Sẵn sàng du học – Tình đơn phương mà Ngạn dành cho Hà Lan là thứ tình yêu thuần khiết, không toan tính, không đổi thay. Nó để lại sự day dứt khôn nguôi trong lòng bạn đọc.
Khi bộ phim Mắt biếc rục rịch ra mắt, một số đơn vị phát hành phim đưa thông tin đây là “Chuyện tình học trò kinh điển của Nguyễn Nhật Ánh”. Nói vậy đúng nhưng chưa đủ, bởi tác phẩm văn học này vượt lên trên những câu chuyện học trò trong sáng thường thấy của Nguyễn Nhật Ánh. Nó là một tình yêu điển hình của kỷ nguyên lãng mạn, một tình yêu chứa đựng cả tình thương, tình quê hương, tình nhân ái.
Tình yêu lặng thầm thuần khiết
Mắt biếc là câu chuyện tình của nhân vật Ngạn từ thuở bé xíu học vỡ lòng cho tới khi trưởng thành. Người mà Ngạn si mê qua bao năm tháng, thăng trầm cuộc sống chính là cô bé cùng làng, cô bạn học Hà Lan. Cô bé sở hữu một đôi mắt đặc biệt, được Ngạn gọi là “mắt biếc”, đôi mắt mà bà của Ngạn từng nói “Đời con bé sẽ khổ”.
Với Ngạn, “sức mạnh” của Hà Lan ở đôi mắt: “Đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác. Đôi mắt đó lúc bấy giờ đã khiến tôi buộc lòng đổi chỗ ngồi với thằng Ngọc và sau này cũng đôi mắt đó làm khổ tôi ghê gớm”.
Khi còn nhỏ, Ngạn thích nhìn vào đôi mắt của Hà Lan, soi mình trong đó, và vẩn vơ so sánh chúng với những viên bi trong suốt. Lớn lên, đôi mắt của Hà Lan lại gợi Ngạn “nghĩ đến bầu trời và dòng sông, đến những ước mơ dịu dàng của tình yêu và khi đó tôi không còn đủ can đảm để nhìn lâu vào đôi mắt nó như ngày thơ dại”.
Ngạn và Hà Lan lớn lên cùng làng, cùng tắm chung ở giếng làng khi còn nhỏ, trải qua lớp vỡ lòng, trường tiểu học và trường huyện. Giữa họ có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp khi cùng học tập, vui chơi, cùng trưởng thành. Nhưng quan hệ giữa Ngạn và Hà Lan không chỉ là tình bạn đơn thuần.
Ngay từ nhỏ, Hà Lan dù hơi bướng bỉnh nhưng bao giờ cũng là một người bạn gái dịu dàng, thậm chí có lúc yếu đuối. Ngạn từng phân trần: “Nó cần sự che chở của tôi và tôi rất kiêu hãnh về điều đó”.
Đó chính là lý do một cậu bé hiền lành, lương thiện như Ngạn suốt những năm cắp sách đến trường hay gây sự đánh nhau. Hà Lan bị bạn bắt nạt, Ngạn xông vào “nói chuyện phải trái với đứa bắt nạt”. Hà Lan thích đánh trống ra chơi, trống tan trường, Ngạn phi ra quyết giữ bằng được chiếc dùi cho cô bạn, mặc bao đứa con trai khác phi vào đánh đấm nó túi bụi. Hà Lan thích ăn gì, chơi gì… Ngạn đều chiều ý cô bé.
Tình cảm của Ngạn cứ lặng thầm, mỗi ngày thêm sâu đậm. Cậu gửi gắm tình cảm qua những ca khúc viết và hát tặng cô bé. Hà Lan biết mà tỏ ra không biết, cô bé thản nhiên nhận tất cả mọi quan tâm chăm sóc, mọi dịu dàng mà Ngạn dành cho mình.
Biến cố xảy đến khi họ ra thành phố học. Choáng ngợp với ánh đèn phố thị, Hà Lan quen và yêu Dũng – một chàng trai ham chơi, vô trách nhiệm, chỉ lấy chuyện “tán gái” làm vui.
Hà Lan có thai ngay trước kỳ tốt nghiệp, cô nghỉ học ở nhà và mòn mỏi chờ lời hứa sẽ cưới của Dũng. Nhưng tay Don Juan chẳng buồn đếm xỉa, hắn làm đám cưới với một cô gái khác trong nỗi đau của cả Hà Lan, và cả Ngạn.
