Sẵn sàng du học – Phân biệt chủng tộc từ nhiều thế kỉ nay đã là nỗi đau không thể xóa nhòa của người dân Mỹ.
Không đợi đến vụ việc người đàn ông da đen George Floyd bị cảnh sát đè cổ gây tử vong chấn động, vấn đề phân biệt chủng tộc từ lâu đã gây nhức nhối trong xã hội Mỹ. Trong suốt hàng chục năm qua, Hollywood đã có những tác phẩm xuất sắc xung quanh số phận của những người da màu. Hãy xem những bộ phim này để hiểu vì sao người da màu phải xuống đường biểu tình cho quyền sống trên đất nước của chính mình.
1. 12 Years a Slave
Bộ phim chuyển thể từ hồi ký cùng tên của Solomon Northup – một người Mỹ da màu sống ở New York bị bắt cóc và đưa xuống các tiểu bang miền Nam làm nô lệ. Vụ việc diễn ra từ năm 1841, ngay trước Nội chiến Hoa Kỳ, đã gây chấn động đất nước. Khán giả yêu thích bộ phim về tính chân thực và câu chuyện gây thương cảm.
12 Years a Slave thậm chí còn trở thành bộ phim được cựu tổng thống Mỹ Barack Obama phải rơi nước mắt. Phim giành giải Oscar cho Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
2. Green Book
Câu chuyện đạo diễn Peter Farrelly kể trong Green Book – bộ phim đoạt giải Phim xuất sắc Oscar 2019, được xây dựng dựa trên những sự kiện có thật. Viggo Mortensen vào vai người tài xế chở một nghệ sĩ piano (Mahershala Ali) đi qua các bang phía nam nước Mỹ.
Hành trình của anh bám sát chỉ dẫn viết bên trong “Green Book”, cuốn cẩm nang chỉ dẫn các tài xế danh sách những cửa hàng và khách sạn dành riêng cho người da màu – một dấu hiệu rõ ràng của nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng hành trình này cũng tạo sự gắn kết không vụ lợi giữa hai người bạn, biến họ trở thành biểu tượng tình bạn không phân biệt màu da, sắc tộc.
3. BlacKkKlansman
Vào Oscar 2019, bên cạnh Green Book còn có một ứng cử viên khác cho hạng mục Phim hay nhất cũng lấy chủ đề người da màu là BlackKklansman. Bộ phim chuyển thể từ sự việc có thật về cảnh sát người da màu Ron Stallworth thâm nhập vào tổ chức "da trắng thượng đẳng" KKK.
Trải qua nhiều khó khăn, nguy hiểm thậm chí đe dọa tính mạng, cuối cùng Ron Stallworth cũng khám phá và ngăn chặn âm mưu của tổ chức này. Nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ là đề tài chính mà Spike Lee theo đuổi trong suốt sự nghiệp làm điện ảnh của mình kể từ thập niên 1980.
4. Get Out
Tác phẩm của đạo diễn Jordan Peele đã lồng ghép nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ vào câu chuyện về ra mắt nhà bạn gái của anh chàng Chris (Daniel Kaluuya). Gia đình người bạn gái đã hết sức chào đón anh ta, nhưng thực ra tất cả chỉ là vở kịch để đưa anh ta vào cái bẫy chết người. Get Out chiến thắng Oscar hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất năm 2017.
5. To Kill A Mocking Bird
Được chuyển thể từ một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn học Mỹ, To Kill a Mocking Bird xoay quanh câu chuyện về cô bé Sout cùng người cha là Atticus Finch. Atticus là một luật sư và ông đã đứng ra bảo vệ một người da màu bị kết tội oan. Vì chuyện này mà Atticus đã nhận phải nhiều sự phản đối, gièm pha nhưng ông vẫn kiên quyết đến cùng.
Bộ phim chiến thắng 3 giải Oscar Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất và được đề cử cho hạng mục Phim hay nhất.
6. Selma
Chuyến đi kéo dài từ Selma tới Montgomery, thủ phủ tiểu bang Alabama, nhằm đòi quyền bầu cử chính đáng cho người Mỹ gốc Phi ở Selma, vốn khi đó chiếm 57% dân số thành phố nhưng chỉ chưa đầy 1% trong số đó có được quyền này. Selma cũng được đề cử Phim hay nhất trong lễ trao giải Oscar 2015 nhưng rất tiếc không chiến thắng.
7. 12 Angry Men
Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ đề cập tới vấn đề phân biệt chủng tộc. Lấy đề tài tranh tụng, bộ phim của đạo diễn Sidney Lumet đã khắc họa tư tưởng phân biệt chủng tộc thông qua trận đấu trí căng thẳng giữa các thành viên của bồi thẩm đoàn gồm 12 người đàn ông da trắng xung quanh kết luận phiên tòa xử một cậu bé Puerto Rico tội giết cha.
12 Angry Men được tôn vinh như một chuẩn mực của nghệ thuật điện ảnh. Phim ở vị trí thứ 87 trong bảng xếp hạng 100 phim hay nhất mọi thời đại.
8. When They See Us
Gồm 4 tập phim, When They See Us của Netflix là hành trình tái hiện bi kịch đau đớn và đầy căm phẫn dựng lên hình ảnh một nước Mỹ phân biệt chủng tộc sâu sắc. Ngày 19/04/1989, tại công viên Trung tâm North Woods ở Manhattan một người phụ nữ da trắng đã bị bắt cóc, đánh đập và cưỡng bức thô bạo tới mức khi cảnh sát tìm tới cô đã suýt chết.
Một nhóm thanh thiếu niên da màu gần đó đã bị bắt ngay lập tức, chính quyền vội vã luận tội và tống giam mà không có bằng chứng cụ thể. Dù sau này được trả tự do, nhưng tương lai của những thiếu niên ngồi tù oan đã vĩnh viễn bị nhà tù và luật pháp lấy mất.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14