SSDH- Năm mới tới, ai cũng muốn có những khởi đầu mới, những điều tốt để cuộc sống ngày một tốt hơn. Nhưng nếu bạn muốn tạo lập những thói quen tốt trong năm mới này mà không biết bắt đầu từ đâu thì hãy để 5 cuốn sách sau đồng hành cùng bạn.
Xem thêm:
Thói quen mà xã hội hiện đại nên có- Tư duy phản biện
Top 10 Cuốn sách hay nhất về thành công (Phần 2)
Review sách “Khi hơi thở hóa thinh không” – Liệu cái chết có đáng sợ?
1/ Sức mạnh của thói quen
Trước khi bắt đầu tạo dựng được thói quen tốt, bạn cần đào sâu và tìm ra nguyên nhân tại sao bạn lại có những thói quen xấu, chẳng hạn như: hút thuốc, kiểm tra điện thoại, thường xuyên (hoặc không bao giờ) thu dọn phòng ốc…
Có 4 bước quan trọng để bạn từ bỏ những thói quen xấu như sau:
- Thứ nhất: Tự hỏi tại sao thói quen xấu này dường như lại cuốn hút bạn đến vậy? Điều gì làm bạn cứ thích trở lại với thói quen này? Thí dụ như tại sao bạn lại ngồi lướt tiktok tới 2 giờ sáng mỗi ngày? Điều này có ích lợi cho bạn không?
- Thứ hai: Tự hỏi tại sao bạn nên chấm dứt thói quen xấu vừa nêu lên. Bạn đang phải trả giá bao nhiêu cho cái thói tật này? Nếu tiếp tục thói xấu này, bạn sẽ bị mất mát những gì? Hay là, trở lại với câu hohir căn bản “Tại sao mình cho đây là một thói quen xấu?”
- Thứ ba: Đưa ra một sự lựa chọn. Sau khi đã cân nhắc thiệt hơn về một thói quen, hãy ép mình đi theo một lựa chọn thật sáng suốt. Về phương diện nào đó, khi làm như vậy, bạn đã dời thói quen này ra khỏi “cái vòng luẩn quẩn” của những thói quen xấu. Bạn đang đánh giá một cách sáng suốt hậu quả của những thói quen này hơn là phản ứng một cách máy móc hay tự động như trong những năm tháng qua và đã làm những điều này trở thành thói quen.
- Thứ tư: Thay thế những thói quen xấu bằng cách tập những thói quen mới thật ích lợi. Nếu chúng ta chỉ dùng nghị lực và ý chí từ bỏ thói quen cũ mà không có những thói quen mới tốt đẹp xen vào, thì sau một thời gian, chúng ta dễ trở lại với những thói hư tật xấu cũ. Nếu chỉ cố gắng chống chọi với những hấp lực của những tật xấu cũ mà không tập tành những thói quen tốt đẹp, thì quả là chúng ta đang ở trong một cuộc chiến đấu vô vọng.
Đó chính là tinh thần cuốn sách “Sức mạnh của thói quen”. Trong cuốn sách này, tác giả Duhigg không những chỉ cho bạn cái nhìn toàn diện về thói quen cá nhân, mà còn của tổ chức và xã hội.
Ông đã đưa ra những phân tích thấu đáo, kỹ càng về nhiều trường hợp đã vận dụng thói quen một cách hiệu quả, đồng thời, ông cũng đưa ra những lời khuyên thiết thực giúp bạn nhìn nhận thói quen xấu, vận dụng được các thói quen tốt cho mỗi cá nhân và tổ chức.
Nhờ đó, việc tạo lập thói quen tốt của bạn trong năm mới đã trở nên dễ dàng hơn nhiều rồi đó!
2/ Ngay bây giờ hoặc không bao giờ
Chúng ta thường tự huyễn hoặc bản thân mình bằng câu nói: “Nếu có nhiều thời gian hơn, mình sẽ…”, hoặc “Khi nào rảnh, mình sẽ làm việc này việc nọ…”.
