Những lưu ý khi vay du học

0

SSDH – Ông Godfrey Swain, Phó tổng giám đốc VIB, cho rằng việc chuẩn bị tài chính để du học cần được tính toán sớm, nếu khả năng của gia đình hạn chế thì có thể nhờ ngân hàng hỗ trợ.

 

Trong buổi giao lưu trực tuyến kéo dài 2 tiếng về chủ đề “Chuẩn bị tài chính khi du học”, nhiều độc giả của Zing.vn đã đặt câu hỏi về vấn đề vay du học. Ông Godfrey Swain, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB nhận định, vay du học tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến và trở thành giải pháp để các gia đình cho con tiếp cận môi trường giáo dục quốc tế.

 

Khi độc giả Đinh Như Quang thắc mắc gia đình cần vay khoảng bao nhiêu phần trăm trong tổng chi phí cần có, bao gồm học phí và sinh hoạt phí; ông Godfrey Swain chia sẻ thông thường khách hàng vay khoảng 70%, tuy nhiên trong trường hợp gia đình cần hỗ trợ VIB có thể cho vay tối đa 100% với thời hạn vay tối đa lên tới 10 năm và lãi suất linh hoạt.

 

Bên cạnh lãi suất, đại diện VIB nhấn mạnh khi vay du học các gia đình cần tìm hiểu thêm một số yếu tố khác như hạn mức vay, thời hạn vay, phí trả trước hạn, từ đó tính toán nguồn trả nợ và số tiền trả nợ phù hợp cho thu nhập.

 Godfrey%20Swain.JPG

Ông Godfrey Swain, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB

trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Zing.vn.

 

Một câu hỏi khác được nhiều người quan tâm là liệu các khoản vay du học có thể trả sau khi học sinh, sinh viên đã hoàn tất việc học và tìm được việc làm hay không. Ông Godfrey Swain cho biết ngân hàng rất muốn thực hiện điều này để hỗ trợ người dùng. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng cho một khoản vay buộc phải xem xét đến khả năng thanh toán của khách hàng và trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay rất khó để miễn trả nợ gốc cho đến lúc người học tốt nghiệp. Thay vào đó, VIB gia hạn thời gian vay tối đa đến 10 năm, vừa giảm bớt áp lực tài chính cho gia đình, vừa tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thanh toán khi đã đi làm.

 

Đại diện VIB bổ sung thêm, điều kiện đầu tiên khi vay du học là người đi học cần có người thân đủ khả năng trả nợ đứng ra vay. Sau đó, tiếp tục chuẩn bị hồ sơ bao gồm: chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn (nếu có); hồ sơ chứng minh nguồn trả nợ và hồ sơ tài sản thế chấp. Đối với vay du học, tài sản thế chấp thông thường là bất động sản đã có sổ đỏ/sổ hồng, phương tiện vận tải, giấy tờ có giá. Về giải ngân, ngân hàng giải ngân một lần hoặc nhiều lần theo tiến độ đóng học phí của trường.

 

Nguồn: Zing

Share.

Leave A Reply