Kinh nghiệm khi lựa chọn trường đại học tại Singapore.

0

SSDH- Việc lựa chọn trường đại học ở Singapore luôn là một vấn đề được nhiều bạn sinh viên quốc tế ưu tiên khi đi di học Singapore. Vậy du học sinh nên chọn trường nào ? Hãy cùng SSDH tìm hiểu qua bài chia sẻ của bạn Mai Tuan Minh nhé! 

Bây giờ là lúc mọi người đều đã nhận offer từ các trường tại Singapore và nhiều bạn đang đắn đo việc chọn trường của riêng cá nhân mình, vì thế mình sẽ nói chính xác ra hồi đó mình đã quyết định đại học như thế nào. Đây là để mọi người tham khảo và mình mong rằng sau khi đọc xong, nó có thể giúp các bạn định hình tốt hơn. Mình không có ý nói trường nào tốt hơn trường nào vì mình nghĩ rằng bất kỳ lựa chọn nào đều có xấu và tốt, không có trường tốt mà chỉ có trường phù hợp với cá nhân mình mà thôi.

Câu chuyện đầu tiên trước khi chọn trường là xác định mục tiêu của mình là gì. Cá nhân mình thì thích về Việt Nam lâu dài và vì thế học ở 1 trường ở châu Á sẽ giúp cho dễ về hòa nhập văn hóa ở Việt Nam lại. Mình đang ngắm tới việc sau 10-20 năm sau sẽ quản lý 1 công ty kỹ thuật ở Việt Nam nên việc chọn đại học sẽ xoay quanh việc đó.

Ngoài ra ở Singapore thì chi phí sinh hoạt và tiền học phí rẻ hơn Anh Quốc và thứ hạng QS lại ngang như nhau nên UCL bị loại khỏi lựa chọn của mình. Vì mình nghĩ rằng độ chênh lệch tiền học phí là khá cao, chưa kể về các vấn đề phụ như mình đã quen ở Singapore, đa số bạn bè của mình đều ở Singapore và đồ ăn ở Singapore vẫn giống Việt Nam hơn.

SMU bị loại là vì nó như là cái backup của mình. Mình thì rất thích SMU vì nó gần trung tâm Singapore, bạn bè thì rất năng nổ và thích nói nhiều như mình. Điều tệ của SMU là nó không có ngành kỹ thuật và điều đó sẽ ảnh hưởng vì lúc ra trường xong, mình sẽ ít bạn bè làm việc liên quan đến kỹ thuật. Nó không phải là xấu nhưng lại không quá phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình và IT là ngành trái so với cái mình học ở Polytechnic (điện điện tử).

SUTD bị loại là vì ít người Việt, về Việt Nam sẽ khó vì ít người Việt và ít hiểu văn hóa Việt Nam của các bạn trực tiếp từ Việt Nam sang và ít quan hệ để về nước làm việc. Mặc dù thành thật mà nói SUTD dạy kỹ sư mình cảm giác tốt hơn NUS và NTU vì SUTD dựa vào giáo trình của MIT đến 95% và nó rất thực hành. Kỹ sư tốt nghiệp SUTD xong có thể đi làm luôn mà không cần qua huấn luyện như NTU và NUS.

Vậy cuối cùng lại chỉ còn 2 lựa chọn mà nhiều người rất hay hỏi, đó là NUS và NTU. Cái này là cái lựa chọn khó khăn nhất vì 2 trường đều có thứ hạng ngang ngang nhau. NTU thì mạnh về kỹ thuật điện điện tử hơn NUS (thứ 4 trên thế giới so với thứ 5 trên thế giới) nhưng về mặt tổng thể thì NUS mạnh hơn NTU một chút.

Quay lại câu chuyện, mình sẽ tóm gọn so sánh chi tiết của NUS và NTU:

Về mặt giáo sư và giáo trình học

Đều có thầy dạy tốt, thầy dạy tệ như nhau. Cũng không khác biệt gì mấy về cả giáo trình vì sinh viên đều ca khó y chang nhau. Cả 2 bằng đều giúp đi vào công ty lớn, trường tốt để học sau đại học và vì thế ở mặt này 2 trường sẽ là hòa.

Về mặt sinh viên, văn hóa sinh viên

Sinh viên tại NUS có nhiều sinh viên từ Singapore lên và vì thế đối với mình ở đoạn này NUS thắng. Văn hóa của NUS thì cũng phù hợp với các bạn ở Singapore từ cấp 2 hơn theo mình hiểu. Tuy nhiên ở đoạn này thì mình có thể chấp nhận NUS thắng được vì mình hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động của các bạn NUS sau khi vào NTU và ngoài ra mình đang làm ở VNYA, tức là cơ hội để nói chuyện với sinh viên trường khác cũng cao hơn hẳn. Ngoài ra, mình cũng cảm thấy có nhiều sinh viên NUS gia đình có background giống mình hơn so với NTU. Và nếu không chơi với người Việt thì mình hoàn toàn có thể chơi với người Singapore, vì mình đã rất quen văn hóa ở đây.

Cái mình thấy được sinh viên cả 2 trường là các bạn rất quyết tâm học và mình rất quý việc này. Mình xin lấy 2 ví dụ để các bạn hiểu rõ luận điểm của mình.

  1. Mình có 1 đứa bạn ở NTU mà mẹ nó bị bệnh hiểm nghèo và nó ngày nào lên trường thì 1 là không ăn gì, 2 là mua Chinese Mix Rice (cái đồ mà thường coi là giá sinh viên nhất trong trường) nhưng nó rất quyết tâm học và nó đã luôn được dean’s list từ đầu kỳ đến giờ. Mình tôn trọng nó vì nó muốn trở thành nhà khoa học tốt cho thế giới.
  2. Bạn mình ở NUS là con trai của giám đốc công ty XYZ, một công ty rất lớn ở miền Nam (mình xin phép không khai toàn bộ vì nó không thích bị dư luận soi) nhưng nó rất phấn đầu và nó coi trọng cơ hội mà mình có được. Nó vẫn đi MRT (tàu điện ngầm) bình thường, dùng điện thoại model cũ và cư xử một cách rất khiêm tốn. Mình rất coi trọng nó vì cách nó hành xử.

Thì đây chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện, nếu bạn có cơ hội để nói chuyện thì mình tin còn nhiều câu chuyện khác.

Ngoài ra, các câu lạc bộ ở trong 2 trường thì lại khá giống nhau nên cũng không có gì quá để bàn cãi.

Về mặt đối xử với sinh viên sắp vào:

Mình được NTU cho học bổng với phỏng vấn cho vui (cảm giác cho có) mặc dù lúc đầu mình không có đăng ký học bổng. Và vì thế mình cảm giác được trân trọng hơn ở NTU so với NUS vì cảm nhận như trường muốn mình hơn. Đương nhiên là về sau giáo sư NUS cũng gọi hỏi là tại sao không vào NUS (cỡ 2 tuần sau) nhưng mình nghĩ về mặt đối xử sinh viên sắp vào thì NTU tốt hơn hẳn và cũng định cho mình học bổng lại.

NTU EEE (nhấn mạnh chữ EEE vì mỗi ngành sẽ có chương trình nhận sinh viên khác nhau) thậm thì còn cho mình gặp mấy anh chị đang học và còn tổ chức camp (hồi đó là COVID-19, nên là virtual camp) để chào đón sinh viên sắp vào. Đồ goodie bag thì chỉ có NTU EEE gửi mình năm đó, và tương đối nhiều đồ tốt.

Các bạn SVVN của 2 trường thì theo mình thấy đều tốt bụng và hướng dẫn mình nếu cần thiết nên cái này thì lại là huề.

Về mặt cơ sở vật chất, địa điểm

Địa điểm là điểm trừ rất lớn của NTU khi nó xa trung tâm và mình vẫn đồng ý vậy, mọi người hay khịa NTU là Pulau NTU (đảo NTU) vì nó xa hết mọi nơi.

Cơ sở vật chất thì 2 trường tiêu ghê như nhau, không tiếc tiền nghiên cứu. Ở NTU thì có trung tâm sản xuất vệ tinh (thực ra còn rất nhiều trung tâm khác nhưng cái này có lẽ dễ hình dung nhất), thì cái trung tâm đấy có đủ kinh phí và đã sản xuất 9 cái vệ tinh. Trong khi đó nhiều quốc gia ở Đông Nam Á bây giờ còn không thể sản xuất 1 cái vệ tinh nào. Ở NUS thì mình đi tour ngày trước thì giáo sư khoe mua cánh tay robot giá 2 triệu đô Singapore (34 tỷ đồng Việt Nam) để làm thí nghiệm về trọng lực của mặt trăng =)))

Đối với 2 trường, tiền chỉ là nước nhưng cái quan trọng hơn là nước đổ về đâu và tại sao lại phải đổ ở chỗ đó.

Về mặt ra trường

Sinh viên NTU thiên hướng về Việt Nam hơn NUS, mình cảm nhận được việc này thông qua các thông tin của alumni. NUS thì đa phần ở lại Singapore hoặc đi nước thứ 3 hơn. Vì vậy ở đây, NTU phù hợp hơn

Tuy nhiên về mặt cách nhìn nhận của đa số người Việt Nam thì NUS lại hơn NTU. Một phần là vì chữ Nanyang là cách quảng bá hình ảnh rất tệ, tên khá giống trường Trung Quốc. Ngoài ra là vì NUS phong trào du học có sớm hơn NTU nên reputation được xây dựng sớm hơn.

Nếu bạn có ý định làm ở Trung Quốc thì cái tên NTU lại giúp bạn khá nhiều hơn so với NUS.

Tổng kết là NTU đã được chọn với mình vì:

  1. Cách đối xử sinh viên sắp vào
  2. Định hướng nhiều người về Việt Nam hơn

Và điểm xấu (có thể chấp nhận được) là:

  • Xa
  • Văn hóa năm 1 ở cộng đồng người Việt sẽ khá khác với các bạn học ở đây lâu.

SSDH ( tác giả Mai Tuan Minh, Scholarship Hunters)

Share.

Leave A Reply