Hay có thể lấy ví dụ trực quan hơn trong thực tế cuộc sống của bạn như sau: Bạn và nhóm của bạn hẹn nhau đi du lịch bằng một câu nói: “Khi nào đi du lịch Đà Lạt đi!”. Tất cả mọi người đều đồng ý, nhưng “kèo” đi chơi đó được “chôn” xuống đất từ năm này qua năm khác.
Tác giả S. J. Scott đã lý giải trong cuốn sách “Ngay bây giờ hoặc không bao giờ” rằng đa phần mọi người thường đưa ra 7 lý do sau để bao biện cho việc trì hoãn:
- Lý do 1: “Nó cũng chẳng quan trọng lắm”. Mọi người thường né tránh những công việc có vẻ không mấy quan trọng. Và chính bản thân bạn cũng vậy. Có những lúc chúng ta thường trì hoãn một công việc bởi nó chẳng có vẻ gì là quan trọng.
- Lý do 2: “Tôi cần làm… trước”. Nhiều dự án thường bị đình lại bởi có một công việc đặc biệt bức thiết khác chen chân.
- Lý do 3: “Tôi cần thêm thông tin”. Đôi khi đây là một lý do hợp lý. Chúng ta thường có những công việc đòi hỏi phải bắt tay vào thực hiện. Mặc dù vậy, đây cũng khó có thể là một lý do chính đáng nếu bạn thực hiện công việc đó theo tuần.
- Lý do 4: “Tôi bị quá tải”. Chúng ta ai cũng đều từng bị quá tải. Nó khiến chúng ta có cảm giác như dù có “ba đầu sáu tay” thì chúng ta cũng không hoàn thành hết được. Vấn đề này thường xảy ra ra với những người cảm thấy mình phải có trách nhiệm tự làm mọi việc.
- Lý do 5: “Giờ tôi không có thời gian”. Đây cũng là loại lý do thực sự hợp lý. Đôi khi bạn phải tập trung vào một việc và không thể bắt đầu một việc khác.
- Lý do 6: “Tôi lại quên làm nó mất rồi”. Mọi người thường trì hoãn công việc vì họ quên. Chắc chắn nhiều khi, chúng ta lơ đễnh và để một thứ gì đó trôi tuột khỏi tâm trí của mình.
- Lý do 7: “Tôi không thích làm việc này chút nào cả”. Chắc chắn sẽ luôn có những công việc mà chúng ta e sợ. Bí quyết ở đây là chúng ta phải phân biệt được khi nào một công việc cần được hoàn thành.
Vậy làm sao để mọi người, trong đó có cả bản thân bạn ngừng “có những lý do để bao biện” cho sự trì hoãn?
Nếu muốn có được giải pháp thì “Ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, hãy đọc cuốn sách của S. J. Scott.
3/ Học cách tiêu tiền
Khi lương bạn 10 triệu, bạn tiết kiệm được 5 triệu. Và bạn nghĩ rằng: Nếu lương mình cao hơn thì mình sẽ tiết kiệm được nhiều hơn. Tuy nhiên, khi lương bạn đã cao hơn, bạn cũng vẫn chỉ tiết kiệm được 5 triệu, thậm chí còn ít hơn. Tại sao lại vậy?
Tác giả Larry Winget sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời trong cuốn sách “Học cách tiêu tiền”.
Ông đã chỉ ra rằng chính cách chi tiêu cùng lối suy nghĩ của mọi người về vấn đề tiền bạc đã khiến họ lâm vào tình cảnh “cháy túi”, nợ nần chồng chất.
Trong cuốn sách “Học cách tiêu tiền”, ông đã đưa ra những phương pháp rõ ràng, cụ thể, dễ áp dụng để kiểm soát chi tiêu. Xen kẽ là những bài tập thực hành nho nhỏ, những câu chuyện, ví dụ đơn giản và gần gũi, giúp bạn hiểu rõ hơn về thực trạng tài chính của bản thân và có thêm động lực để thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Để bắt đầu một thói quen tốt về tài chính trong năm mới thì đầu tiên bạn cần “Học cách tiêu tiền”.
