Hướng dẫn du học sinh Việt Nam tìm việc làm thêm tại Úc từ A-Z

0

Sẵn sàng du học – Visa du học (visa 500) của Du học sinh Úc có quyền làm thêm trong thời gian cho phép chính bởi vậy hãy tận dụng và tìm được cơ hội việc làm thêm phù hợp cho mình để có thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm đáng có nhé!

 

ssdh-sinh-vien-suy-nghi

Sinh viên nước ngoài tại Úc có thể làm việc tới 40 giờ/2 tuần trong học kỳ, trong dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, du học sinh được phép làm việc không giới hạn giờ. Đây chính là khoảng thời gian để bạn kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt trong khi vẫn đảm bảo tập trung vào việc học. Trước khi tìm bất kỳ công việc được trả lương nào, bạn cần đảm bảo visa của mình được phép làm việc bằng cách tra cứu nhanh tại trang web của Bộ Nội Vụ Úc.

Phân biệt Casual Job và Part-time Job khi làm thêm ở Úc

Casual Job là hình thức làm thêm tại các cửa hàng theo thoả thuận làm việc với chủ cửa hàng, nhận lương bằng tiền mặt và thường không trả đúng mức lương tối thiểu mà chính phủ quy định. Khi làm những công việc này, bạn cũng không được hưởng quyền lợi bảo hiểm lao động mà lương chỉ được tính theo số giờ mà bạn làm việc.

Cũng như ở nhiều nước khác, công việc phổ biến nhất của các du học sinh Việt Nam là chạy bàn, phụ bếp cho các nhà hàng châu Á. Đây là dạng công việc điển hình của hình thức làm thêm casual-job. Bên cạnh các quán ăn châu Á, một số bạn không thạo tiếng hoặc chưa đủ tự tin làm việc với người nước ngoài cũng chọn khuân vác ở các cửa hàng, chợ Việt Nam để kiếm thêm.

Trong khi đó, những công việc part-time đích thực sẽ cho phép bạn được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm lao động và được hưởng mức lương tối thiểu đúng với quy định của chính phủ.

Cần lưu ý gì khi làm thêm tại Úc?

Phải xác định: “Đây chỉ là công việc làm thêm”

Nhiệm vụ chính của bạn khi du học Úc là học tập và hoàn thành khóa học của mình hiệu quả. Việc sa đà vào việc làm thêm ở Úc sẽ chiếm hết thời gian học tập trên trường của bạn. Hãy chỉ xem công việc làm thêm ở Úc như một hoạt động bổ trợ cho việc học của bạn, đây là cơ hội để bạn giao lưu văn hóa, nâng cao khả năng Anh ngữ và hòa nhập nhanh với môi trường sống tại đây. Đặt việc học lên hàng đầu và vận dụng những kinh nghiệm thực tế của việc làm thêm để hỗ trợ cho học tập đạt hiệu quả.

Vậy quyền lợi hợp pháp của sinh viên quốc tế khi làm việc bán thời gian tại Úc ra sao?

Mọi cá nhân làm việc tại Úc bao gồm cả sinh viên quốc tế, đều được hưởng quyền lao động cơ bản. Những quyền lợi này nhằm đảm bảo bạn không bị bóc lột và phân biệt so với lao động bản xứ, chẳng hạn bạn sẽ được làm việc trong một môi trường an toàn, được hưởng mức lương, hưu trí, ngày phép, và bảo hiểm lao động xứng đáng với công sức bỏ ra. Bạn cũng nên đăng ký Mã số thuế (TFN) từ Cục Thuế Úc để đảm bảo bạn không bị thu thuế ở mức cao. Quá trình nhận lương, trả thuế, và tiền hưu trí cũng sẽ dễ dàng hơn nếu bạn mở một tài khoản ngân hàng.

Sinh viên làm thêm cũng được lương hưu?

Quỹ hưu trí hay còn được biết đến như Superannuation, hoặc “Super”. Thật vậy, dù là nhân viên bán thời gian, sẽ có những công ty đóng góp ít nhất 9,5% thu nhập của bạn vào quỹ hưu trí. Là một sinh viên quốc tế, bạn có thể mang theo khoản tiền “Super” này về nước. Thêm 1 lý do để cố gắng tìm các công việc part time chất lượng và đăng ký mã số thuế. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách lấy lại Super tại trang web của Cục Thuế Úc.

Mức lương tối thiểu khi đi làm thêm tại Úc là bao nhiêu?

Như đã nói trên, những công việc làm thêm hợp pháp sẽ cho phép người làm nhận được các quyền lợi như tích quỹ lương hưu, có bảo hiểm lao động, và được trả lương tối thiểu đúng quy định (khoảng 18,93 AUD/ giờ). Sử dụng thành thạo tiếng Anh, bạn có thể thử xin việc khảo sát thị trường qua điện thoại hay khảo sát ngoài trời. Chưa kể thù lao của công việc này khá cao so với mặt bằng hiện tại (khoảng 22 – 26 AUD/giờ).

Có những công việc làm thêm phổ biến nào dành cho du học sinh tại Úc?

Bán lẻ: Du học sinh thường tìm tới những tiệm cà phê, thức ăn nhanh (Mc Donalds, KFC,…), hay Starbucks xin làm phục vụ. Các vị trí nhân viên bán hàng, xếp đồ, hoặc đóng gói tại bất kỳ loại cửa hàng bán lẻ, từ quần áo đến đồ điện tử khá phổ biến tại Úc. Nơi tuyển dụng bạn có thể là một cửa hàng nhỏ, một chuỗi cửa hàng tiện dụng, và cả các chuỗi siêu thị quy mô.

Dịch vụ: Một số nơi bạn có thể thử tìm công việc liên quan đến mảng dịch vụ là rạp chiếu phim, nhà hàng, quán bar, khách sạn, các trung tâm thể dục thể thao. Bạn cũng có thể làm ở trạm xăng, hay tổng đài chăm sóc khách hàng, khảo sát thị trường. Những công việc này có thể yêu cầu bạn phải có một số kinh nghiệm hoặc chứng nhận trước đó. Ví dụ, để làm pha chế tại Úc, bạn buộc phải trải qua một khoá đào tạo xoay quanh vấn đề trách nhiệm với rượu RSA (Responsible Service of Alcohol). Lợi thế là khoá đào tạo này hoàn toàn có thể được hoàn thành từ việc học trực tuyến.

Việc làm thêm gắn liền với ngành học: Bạn cũng có thể kiếm được việc làm ngay trong khu học xá hoặc các doanh nghiệp, cơ quan địa phương. Chẳng hạn, một sinh viên truyền thông có thể làm việc bán thời gian tại đài truyền hình hoặc đài phát thanh địa phương, hay sinh viên ngành luật có thể đầu quân vào bộ phận cố vấn luật pháp cho sinh viên quốc tế về các vấn đề thị thực, đăng ký thẻ cư trú chẳng hạn. Tất nhiên là những công việc này có số lượng ít và tỉ lệ cạnh tranh cũng cao hơn.

 

ssdh-sinh-vien-part-time-job

Du học sinh Úc tìm việc làm thêm bằng cách nào?

– Đọc báo và các trang tìm việc trực tuyến. Trên các báo thường có mục tuyển dụng nhân viên toàn thời gian cũng như bán thời gian, bạn có thể tìm hiểu và nộp hồ sơ tuyển dụng. Nếu có sẵn Internet, hãy vào những trang tìm việc trực tuyến của Úc như: https://www.careerone.com.au/, https://www.seek.com.au/, http://mycareer.com/ để tìm công việc ưng ý.

– Một số trường cung cấp bảng thông báo công việc trong trường cũng như công việc trực tuyến. Hãy liên hệ với nhân viên hỗ trợ sinh viên du học Úc của trường bạn để tìm ra những công việc mà trường bạn tuyển.

– Đăng ký thông tin chi tiết của bạn tại mục tuyển dụng của công ty. Những thông tin này giúp chúng ta có được công việc thời vụ hay bán thời gian.

– Đi quanh thành phố và nộp hồ sơ là cách tốt nhất giúp bạn kiếm được công việc trong ngành dịch vụ. Bạn nên vào hẳn các nhà hàng, quán bar và hỏi trực tiếp người quản lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần ghi rõ vị trí công việc cụ thể phù hợp nhất với bạn.

Một số kinh nghiệm tìm việc làm thêm tại Úc:

Chuẩn bị hồ sơ

Đầu tiên hãy soạn sẵn cho mình một hồ sơ sơ yếu lý lịch thật hoàn hảo, đừng lo lắng về khoản kinh nghiệm, hãy cứ “bịa” ra một lý lịch rằng bạn đã làm việc ở đâu ở đâu và thể hiện trong CV dù bạn là sinh viên đại học, có nhiều kiến thức chuyên ngành nhưng vẫn sẵn sàng làm nhiều công việc khác nhau để trau dồi thêm kinh nghiệm.

Một số điều bạn không nên viết vào hồ sơ sơ yếu lý lịch:

Điểm IELTS – Không cần show cả điểm IELTS đâu nhé.

Quốc gia/quốc tịch/ dân tộc/ chiều cao/ cân nặng/ sở thích/Photo công chứng các thể loại chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường thấy trong hồ sơ xin việc ở Việt Nam  – Những thứ quá cá nhân hãy bỏ đi, không ai có nhiều thời gian để đọc hết những thứ ấy.

Nên thêm vào: Kinh nghiệm – Kinh nghiệm làm việc rất quan trọng, nếu đã từng có kinh nghiệm làm việc part-time hay tham gia các hoạt động hướng nghiệp, đừng ngại viết hết vào để làm đẹp thêm hồ sơ của mình.

