Mùa thi: Những “chảo lửa” ở châu Á

0

Sẵn sàng du học – Kỳ thi cao khảo ở Trung Quốc đại lục, DSE ở Hồng Kông, suneung ở Hàn Quốc… nằm trong số những kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất châu Á. Theo kết quả của kỳ thi đánh giá HS quốc tế (PISA) diễn ra tháng 11/2016, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều vượt trội so với hầu hết các quốc giá khác. 

Các quốc gia và vùng lãnh thổ này chiếm 8 trong số 11 thứ hạng cao nhất, trong đó có Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản… Tuy nhiên, tất cả đều có kỳ thi tuyển sinh ĐH khắc nghiệt trong môi trường cạnh tranh cao.

Trung Quốc đại lục

Kỳ thi cao khảo (gaokao) có thể tạo nên hay phá vỡ tương lai của một người trẻ tuổi và áp lực xung quanh kỳ thi này cực kỳ lớn. Những câu chuyện liên quan đến sức căng của cao khảo không hiếm, có những HS phải truyền tĩnh mạch để hỗ trợ tập trung khi học. Nhiều bậc phụ huynh phải đặt phòng khách sạn gần điểm thi để con có chỗ nghỉ trong giờ giải lao, họ cầu nguyện bên ngoài phòng thi và những con đường bị chặn ở khu vực phòng thi để giảm tiếng ồn giao thông…

HS Trung Quốc căng thẳng ôn luyện trước kỳ thi cao khảo

HS Trung Quốc căng thẳng ôn luyện trước kỳ thi cao khảo

Theo trang Sohu.com, chỉ 2% thí sinh tham gia vào kỳ thi năm 2016 được nhận vào top 38 trường hàng đầu Trung Quốc, và 0,05% được nhận vào ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh – những nơi được xem là Oxford và Cambridge của Trung Quốc.

Một sự khác biệt lớn giữa các trường có nghĩa là HS đang cố gắng vào được một vài trường ĐH danh tiếng, điều này càng tăng thêm áp lực học tập – Phó Giám đốc Xiong Bingqi của Viện nghiên cứu GD thế kỷ 21 có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết. “Người ta cố gắng vào các trường tốt để bảo đảm có một sự phát triển tốt hơn” – ông nói và cho rằng tình hình tương tự với ở Nhật Bản.

Trung Quốc đã cam kết tạo ra một hệ thống thi cử mới vào năm 2020 bao gồm cả tiêu chuẩn đa dạng hơn để xét tuyển đại học và giảm bớt sự bất bình đẳng trong khu vực.

Hồng Kông

Quang cảnh một kỳ thi trung học ở Hồng Kông 

Quang cảnh một kỳ thi trung học ở Hồng Kông 

Hồng Kông cũng bị chỉ trích vì kiểu học tập theo định hướng thi cử và kỳ vọng của gia đình đặt vào HS rất cao, ngay từ khi các em còn nhỏ.

Từ khi 9 tuổi, HS đã phải tham gia Hệ thống đánh giá khả năng tiếng Anh, tiếng Trung và Toán học trên toàn vùng lãnh thổ. Các bài kiểm tra được dùng để xếp hạng trường học, tạo ra áp lực từ trên xuống đối với HS, mặc dù chính quyền ở đây phủ nhận điều này.

Năm 2015, hàng chục nghìn phụ huynh đã ký một bản kiến nghị trên Facebook yêu cầu hủy bỏ các kỳ thi, khiến một số trường tẩy chay kỳ thi trên và buộc chính phủ phải thừa nhận các vấn đề của hệ thống.

“Có thể hiểu được rằng, có rất nhiều lo lắng khi trẻ em Hồng Kông phải chuẩn bị cho các bài thi từ khi còn rất nhỏ” – Giáo sư Eva Chen, chuyên gia phát triển xã hội nhận thức tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết: “Các em bắt đầu được phỏng vấn để tuyển vào mẫu giáo, hay thậm chí là nhà trẻ… Từ đó đến bậc ĐH luôn có các cuộc phỏng vấn hay kỳ thi mà các em phải đối mặt”.

Một báo cáo toàn cầu của ngân hàng HSBC năm 2017 thấy rằng 88% phụ huynh Hồng Kông đã và đang trả tiền học thêm cho con, thấp hơn con số 93% của phụ huynh Trung Quốc đại lục nhưng cao hơn mức trung bình toàn cầu là 63%.