4/ Điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc cuộc đời
Mỗi người đều được sở hữu một lượng thời gian trong ngày như nhau, tuy nhiên, có những người tận dụng nó để hoàn thành được khối lượng công việc đồ sộ mà vẫn đủ thời gian dành cho gia đình, bạn bè và cho bản thân.
Trong khi đó, nhiều người lại bị nhấn chìm trong đống công việc ngổn ngang và thậm chí không còn một giây phút nào cho chính mình cũng như cho người thân. Vậy sự khác nhau ở đây là gì?
Hãy tìm ra điều quan trọng nhất cần phải thực hiện. Nhưng làm thế nào để điều quan trọng nhất trở thành một thói quen hàng ngày?
Hai tác giả Jay Papasan và Gary Keller đã đúc rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình và các mối quan hệ hợp tác giữa họ và những người khác để tổng hợp nên cuốn sách “Điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc cuộc đời”.
Theo đó, có 5 bước để bạn biến điều quan trọng nhất trở thành thói quen hàng ngày:
- Hiểu và tin vào điều quan trọng nhất. Bước đầu tiên là phải hiểu được khái niệm về điều quan trọng nhất, sau đó tin rằng nó có thể mang lại sự khác biệt trong cuộc sống của bạn. Nếu không hiểu và tin, bạn sẽ không thể hành động.
- Sử dụng điều quan trọng nhất. Hãy tự đặt ra cho mình câu hỏi tập trung. Khi đó, hướng đi của bạn sẽ rõ ràng hơn. Công việc của bạn sẽ hiệu quả hơn và cuộc sống cá nhân của bạn trở nên ý nghĩa hơn.
- Biến điều quan trọng trở thành thói quen. Khi biến việc đặt câu hỏi tập trung trở thành thói quen, bạn đã tận dụng toàn bộ năng lực của nó để đạt được thành công như mong muốn.
- Thúc đẩy các công cụ nhắc nhở. Thiết lập các cách thức để nhắc nhở bản thân sử dụng câu hỏi tập trung.
- Kêu gọi sự hỗ trợ. Thành lập một nhóm hỗ trợ thành công nhỏ gồm một số đồng nghiệp có thể giúp truyền cảm hứng cho tất cả cùng thực hành thói quen thành công mỗi ngày.
Thói quen này có thể trở thành nền tảng cho nhiều thói quen khác, vì vậy hãy giữ thói quen thành công của bạn luôn mạnh mẽ.
5/ Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm
“Tuổi trẻ quá ngắn ngủi để ta có thể hoang phí vào những hời hợt bên ngoài. Khi bạn già đi, bạn sẽ phải nuối tiếc cả giờ đồng hồ về mỗi phút bạn lãng phí khi còn thanh niên.”
Đó là những lời chia sẻ của ông Kim Woo Choong – Nhà sáng lập, cựu chủ tịch của Tập đoàn Deawoo trong cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”.
Cuốn tự truyện của ông chứa đựng những triết lý sâu xa về cuộc sống, đồng thời chứa đựng cả những phương thức, những cách làm tưởng như đơn giản mà hiệu quả, những bí kíp thiết thực đã giúp Chủ tịch Kim thành công từng bước trong sự nghiệp để trở thành một doanh nhân thành đạt, được xếp hạng trên thế giới.
Cuốn sách sẽ tiếp thêm động lực giúp bạn hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của thời gian. Sử dụng thời gian tùy tiện còn nguy hiểm hơn cả việc tiêu tiền phung phí. Bởi vì tiền còn có thể kiếm lại được nhưng thời gian thì không thể lấy lại được. Không có cửa hàng nào bán thời gian cả.
Vậy nên việc tạo dựng những thói quen tốt để bạn không lãng phí thời gian trong cuộc đời chính là chìa khóa để đạt được những mục tiêu của bạn trong năm mới, dù cho mục tiêu đó là gì.
SSDH( Nguồn: Trạm đọc)