Sẵn sàng du học – Các chính phủ các nước đang dần gỡ bỏ các hạn chế đối với những người từng nhiễm virus COVID-19 trước đây. Tuy nhiên, bạn có chắc mình miễn dịch với loại virus này nếu đã từng bị mắc?
Đầu tiên, tóm tắt nhanh về kháng thể của con người
Khi chúng ta gặp phải nhiễm trùng lần đầu tiên, cơ thể cần phải phản ứng nhanh với mối đe dọa. Vì vậy trong vài giờ, nó kích hoạt hệ thống miễn dịch bẩm sinh nhằm đánh lạc hướng nhiễm trùng, trong khi cơ thể tạo ra phản ứng qua hệ thống miễn dịch thích nghi để chống lại nhiễm trùng một cách chậm hơn.
Cơ thể sẽ tạo ra các loại kháng thể khác nhau, nhưng chỉ một số có khả năng ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào, gọi là các kháng thể trung hòa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người hồi phục sau COVID-19 sẽ phát triển kháng thể trong máu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân dường như có mức độ kháng thể trung hòa thấp. Do vậy, số lượng kháng thể có thể không đủ để hoạt động.
Nhìn chung, kết quả xét nghiệm máu dương tính với COVID-19 chỉ có ý nghĩa rằng cơ thể bạn đã từng tiếp xúc với lại virus này. Ngoài ra, mức độ nhạy cảm và quy trình xét nghiệm cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả.
Vì sao một số người bị dương tính lại?
Nhiều báo cáo từ các quốc gia khác nhau rằng những bệnh nhân từng nhập viện với COVID-19 có kết quả dương tính trở lại, sau khi âm tính trước khi ra viện.
Tuy nhiên, một nghiên cứu từ Trung Quốc chỉ ra rằng những người này không hề mắc bệnh lại. Khi xét nghiệm gạc mũi và họng, các chuyên gia phát hiện rằng đó là xác của virus mà thôi. Điều này có thể giải thích tại sao những người tiếp xúc gần với họ không bị bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính.
Các coronavirus khác có tạo ra khả năng miễn dịch?
Có bốn loại coronavirus khác ở người (HCoV) – 229E, NL63, OC43 và HKU1 – gây ra khoảng 15-30% các ca cảm lạnh thông thường. Hai trong số này – OC43 và HKU1 – là một nhóm nhỏ, được gọi là betacoronavirus, cũng như SARS-CoV, MERS và SARS-CoV-2.
Một nghiên cứu từ năm 1990 đã phát hiện nhiễm trùng coronavirus 229E ở người tạo ra khả năng miễn dịch bảo vệ khỏi loại virus đó. Nhưng một năm sau, khi nồng độ kháng thể giảm, những người này có thể bị tái nhiễm. Vậy nên, vẫn chưa có kết luận chắc chắn về khả năng và thời gian miễn dịch với chủng loại virus này.
Các coronavirus khác có cung cấp miễn dịch chéo chống lại COVID-19 không?
Miễn dịch chéo là miễn dịch chống lại một nhiễm trùng cung cấp sự bảo vệ khỏi nhiễm trùng khác. Họ đã chứng minh được rằng giữa HCoV-OC43 và HCoV-HKU1 tạo ra miễn dịch chéo. Cả hai đều là betacoronavirus, vì vậy có thể tạo ra khả năng miễn dịch chéo với betacoronavirus mới, SARS-CoV-2.
Nhưng thật không may, các xét nghiệm hiện tại về COVID-19 lại không cho chúng ta thông tin về khả năng miễn dịch chéo.
Tại sao miễn dịch chéo lại quan trọng?
Do khả năng miễn dịch với hai loại betacoronavirus khác này rất phổ biến và có thể dao động theo thời gian, những người mắc COVID-19 có thể có nồng độ kháng thể khác nhau chống lại HCoV-OC43 và HCoV-HKU1 khi họ bị nhiễm SARS-CoV-2. Điều này đã góp phần nào mức độ nghiêm trọng khác nhau của việc nhiễm trùng COVID-19.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự hiện diện của miễn dịch chéo lại gây hại, bởi vì nó có thể dẫn đến một phản ứng miễn dịch quá mức.
Theo thời gian, vấn đề miễn dịch với COVID-19 sẽ được giải quyết. Nhưng hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang chắp nối thông tin lại với nhau.
Người dịch: Phương Thảo (SSDH)