Học sinh New Zealand không sợ trượt Đại học

0

Sẵn sàng du học – Tại Việt Nam, cánh cửa ĐH được xem như con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công. Tuy nhiên, tại New Zealand, phần lớn học sinh lại không chọn vào ĐH, thay vào đó, họ nộp hồ sơ vào các học viện kỹ nghệ với mong muốn nắm chắc nghề trong tay với thời gian ngắn.

Cần “thợ” hơn “thầy”

New Zealand có 8 trường đại học và 16 học viện kỹ nghệ (ITPs) cùng hơn 500 cơ sở giáo dục tư nhân (PTEs), việc trường nghề gấp đôi trường ĐH cho thấy xu hướng cần người làm nhiều hơn so với người dạy của quốc gia này.

Tại đây, Học viện kỹ nghệ (ITPs) và trường đại học (University) được đánh giá hoàn toàn bình đẳng về chất lượng đào tạo và bằng cấp. Điểm khác biệt duy nhất là ở định hướng của người học sau khi ra trường. Tại ITPs, hướng đi của sinh viên chủ yếu là học các kĩ năng thực tiễn trong nghề để ứng dụng vào công việc thực tế. Ví dụ học làm phim, chế tạo máy, dạy trẻ mầm non, xây nhà, làm cầu đường… Ngược lại, tại các trường đại học, hướng đi chủ yếu của nhiều sinh viên thiên về học kiến thức nền tảng, sau đó đến nghiên cứu cơ bản và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học thật sự, chú trọng vào các nhóm kiến thức mang tính hàn lâm như Toán, Vật Lý, Nhân học, Văn hóa học, Nghệ thuật học…

hoc-vien-ky-nghe

Tại Học viện kỹ nghệ, sinh viên chủ yếu là học các kĩ năng thực tiễn trong nghề để ứng dụng vào công việc thực tế. Ảnh: internet

Hoàng Nam (sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật – Ara Institute of Canterbury) chia sẻ: “Học hỏi từ những giảng viên có trải nghiệm thực tế vô cùng thú vị. Chúng em không chỉ được học trong lớp, ví dụ, đối với bài luận điều tra một địa điểm, chúng em thực hiện một cuộc điều tra địa chất thực sự tại khu vực đã bị tàn phá trong trận động đất mùa hè rồi để chuẩn bị cho việc tái xây dựng khu đó. Nhờ những trải nghiệm như vậy, em đã kiếm được cho mình một công việc khi còn chưa tốt nghiệp”.

Không như hệ thống trường nghề ở nhiều quốc gia khác nơi mà học viên sau khi tốt nghiệp thường có bằng trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề, sinh viên tốt nghiệp từ ITPs ở New Zealand hoàn toàn có thể có được tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ để sẵn sàng cho một tương lai triển vọng. Theo khung văn bằng do Cơ quan Quản lý bằng cấp New Zealand (New Zealand Qualification Authority) quy định, các bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ của các trường đại học và của các ITPs là như nhau về mặt “cấp độ” (Level).

Vì là quốc gia còn “trẻ”, dân số chỉ vài triệu dân nên nhu cầu về người làm nghề luôn rất cao. Chính vì thế, chính phủ New Zealand cũng đặt ra mức học phí ITPs thấp hơn so với đại học nhằm tăng cường số lượng người lao động lành nghề trong xã hội. Học phí tại ITPs thường dao động từ khoảng 15.000 – 20.000NZD/ năm (240 triệu – 320 triệu đồng) (so với đại học khoảng 18.000 – 25.000NZD/năm (288 triệu – 400 triệu đồng)).

Định hướng nghề từ THPT

Ngay từ khi còn học THPT, học sinh New Zealand đã biết mình cần gì và muốn gì. Nếu bạn thích nghiên cứu khoa học, chú trọng vào các nhóm kiến thức mang tính hàn lâm như toán, vật lý, nhân học, văn hóa học, nghệ thuật học…, bạn thuộc về các trường ĐH. Ngược lại, nếu bạn thích học kỹ năng thực tiễn trong nghề để ứng dụng vào công việc thực tế, bạn thuộc về ITPs. Hầu như không có sự phân biệt đẳng cấp nào giữa trường ĐH hay Học viện kỹ nghệ khi học sinh New Zealand tham gia tuyển dụng, nhờ đó sự lựa chọn trường học của các em luôn dựa vào sở thích và thế mạnh của bản thân. Do đó, trượt ĐH không phải là vấn đề quá lớn lao hay “thất bại cuộc đời” đối với học sinh tại đây.

ong-Ben-Burrowes

Ông Ben Burrowes – Giám đốc Marketing và Quan hệ Chiến lược Khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Giáo dục New Zealand chia sẻ về hình thức chọn trường ĐH và trường nghề tại New Zealand. Ảnh: NVCC

Theo Ông Ben Burrowes (Education New Zealand – ENZ) – Giám đốc Marketing và Quan hệ Chiến lược Khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Giáo dục New Zealand tại quốc gia này hầu như không có tình trạng thất nghiệp, nhờ có sự phối hợp của cả các trường ĐH và Học viện kỹ nghệ mà lực lượng lao động đồng đều, vững chắc, vừa có những nhà khoa học xuất sắc, vừa có những kỹ nhân đỉnh cao để phát triển đất nước.

Lê Kim An Nhiên sinh viên hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ ngành Truyền thông Quốc tế tại Unitec – New Zealand học hỏi được nhiều về định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT của New Zealand. Ảnh: NVCC

Lê Kim An Nhiên sinh viên hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ ngành Truyền thông Quốc tế tại Unitec – New Zealand học hỏi được nhiều về định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT của New Zealand. Ảnh: NVCC

Lê Kim An Nhiên sinh viên hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ ngành Truyền thông Quốc tế tại Unitec – New Zealand cũng chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ khi chọn ngành Xã hội học bản thân cũng khá hoang mang vì lo sợ ngành này sau khi ra trường sẽ thất nghiệp. Không chỉ riêng tôi, bạn bè chọn ngành này cũng phần nhiều muốn gắn mác sinh viên ĐH trong khi định hướng tương lai vô cùng mờ mịt. Đến khi theo học tại New Zealand, tôi mới phát hiện ra việc định hướng nghề của họ từ THPT rất tốt, học sinh lựa chọn hoàn toàn từ mong muốn và khả năng của bản thân. Theo tôi, chính sự phân biệt đẳng cấp giữa trường ĐH và trường nghề mới khiến tại Việt Nam tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” xảy ra nhiều như vậy”.

Thái Hải (SSDH) – Theo Đời sống & Pháp lý

Share.

Leave A Reply