Tình yêu đơn phương lặng lẽ xưa Ngạn dành cho Hà Lan giờ chuyển thành tình thương, sự bao bọc, che chở cho Trà Long – con gái Hà Lan. Cô bé lớn lên, thừa hưởng đôi mắt biếc của mẹ, là sự nối dài tình cảm của mẹ. Những tưởng cuối cùng tình yêu của Ngạn được đền đáp, nhưng anh khước từ. Ngạn giữ trọn vẹn tình yêu với Hà Lan, với cô gái có đôi mắt biếc, giữ trọn tình cảm với lòng mình.
Chuyện tình buồn của Ngạn khiến bao bạn đọc lặng lẽ rơi nước mắt. Đó không phải là giọt nước mắt thương cho nhân vật chính, xót cho một tình đơn phương bất thành, ái ngại cho người hiền không gặp chuyện lành như trong cổ tích. Đó là giọt nước mắt mênh mang tiếc nuối với những tình yêu của kỷ nguyên lãng mạn, mà từ văn học nghệ thuật đến đời sống xã hội ngày này chẳng mấy hiện hữu.
Đó là thứ tình yêu đơn thuần là tình yêu, vô điều kiện, không toan tính, không đổi thay dù hàng chục năm trôi qua, dù vật đổi sao dời. Tình yêu ấy trong sáng, lung linh, thuần khiết như chính đôi mắt biếc mà Hà Lan được tạo hóa ban tặng.
Lời tỏ tình với quê hương
Bối cảnh chính của Mắt biếc cũng như nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh là làng Đo Đo. Nhưng trong tác phẩm khác biệt này, tác giả không chỉ viết về mối tình học trò, những đứa trẻ ở làng Đo Đo, ở đó là tình cảm sâu nặng với quê hương xứ xở.
Tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan không tách rời tình yêu quê hương. Mảnh đất ấy lưu giữ bao kỷ niệm đẹp của Ngạn. Đó là giàn thiên lý lấp lóa nắng vàng trên sân nhà Hà Lan, là giếng làng hai đứa tắm chung khi còn thơ bé, là cây bàng, là chợ Đo Đo với những món quà mà cả hai đứa trẻ cùng thèm khát…
Mảnh đất ấy còn là cây thị đối diện trường mà Ngạn vào nhặt trộm quả cho Hà Lan, là đồi sim tím biếc hoa nơi những bản tình ca của Ngạn vang lên bên người bạn gái, là những bông dủ dẻ chín thơm vàng tuổi hoa niên…
Với Ngạn, “không ở đâu đẹp bằng làng mình”. Trái với cậu, Hà Lan lại đi về hướng thành phố. Ngay từ khi rời trường huyện, Hà Lan đã nói với Ngạn: “Chừng nào lên thành phố, Ngạn sẽ thấy. Thành phố đẹp tuyệt vời. Đẹp hơn làng mình nhiều. Đẹp gấp nghìn lần phố huyện”. Cuộc dịch chuyển về phía phồn hoa đã lấy đi cô bạn gái gắn bó của Ngạn.
Mỗi cuối tuần nghỉ học, cô bé chẳng muốn về làng, bỏ mặc Ngạn đi về lẻ loi: “Cảnh vật vẫn thế, chỉ khác là chiều nay, trên đường về dằng dặc chỉ có mình tôi lặng lẽ đạp xe đi… Đi ngang rừng sim, tôi không ghé, dù tim tôi đập từng hồi rộn rã. Tôi sợ kỷ niệm níu chân tôi. Tôi sợ ngồi một mình giữa rừng sim, lòng tôi sẽ ngập đầy lá rụng”.
Cũng giống lời bài hát Mắt biếc của Ngô Thụy Miên, lòng Ngạn chỉ rung ngân lời buồn: “Mắt biếc năm xưa nay đâu”. Không chỉ giữ trọn tình yêu với Hà Lan, Ngạn giữ trọn tình cảm với quê mình. Bởi vậy, sau khi học ở thành phố xong, anh lựa chọn trở về quê dạy học, gắn bó với quê hương.
Tình yêu quê hương xứ sở là một thông điệp mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc. Trước khi bộ phim bấm máy, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng bày tỏ mong muốn đạo diễn Victor Vũ chuyển thể tình cảm gắm bó với quê hương trên phim.
Khác biệt với những tác phẩm còn lại của Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc là câu chuyện tình buồn để lại nhiều day dứt và dư âm với độc giả. Ở đó không chỉ là câu chuyện tình bạn trong sáng, chuyện tình tinh khôi tuổi học trò, ở đó còn là thứ tình cảm lớn lao của trái tim nhân ái lồng ghép trong tình yêu, tình cảm với quê hương, xứ sở.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing