Những câu chuyện tâm lý học hài hước

0

Sẵn sàng du học – Từ xa xưa, các nhà triết học đã theo đuổi vấn đề tự do ý chí, có hay không chuyện chúng ta được tự do đưa ra mọi quyết định bằng lý trí để điều khiển bản thân và cuộc sống.

Chúng ta, ở góc độ đơn giản hơn, vẫn tin rằng việc mình quyết định mua một cuốn sách, xem một bộ phim, chọn một nhãn hiệu hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào những suy luận dựa trên luận điểm, luận cứ rõ ràng, có cơ sở và logic. Nhưng sự thật là chúng ta không thông minh đến thế đâu.

Bộ môn tâm lý học nói riêng và ngành khoa học nhận thức nói chung đang ngày một thành công hơn trong việc chứng minh rằng chính bản thân bạn cũng chẳng nắm được tại sao mình lại làm những việc mà bạn vẫn làm, chọn những thứ mà bạn vẫn chọn, thậm chí là nghĩ những điều mà bạn vẫn nghĩ.

Vì sao bạn bỏ dở kế hoạch ăn kiêng, vì sao bạn thích Apple hơn Microsoft? Trong suốt cuộc đời, chúng ta tự tạo ra những quan điểm, tự xâu chuỗi những câu chuyện về bản thân mình, về lý do cho những hành động trong quá khứ, và vấn đề ở chỗ, chúng ta hoàn toàn không ý thức được điều đó.

ssdhbankhongthongminhlamdau

Bằng một giọng văn hài hước, cuốn sách Bạn không thông minh lắm đâu của David McRaney đã thành công trong việc chứng minh rằng từ những nhà khoa học lỗi lạc nhất cho tới những người thợ khiêm tốn nhất, bộ não mỗi cá thể đều chứa đầy những định kiến và khuôn mẫu.

Những thứ này thường đánh lừa bộ não một cách khéo léo khiến chúng ta chẳng thể nhận ra được. Vậy nên đừng vội lo lắng, bạn không phải là trường hợp đặc biệt đâu. Dù thần tượng hay sư phụ của bạn có là ai đi chăng nữa, chính họ cũng thường xuyên mắc lỗi.

Đi qua những thí nghiệm, trò chơi, câu chuyện nổi tiếng nhất trong ngành tâm lý học nhận thức, từ thí nghiệm Milgram về sự tuân phục, sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas, hiệu ứng mỏ neo, thiên kiến xác nhận, ảo giác về sự minh bạch… tất cả đều dẫn đến làm rõ ba chủ đề chính xuyên suốt cuốn sách: thiên kiến nhận thức, sự tự nghiệm và những phương pháp ngụy biện.

Đây là những thành phần cấu tạo nên tâm trí của bạn, giống như các bộ phận trong cơ thể vậy. Trong điều kiện lý tưởng thì chúng sẽ phục vụ bạn một cách đắc lực. Tuy nhiên, đời không như là mơ, và chúng ta chẳng mấy khi được sống trong điều kiện lý tưởng cả.

Những thành phần này của tâm trí con người rất dễ bị bắt bài và có tính phụ thuộc cao nên đã bị lợi dụng từ hàng trăm năm nay bởi những kẻ lừa đảo, các ảo thuật gia, con buôn , ông bà đồng, hay bọn bán thuốc giả để kiếm lời.

Qua mỗi chủ đề trong cuốn sách, bạn sẽ có được cách nhìn mới về bản thân mình, rằng bạn chẳng thông minh như bạn vẫn tưởng đâu. Với một lô những thiên kiến nhận thức lệch lạc, những phương pháp tự nghiệm cẩu thả và những lập luận ngụy biện vụng về, bạn đang tự đánh lừa bản thân mình từng phút một chỉ để đối mặt với cuộc sống này.

Nhưng đừng lo, ai cũng như bạn thôi. Và cuốn sách cũng sẽ mở ra những gợi ý mới giúp bạn kiểm soát bản thân một cách tốt hơn, điều khiển cuộc đời theo đúng kế hoạch hơn. Vì thế, bạn còn sợ gì mà không dấn bước vào chuyến phiêu lưu này?

Tác giả David McRaney từng là phóng viên, nhân viên truyền thông, viết quảng cáo cho hãng Heineken và tham gia sản xuất các chương trình truyền hình. Với niềm đam mê tâm lý học, ông đã nghiên cứu, tổng hợp và đem đến cho người đọc nhiều thông tin thú vị ẩn sâu trong bộ não con người thông qua trang blog You are not so smart (Bạn không thông minh lắm đâu).

Trang blog đã trở thành một hiện tượng và thu hút hàng triệu lượt xem. Nhờ sự thành công của nó, cuốn sách cùng tên ra đời. You are not so smart được dịch ra hơn 14 thứ tiếng và nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply