì trong đầu bạn đã có sẵn một cuốn từ điển Việt ngữ, khi cần là từ ngữ chính xác sẽ xuất hiện ngay. Còn với tiếng Anh thì bạn lại mất thời gian cầm từ điển lên để tra xem từ mới gặp có nghĩa gì. Đây là giai đoạn hiển nhiên khi học ngoại ngữ nhưng khác nhau ở chỗ: Bạn sẽ dễ thuộc từ hơn nếu đã từng lướt qua chúng hơn là mới “chạm mặt” lần đầu tiên.

 

Con người giao tiếp chủ yếu qua ngôn ngữ và những câu bạn nói ra dù được thể hiện qua hình thức miệng hay văn bản đều có thể ví như một công trình, trong công trình đó thì từ vựng đóng vai trò như những viên gạch đặt nền móng cho thành quả của bạn. Do đó, đừng bao giờ coi nhẹ tầm quan trong của việc học thuộc lòng số từ vựng nhiều nhất bạn có thể.

 

Trong truyện Đôrêmon, nhiều người ấn tượng với một món bảo bối của chú mèo máy là “bánh mì giúp trí nhớ”. Chỉ cần ấn bánh lên mặt sách để “scan” lại nội dung, sau đó ăn bánh là bạn có thể nhớ hết một cuốn sách. Trên thực tế, để làm được điều đó mà không cần sự trợ giúp của thiết bị tưởng tượng nào là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Bí quyết là ở chỗ: “Mưa dầm thấm lâu”.

 

Nếu là fan của Harry Potter thì chắc sẽ có không ít người giống như bạn đọc đi đọc lại cả 7 cuốn truyện dày cộp khiến cho ai có sở thích “ngoại đạo” phải ngao ngán. Cũng tương tự như khi “luyện” một series phim yêu thích đến cả chục lần hay replay nát cái máy nghe nhạc để thưởng thức một bài duy nhất của T-ARA. Những việc làm đó vốn dĩ đến từ niềm vui và vô thức những bạn không thể phủ nhận được rằng: Sau một quảng thời gian “ăn ngủ” với sở thích ấy, bạn đã vô tình “tiêu hóa” luôn những gì mình đã đọc và nghe.

 

Học ngoại ngữ: Hãy đọc từ điển như một cuốn tiểu thuyết

 

Xem phim chuyển thể, dù tới hơn ngàn trang với cả núi chi tiết nhỏ nhưng bạn đã có thể biết ngay trong phim những chi tiết nào đã bị cắt xén hay thay đổi, thậm chí lẽ ra trong cảnh này lời thoại phải chi tiết ra sao. Tương tự như vậy, khi học ngoại ngữ, bạn hãy cố tìm cho mình một niềm đam mê và để bản thân “buông thả” không biết mệt mỏi trong những trang sách từ điển đầy mê hoặc. Bỏ qua một bên chiếc bút highlight để đánh dấu từ vựng hay cuốn tập ghi chép, hãy cứ “ám thị” mình rằng đó là cuốn sách gối đầu giường và đọc từ đầu tới cuối với niềm đam mê. Khi đọc qua từng dòng, bạn có thể ráp nối các từ liên quan bằng cách thử đặt các câu đơn giản theo cấu trúc S-V-O nhưng tuyệt đối đừng đặt một áp lực nào lên bản thân, không phải bạn đang học mà là đang “relax”.

 

Sau khi đọc xong hêt cuốn từ điển từ A tới Z ( Với từ điển Oxford 145.000 từ có thể mất khoảng 15 ngày tùy theo thời gian của bạn) thì hãy … đọc lại lần nữa. Bạn không phải thánh nhân để có thể nhớ hết cả núi từ vựng như vậy khi chỉ đọc lướt qua nhưng sự thật bộ não của bạn sẽ ghi lại một các tương đối chắc chắn khoảng 5% trong số đó và tới 30 % sẽ ở trạng thái vague (mơ hồ). Nghĩa là từ vựng đó đã thuộc quyền sở hữu của bạn, chỉ có điều không rõ ràng và cần một tác nhân giúp bạn nhớ ra. Cũng giống như khi bạn quên tên hay số nhà một người mới gặp, khi được nhắc lại sẽ nhớ ra ngay và từ lần thứ 2 này thì thường… khó phải nhòa.

 

Không chỉ thuộc từ vựng, bạn sẽ còn nhận ra được nét đẹp của ngôn ngữ mà mình học, khám phá ra những quy tắc về chính tả, ngữ pháp mà trước đây bạn luôn nghĩ là nhàm chán khi học trên trường lớp. Những vấn đề như tiền tố, hậu tố, từ mượn, nguồn gốc từ, ngôn ngữ chuyên ngành khoa học, tiếng lóng, thành ngữ, tiếng địa phương… sẽ lần lượt đi vào nhận thức của bạn một cách tự nhiên và sau khoảng 3 lần đọc cuốn sách “bá đạo” đó, bạn sẽ thấy ngạc nhiên với thành quả mà mình đạt được. Khi đọc bất cứ một văn bản nào bằng ngôn ngữ đó, dù không thể hiểu chính xác nội dung chi tiết nhưng với vốn từ mà bạn đã tích lũy thì chí ít có thể đoán ra ngữ cảnh và ý muốn của người viết.

 

Học ngoại ngữ: Hãy đọc từ điển như một cuốn tiểu thuyết

 

Với phương pháp học kiểu “nhồi sọ tự nguyện” này, bạn có thể dùng từ điển giấy truyền thống (nên là từ điển song ngữ như Anh Việt hay Anh-Anh-Việt) hoặc từ điển điện tử ( là một app cài đặt trong smartphone chứ không nên sử dụng kim từ điển) có từ vựng phong phú, nhiều thuật ngữ chuyên ngành với lối giải thích dễ hiểu, xúc tích. Đặc biệt các cuốn từ điển có sử dụng hình ảnh minh họa giải thích ý nghĩa của từ nên là lựa chọn số một vì sự trực quan sẽ mang đến hiệu quả gấp đôi.

 

Cuối cùng, không có con đường nào là dễ dàng và trải thảm hoa hồng cho bạn đi, việc học cũng vậy. Điều quan trọng là bạn có thể biến khó khăn thành niềm vui và động lực cho mình để vươn tới thành công.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Phố Núi Pleiku

Share.

Leave A Reply