Những chính sách về du học, cấp visa, quản lý du học sinh ở từng quốc gia có khác nhau. Các ứng cử viên cần nắm kỹ thông tin và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Mỹ: Đầu tư cho việc xin visa
Phần lớn du học sinh VN đang theo học tại Mỹ đều cho biết, việc chọn trường, xin học bổng tại Mỹ không khó bằng xin visa. Thực tế có nhiều học sinh – sinh viên (HS-SV) đã được các trường ĐH-CĐ bên Mỹ chấp nhận nhưng không thể đi học vì không xin được visa.
Nguyễn Thị Ngọc Phương, SV năm hai trường ĐH Quinnipiac chia sẻ: “Bạn cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị đủ những yêu cầu về giấy tờ, hồ sơ trên website chính thức của lãnh sự quán. Dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ và đặt hẹn phỏng vấn sớm để chủ động và có thời gian sửa chữa những sai sót nếu có. Đặc biệt vào mùa hè lịch phỏng vấn rất kín”.
Du học sinh Võ Diệp Quốc Châu, SV năm 1 trường ĐH Williams thì nhấn mạnh, bạn nên tránh việc khai không đúng sự thật trong đơn xin visa. Đặc biệt khi đi phỏng vấn, lãnh sự quán sẽ đánh giá cao sự trung thực và suy nghĩ nghiêm túc của bạn về việc sang Mỹ du học. Châu còn khuyên không nên giao phó toàn bộ hồ sơ xin visa cho dịch vụ, vì người phỏng vấn có thể hỏi những câu liên quan đến hồ sơ trong quá trình phỏng vấn. Nếu bạn không trả lời được thì rất thiệt thòi.
Úc: Phải giỏi tiếng Anh từ VN
Du học sinh có nick Neo từng học thạc sĩ công nghệ thông tin tại trường ĐH Quốc gia Úc cho lời khuyên: “Nếu tiếng Anh của bạn chưa tốt lắm thì tốt nhất là bạn nên học ở VN để tiết kiệm chi phí. Sau khi đạt đến trình độ khoảng IELTS 5.5 hoặc 6.0 rồi hãy đi, qua đó học thêm tiếng Anh khoảng 10 tuần nữa là đủ tiêu chuẩn để vào học ĐH. Thường thì các trường bên Úc yêu cầu mức tiếng Anh tối thiểu là IELTS 6.5”. Được biết, để được cấp visa sang Úc, bạn phải đạt ít nhất IELTS 4.5.
Nhật Bản: Ưu thế cho người biết tiếng Nhật
Trên website về du học Nhật Bản, các du học sinh chia sẻ kinh nghiệm quý báu. Trong đó, vấn đề khá quan trọng giúp bạn có thể học tập tốt ở xứ sở hoa anh đào là học tiếng giỏi.
Trước khi vào học ĐH, du học sinh phải trải qua giai đoạn học tiếng Nhật. Khi nói được tiếng Nhật, bạn sẽ có khả năng để tuân thủ những quy định của nhà trường và sẽ có đủ điều kiện để kiếm việc làm thêm tăng thu nhập vì sinh hoạt ở Nhật khá đắt đỏ. Hơn nữa, người Nhật vốn ít sử dụng tiếng Anh, do đó, trong quá trình học tập, tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với doanh nghiệp… bạn rất cần tiếng Nhật để giao tiếp.
Một du học sinh khuyên, khi học ở Nhật, bạn sẽ được tham gia các chương trình homestay (nghỉ tại các gia đình). Đây là dịp quý báu để tìm hiểu về lối sống, văn hóa nước bạn và tạo dựng thêm các mối quan hệ. Một khi người Nhật đã coi bạn như thành viên trong gia đình thì suốt quá trình học tập tại đây, nếu bạn gặp phải khó khăn, rắc rối nào, những gia đình mà bạn đã từng tới ở sẽ hết lòng giúp đỡ.
Hà Lan: Quan trọng là tiếng Anh đầu vào
Theo chị Nguyễn Trần Cẩm Linh – nhân viên Văn phòng giáo dục Hà Lan (NESO) tại VN, việc xin visa du học Hà Lan không hề khó nếu đã được các trường ĐH-CĐ Hà Lan chấp nhận. “Khó khăn nhất là tiếng Anh đầu vào. Nhiều bạn tha thiết muốn đi nhưng nếu không đủ trình độ tiếng Anh thì đành chịu”, chị Linh chia sẻ. Theo đó, bạn phải có chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.0 đối với bậc ĐH và 6.5 đối với trình độ cao học, tiến sĩ; hoặc TOEFL iBT 80 (bậc ĐH) và 92 (bậc thạc sĩ, tiến sĩ)” – chị Linh cho hay. Tuy nhiên, nếu bạn chưa đạt trình độ tiếng Anh như trên, thì các trường vẫn chấp nhận cho bạn học dự bị đại học. Song vẫn có yêu cầu chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.0.
Visa du học ở Hà Lan khá đơn giản. Ứng cử viên không cần phải chứng minh tài chính, không phỏng vấn. Chỉ cần bạn được trường ĐH-CĐ đồng ý, nộp đầy đủ các khoản phí cho năm học thứ nhất (bao gồm học phí 7.000 – 10.000 euro, sinh hoạt phí 7.000 euro và phí làm visa + tiền bảo hiểm 1.000 euro) thì chính trường ĐH-CĐ ứng viên nộp hồ sơ sẽ làm việc với Cơ quan di trú Hà Lan (IMD) để xin cấp visa.
Những lưu ý quan trọng khi xin visa
– Nếu cung cấp bất kỳ một hồ sơ không trung thực hay bất kỳ lời khai gian dối nào, bạn có thể sẽ vĩnh viễn không bao giờ được cấp thị thực đến Mỹ trong tương lai.
– Không nên trả lời rập khuôn các câu hỏi như cách học thuộc lòng trên lớp mà hãy nghĩ đây là một buổi trò chuyện giữa 2 người mới quen. Bạn nên giới thiệu về bản thân càng nhiều càng tốt như: sở thích, gia đình, học tập,… Đừng chỉ trả lời “yes” hay “no”.
– Đích thân người du học phải mang hồ sơ công chứng dịch thuật đầy đủ lên gặp đại diện của đại sứ quán, trả lời những câu hỏi của nhân viên xét duyệt visa bằng thứ tiếng mà mình sẽ đi du học (tiếng Pháp hay tiếng Anh).
Theo Thanhnien