Việc làm

Để làm việc hợp pháp tại Úc, bạn cần có một mã số thuế. Du học sinh tại Úc không cần xin giấy phép đi làm, nhưng bạn cần có mã số thuế. Mặc định visa du học của bạn sẽ cho phép bạn làm 20h/ tuần trong thời gian đi học và toàn thời gian trong kỳ nghỉ ở bất cứ ngành nghề và công việc nào. Việc đăng ký mã số thuế rất dễ và hoàn toàn miễn phí, chủ doanh nghiệp tại Úc có nghĩa vụ đóng tiền thuế cho bạn (trừ qua lương). Đến cuối năm tài chính (tháng 7) bạn có trách nhiệm phải đi khai thuế, bạn hoặc sẽ được nhận lại tiền thuế dư hoặc phải đóng thêm nếu trong năm đóng thiếu. Nói như vậy để bạn biết rằng đóng thuế là nghĩa vụ, và việc đóng thuế không hại mà chỉ có lợi. Link đăng ký: https://www.ato.gov.au/individuals/tax-file-number/apply-for-a-tfn/foreign-passport-holders,-permanent-migrants-and-temporary-visitors—tfn-application/

Tiếp theo nếu các bạn muốn làm trong lĩnh việc nhà hàng, ăn uống, nói chung là waiter, waitress, bartender… hãy bỏ ra khoảng $100-120 để lấy chứng chỉ RSA. Có chứng chỉ này bạn mới được phép phục vụ rượu trong nhà hàng và quán bar, và đương nhiên có nó, cơ hội việc làm của bạn sẽ nhiều hơn. 

Nếu bạn muốn làm trong lĩnh vực đòi hỏi sự an toàn, hãy bỏ ra ít tiền học lấy White card, chỉ mất khoảng 1-2 ngày là bạn có thể lấy được một trong những chứng chỉ này. Nếu bạn cảm thấy tiếc tiền có thể bỏ qua cái này.

Không có RSA và White Card không có nghĩa là bạn không xin được việc, mà chỉ là khi có nó, cơ hội của bạn tìm được công việc tốt sẽ nhiều hơn mà thôi.

Đánh giá các website tìm việc uy tín tại Úc

1. Seek.com.au | Có thể nói đây là trang web tìm kiếm có số lượng công việc được quảng cáo nhiều nhất ở Úc, từ việc văn phòng đến chân tay, lương thấp đến lương cao đều có. Với Seek bạn tạo một hồ sơ, đăng sơ yếu lý lịch lên và lựa chọn các công việc sao cho phù hợp với tiêu chí của bạn như kinh nghiệm, mức lương, vị trí sau đó tải ứng dụng về điện thoại, mỗi ngày lên đều có việc mới. Khi được gọi đi phỏng vấn, bạn nên tận dụng cơ hội đến nhiều buổi phỏng vấn nhất có thể, vì bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ đây, bạn sẽ biết nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những câu hỏi gì, và cách mà họ phỏng vấn, rất có lợi cho các bạn sau khi tốt nghiệp.

2. Gumtree.com.au | Trang này không chỉ tổng hợp về việc làm mà còn cả về nhà ở, rao vặt… vào trang này bạn bạn sẽ thấy thanh tìm kiếm 'I'm looking for…' type vào đây cái mà bạn tìm kiếm, ví dụ Waiter, Waitress … Khi tìm được kết quả phù hợp, bạn nên gọi trực tiếp để trao đổi và đừng ngại ngùng gì cả.

3. Airtasker.com &  Freelancer.com | Đây là 2 trang web đăng các thể loại công việc tự do từ việc đi chợ hộ, đến thiết kế website, logo…bạn cần cạnh tranh với các người tìm việc khác bằng cách ‘bidding' đấu giá.

4. Các diễn đàn hội sinh viên | Các công việc như nhà hàng Việt, Nails… thường được đăng rất nhiều trên các hội sinh viên.

Cuối cùng là, khi các bạn đã xin việc việc và trong quá trình làm việc, hãy chắc chắn rằng bạn nắm rõ các quyền lợi của mình và tổ chức nào sẽ bảo vệ bạn khi có vấn đề xảy ra. Chẳng bạn bạn bị bóc lột, quỵt lương đừng im lặng mà hãy lên tiếng cho chính quyền lợi của bạn. Gọi ngay cho Fair Work Ombudsman, liên hệ trực tiếp hoặc gửi yêu cầu điều tra ẩn danh qua website của họ. Đừng quá lo lắng khi làm việc với các cơ quan chính phủ tại Úc, khi bạn làm việc hợp pháp, quyền lợi chính đáng của bạn sẽ được bảo vệ.

SSDH Team

Share.

Leave A Reply