Sẵn sàng du học – Thiên tài không hẳn là năng lực trời phú mà đấng tạo hóa ưu ái dành cho một số người. Thiên tài thực sự có thể hình thành được nếu dùng phương pháp luyện tập có chủ ý.
Đó chính là thông điệp mà hai tác giả cuốn sách Peak- Những ảo tưởng về thiên tài muốn truyền đạt đến độc giả.
Thiên tài không hẳn là thiên bẩm
Anders Ericsson, một trong hai tác giả của cuốn sách là học giả người Thụy Điển, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tâm lý chuyên môn và hiệu suất của con người. Trong khi đó, Robert Pool, tác giả còn lại của cuốn sách là một tác giả, biên tập viên, nhà tư vấn và diễn giả nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực thực hành có chủ ý.
Theo hai tác giả, lâu nay nhân loại vẫn có nhiều lầm tưởng về khả năng của những người được coi là xuất chúng, thiên tài. Phần lớn chúng ta đều coi những người xuất chúng vốn được sinh ra với một năng lực trời phú, thiên bẩm.
Tuy nhiên, thông qua các nghiên cứu, thí nghiệm được tiến hành trong hơn 30 năm qua, hai ông khẳng định: Nhiều người xuất chúng sở hữu một năng khiếu đặc biệt từ thơ ấu, nhưng để trở thành thiên tài thực sự , họ cũng phải trải qua quá trình rèn luyện gian nan.
Và điều đặc biệt hơn nữa, một người bình thường có năng lực trung bình, nếu biết rèn luyện bằng phương pháp luyện tập có chủ ý thì cũng có thể nâng cao năng lực nào đó của mình lên một mức kinh ngạc, thậm chí họ có thể trở thành một người xuất chúng, thiên tài.
Ví dụ tiêu biểu có thể kể ra là trường hợp của Mozart. Không chỉ được ca ngợi bởi khả năng chơi nhạc xuất sắc, thời thơ ấu ông còn được hâm mộ bởi có một “thính giác tuyệt đối”. Khi nghe thấy một nốt nhạc được chơi trên nhạc cụ bất kỳ, ngay lập tức Mozart có thể xác định được chính xác đó là nốt nào.
Ông cũng có thể nhận ra nốt nhạc được tạo ra từ bất cứ thứ gì: Tiếng chuông gió, ấm nước reo, tiếng chuông đồng hồ… Trong rất nhiều năm liền, “thính giác tuyệt đối” của Mozart được coi là năng khiếu bí ẩn mà vị thần đồng này được trời phú.
Tuy nhiên, kết quả một thí nghiệm được công bố vào năm 2014 trên Tạp chí Tâm lý học âm nhạc đã khiến rất nhiều người bất ngờ: khả năng “thính giác tuyệt đối” của Mozart hoàn toàn có thể đào tạo được. Thật vậy, trong thí nghiệm này nhà tâm lý học người Nhật Bản Ayako Sakakibara đã chọn ra 24 đứa trẻ từ 2-6 tuổi để đào tạo khả năng nhận biết các nốt nhạc khác nhau trên đàn piano. Kết quả là sau 10-18 tháng tùy theo từng bé, tất cả các trẻ này đều phát triển được thính giác hoàn hảo và có thể xác định được từng nốt nhạc được chơi trên đàn piano giống hệt Mozart.
Đây chính là một minh chứng tuyệt vời cho việc phát triển năng lực thiên tài bằng phương pháp rèn luyện nghiêm túc, chăm chỉ, có chủ ý. Lần lại quá trình trưởng thành của Mozart, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy vai trò của sự tập luyện quyết liệt trong thành công của ông ngay từ khi mới 4 tuổi, dưới sự dìu dắt của người cha vốn là một nhạc sĩ, nghệ sĩ violin.
Một ví dụ khác, trong thí nghiệm do chính tác giả cuốn sách thực hiện, Steve Faloon, một sinh viên Đại học Carnegie Mellon, có khả năng ghi nhớ của một người bình thường – có thể ghi nhớ 5 chữ số sau 1 lần đọc – đã tăng lên thành khả năng ghi nhớ 82 chữ số với một lần đọc duy nhất sau 200 buổi luyện tập và trở thành một trong những người nối tiếng thế giới về khả năng này.
Phương pháp luyện tập có chủ ý
Theo các nghiên cứu của Anders Ericsson và Robert Pool, hầu hết mọi người đều làm theo một khuôn mẫu với bất kỳ một kỹ năng nào, cho đến khi đạt được một trình độ chấp nhận được; sau đó mọi thứ trở nên tự động. Nhưng có một điều rất quan trọng cần hiểu ở đây: Một khi đạt đến trình độ như vậy, đa phần mọi người sẽ có xu hướng ngừng cải thiện. Và độ thành thục, lão luyện của mỗi người với một kỹ năng sẽ dừng lại ở mức đó, cho dù người ấy có thực hành kỹ năng đó trong bao nhiêu năm đi nữa.
Nếu muốn thực sự trở thành một chuyên gia lão luyện, người xuất chúng với một kỹ năng trong một lĩnh vực nào đó, mỗi người cần phải thực hành luyện tập có chủ ý với những đặc điểm sau:
Luyện tập có chủ ý đòi hỏi mỗi người phải thoát ra khỏi khu vực thoải mái của mình không ngừng thách thức bản thân để hướng tới sự thành công cao hơn sau mỗi ngày hoặc thời gian luyện tập.
Luyện tập có chủ ý với những mục tiêu được xác định rõ ràng, cụ thể như ghi nhớ nhiều chữ số hơn so với buổi luyện tập trước, chơi một bản nhạc từ đầu đến cuối 3 lần liên tiếp với một tốc độ thích hợp mà không mắc lỗi…
Luyện tập có chủ ý đồng nghĩa với tập trung vì mỗi người sẽ khó có thể cải thiện được kỹ năng của mình nếu không dành toàn bộ sự chú ý của mình vào nhiệm vụ.
Luyện tập có chủ ý là đặt ra một loạt các bước nhỏ để đạt được một mục tiêu dài hạn giống như Steve Faloon học cách nhớ thêm một chữ số trong dãy số sau mỗi buổi luyện tập.
Luyện tập có chủ ý cần có sự phản hồi để xác minh người luyện tập đang ở đâu, còn thiếu điều gì, cần cải thiện điều gì để nâng cao được kỹ năng đó.
Thông qua các kết quả nghiên cứu về khoa học não bộ cùng những ví dụ minh chứng, lời khuyên cụ thể, dễ hiểu, các tác giả cuốn sách Peak- Những ảo tưởng về thiên tài sẽ giúp độc giả hiểu được tường tận phương pháp luyện tập có chủ ý, để có thể hình thành, đánh thức thiên tài trong mỗi người. Cuốn sách cũng đồng thời thích hợp với những công ty, tổ chức chuyên nghiệp muốn nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, các trường học, tổ chức giáo dục muốn nâng cao hiệu quả đào tạo của mình…
Trên Amazon, cuốn sách Peak- Những ảo tưởng về thiên tài hiện đứng trong top 5 cuốn sách hay nhất về Tâm lý giáo dục đào tạo và top 5 cuốn sách hay nhất về đào tạo kỹ năng kinh doanh. Trên cộng đồng đọc sách lớn nhất thế giới, cuốn sách hiện đã có gần 800 bình luận, trong đó đa phần là những đánh giá tích cực về nội dung của cuốn sách.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing