SSDH – Một vài bí kíp thú vị sau đây sẽ giúp bạn sử dụng và bảo quản “tuổi thọ” của những chiếc quần tất.
Mùa lạnh, những đôi tất da chân luôn là vật dụng không thể thiếu trong tủ quần áo của các quý cô, đặc biệt là với những quý cô thường xuyên mặc váy. Tuy nhiên, độ mỏng manh gợi cảm của những đôi tất lại chứa đựng đầy “nguy hiểm” bởi nó có thể rách bất cứ lúc nào. Vậy làm cách nào để lựa chọn được những đôi tất phù hợp và cách bảo quản những đôi tất mỏng manh này như thế nào?
1. Lựa chọn độ dày/mỏng
Lựa chọn đồ dày mỏng dựa theo ký hiệu D (Denier) có ghi trên bao bì tất, D, đơn vị đo độ dày của sợi dệt (Mỹ). Denier (hay gọi tắt là ‘den’) là từ dùng để chỉ độ dày mỏng và trong của tất da chân. Mức độ den phổ biến nhất của tất da chân tại thị trường Việt Nam là từ 15-40 den. Den càng thấp thì độ mỏng của tất da chân càng cao và ngược lại. Độ mỏng và trong của tất da chân có ảnh hưởng rất lớn đến chân bạn khi mang tất da chân. Càng mỏng và trong thì khi mang tất vào sẽ tạo được mức độ tự nhiên của đôi chân.
2. Dùng thêm “tất lót”
Khi đi tất da chân, phần ngón chân dễ cọ vào phía mũi giày và dễ bị rách, vì vậy để tránh tất bị rách mũi, bạn có thể sử dụng thêm tất lót cho bàn chân để giữ tất luôn mới và bền đẹp.
3. Tránh ma sát
Nếu bạn hay sử dụng tất giấy thì điều đầu tiên bạn phải nhớ là giữ móng tay móng chân, móng tay không bị xước. Nếu da tay thô ráp, nên thoa một chút kem làm mềm da trước khi đi tất để tránh làm tất bị rút sợi. Chiếc nhẫn bạn đeo trên tay và những ngón tay tỉa sắc cũng hoàn toàn là có thể là thủ phạm làm cho tất bị xước. Ngoài ra hãy chăm sóc đôi chân của mình bằng cách thường xuyên sử dụng kem dưỡng da (đặc biệt là phần gót chân) để tránh làm hỏng tất.
4. Giặt đúng cách
Do tất quá mỏng, nên bạn tuyệt đối không giặt bằng máy giặt, thậm chí, khi giặt tay, bạn cũng không nên sử dụng các loại xà phòng có chất tẩy rửa mạnh mà nên vò nhẹ bằng dầu gội đầu hoặc sữa tắm rồi bóp nhẹ chứ ko vắt. Nên phơi tất ở những nơi thoáng gió, tránh nắng gắt. Khi phơi, bạn cũng không nên dùng kẹp để tránh xước tất, bên cạnh đó, bạn nên tránh phơi tất giấy cạnh các trang phục có khóa sắt hay những vật sắc cạnh.
Có một mẹo nhỏ khi giặt để tất bền hơn. Sau khi đã giặt sạch tất, bạn cho một ít giấm vào chậu nước ấm rồi ngâm đôi tất. Khoảng 15-20 phút sau, bạn hãy đem phơi khô. Đối với những loại tất dày dặn hơn, bạn có thể giặt máy nhưng tránh rách bằng cách buộc tròn đôi tất lại và cho vào túi giặt nhỏ dành cho đồ lót.
5. Mẹo xử lý “tất mới” trước khi sử dụng
Tất vừa mua về, bạn hãy cho vào ngăn đá tủ lạnh để khoảng một ngày rồi mới lấy ra dùng. Nó sẽ bền và dai hơn, nên nhớ cách này chỉ dùng cho tất mới thôi, tất dùng rồi đã bị dão sẽ không có tác dụng.
6. Xử lý những vết rách nhỏ
Nếu bạn đang dùng tất mà đột nhiên phát hiện ra tất có một vài vết xước nhỏ, bạn đừng mặc kệ nó, bởi chỉ ít giờ sau, những vết xước đó sẽ lan rộng ra. Cách cấp cứu lúc này là chấm một chút sơn móng không màu vào, nó sẽ “vá” lại chỗ rách đồng thời ngăn không cho vết rách lan rộng. Vì thế khi dùng tất, bạn nên đem theo lọ sơn móng không màu trong túi xách. Còn với những đôi tất không rách nhưng xù lên, bề mặt có những túm sợi nhỏ, hãy “làm mới” chúng bằng cách lộn trái để đi. Trông đôi tất lại mượt mà như cũ, nhưng bạn nên đi giày kín mũi để che giấu chuyện bạn đi tất trái.
Nguồn: blogtamsu