Gần như một nửa trong số phụ huynh trên (tỷ lệ cao nhất thế giới) nói rằng họ sẽ từ bỏ thời gian và sở thích cá nhân để giúp con mình thành công, 37% đã giảm hay hoàn toàn dừng các hoạt động giải trí hay ngày lễ của mình.

ĐH Hồng Kông tiếp nhận khoảng 10.062 SV trong năm học 2016 và 2017 và tỷ lệ chọi khi thi vào trường này là 1 – 5.

Singapore

HS Singapore 

HS Singapore 

Sau 6 năm học đầu tiên, trẻ em Singapore dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học quốc gia (PSLE). Điểm số có được sẽ gửi tới các trường trung học để chọn HS dựa trên thành tích các em đạt được. Trẻ em được chia vào một trong 3 chương trình học phù hợp với khả năng của mình dựa trên kết quả PSLE. Các em được xếp hạng từ cao nhất tới thấp nhất. Những em ở trong nhóm cao nhất sẽ thi ĐH sau khi học xong trung học, những em ở nhóm thấp nhất sẽ học nghề.

Phó Giáo sư Jason Tan Eng Thye của Học viện GD Quốc gia Singapore nói “con người vốn khác nhau về khả năng, tiềm năng, tài năng và sở thích, do vậy bạn cần sự phân biệt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của một nhóm người học đa dạng”. “Tuy nhiên, phụ huynh và HS biết sẽ có những kết quả GD không đồng đều cho các nhóm HS khác nhau”, do đó họ đặt sự ưu tiên vào một số trường nhất định nổi tiếng vì có kết quả thi cao và tỷ lệ vào ĐH cao – ông cho biết. Sau đó, các bậc phụ huynh sẽ cố gắng huy động mọi nguồn tài chính để con mình có lợi thế cạnh tranh.

Kỳ thi PISA năm 2014 cho thấy HS Singapore 15 tuổi dành khoảng 9 giờ mỗi tuần để làm bài tập, gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Mặc dù được khen ngợi là có hệ thống GD tốt nhất thế giới nhưng chính phủ Singapore đang phải tìm cách giảm căng thẳng và lo lắng do cạnh tranh không lành mạnh, văn hóa học thêm và những vấn đề liên quan tới suy giảm hành vi xã hội.

Nhật Bản

Nhật Bản đang trong quá trình thay đổi kỳ thi ĐH đã được tiêu chuẩn hóa của mình có tên “Kỳ thi trung tâm”. Mục đích của việc này là tới năm 2020, kỳ thi sẽ chấm điểm ưu tiên cho tư duy phản biện và tránh xa việc học vẹt thuần túy.

Tại Nhật, các trường luyện thi có tên juku rất phổ biến. Vào năm học cuối cùng của bậc trung học, HS sẽ làm bài thi quyết định tương lai của các em và thời gian chuẩn bị được gọi là juken jigoku (hay kỳ thi địa ngục).

Các công ty Nhật quan tâm đặc biệt tới nền tảng của nhân viên tương lai, điều này khiến cho kỳ thi vào các trường ĐH danh tiếng rất khắc nghiệt. Những HS không đỗ ĐH năm đầu tiên thường tiếp tục luyện để thi lại vào năm sau. Năm 2014, một nghiên cứu của các bác sĩ phẫu thuật thần kinh Nhật Bản thấy, khoảng 58% những người phải thi lại bị trầm cảm, có cảm giác thất bại và lo lắng.

Tương tự như ở Hàn Quốc, HS ở đây cũng phải trải qua quá trình ôn luyện vô cùng áp lực và căng thẳng trước khi bước vào các kỳ thi. Điều này một phần lý giải tại sao tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc cao thứ 2 thế giới, trong đó nguyên nhân tự tử của thanh thiếu niên Hàn Quốc là do áp lực liên quan tới học tập.

Năm 2016, sau khi công bố kết quả kỳ thi PISA, hãng tin BBC có bài viết về trải nghiệm cuộc sống của một HS trung học Hàn Quốc, họ thấy rằng HS ở đây phải dành tới 16 giờ mỗi ngày để chuẩn bị cho các kỳ thi.

Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ

Share.

Leave A Reply