SSDH – Nước Anh đã cho tôi những ngày tươi đẹp nhất, biết bao trải nghiệm quý báu và cảm xúc kỳ diệu. Mọi thứ, sau 4 năm, tôi vẫn ngỡ mới như ngày hôm qua.
Nước Anh đẹp lắm anh ơi, đẹp hơn cả trí tượng tượng của anh và của em cộng lại, đẹp hơn những gì chúng ta thường nhắc đến trong những bản tin. Ước gì anh cũng ở đây để cùng em cảm nhận!
Năm đó, tôi được chọn tham dự khóa đào tạo ngắn ngày của hãng tin Reuters, hãng thông tấn danh giá hàng đầu của Anh. Sau những nỗ lực đăng ký khóa học, những tưởng đã trượt thì tôi bất ngờ được thông báo đậu. Tôi trở thành một trong số 14 phóng viên quốc tế được chọn trong số hàng trăm ứng viên khắp thế giới. Niềm vui sướng ấy nhanh chóng bị lấn át bởi viễn cảnh về những khó khăn mà tôi phải đối mặt khi đến châu Âu. Đó là chuyến đi xa một mình đầu tiên trong đời tôi.
Thủ tục xin visa diễn ra gấp rút. Ngày nhận được kết quả visa, tôi mừng như bắt được vàng vì nắm chắc trong tay cơ hội được đặt chân đến xứ sở sương mù – nơi mà tôi chỉ được nhìn thấy qua sách báo và những bản tin mà mình biên tập. Một ngày đầu tháng 10, tôi – con bé 26 tuổi mang trong mình tâm trạng háo hức xen lẫn chút lo lắng, lấy hết can đảm bước lên chuyến bay sẽ đưa tôi đến đất nước xinh đẹp và cổ kính, mà nhiều bạn trẻ như tôi ao ước một lần được đến.
London chào đón tôi bằng một cơn mưa nhẹ. Không khí cuối thu mát lạnh phà vào mặt. Tôi sung sướng hít lấy hít để, tận hưởng cái thời tiết mà ở Việt Nam chỉ dám mơ ước. Trên đường từ sân bay Heathrow về khách sạn, tôi căng mắt ngắm những con đường lạ lẫm. Những chiếc xe buýt 2 tầng đỏ chót không lạc vào đâu được của London, dòng sông Thames với cầu tháp bắc ngang, vòng xoay London Eyes, cả tháp Big Ben phía xa – những thứ chỉ được ngắm trên báo đài dần dần hiện ra rất thật, vậy mà tôi cứ ngỡ mình đang mơ.
Ngày đầu tiên đi học, tôi dậy rất sớm, xúng xính áo ấm, khăn choàng, nón len. Tôi được học tại trụ sở chính của Reuters, trải nghiệm cách làm việc chuyên nghiệp của các phóng viên quốc tế, tham quan tòa soạn Financial Times, tham dự các buổi workshop và treat party. Rõ ràng không có gì tuyệt vời hơn khi được đào tạo về truyền thông tại một trong những quốc gia có mạng lưới truyền thông phát triển bậc nhất thế giới. Sau buổi học đầu tiên, chúng tôi – những người bạn mới gặp kéo nhau ra bến tàu mua vé đi dạo trên sông Thames ngắm cảnh trong cái lạnh tê tái buổi đêm.
Kết thúc khóa học, bạn bè lũ lượt về nước, còn tôi vẫn bị cái sự đẹp đẽ, cái nét văn hóa cổ kính, cái thời tiết dở dở ương ương của nước Anh mê hoặc. Sau đó tôi đi về phía Tây London, nơi có đứa em đang là du học sinh cho tôi ở cùng suốt 10 ngày sau đó. Lần đầu tiên tôi một mình bắt tàu điện ngầm đi từ Canary Wharf đến Ealing Broadway. Khỏi phải nói là tôi đã căng mắt như thế nào để nghiên cứu tubemap (bản đồ tàu điện ngầm), thứ mà lần đầu tiên cầm trên tay tôi chẳng hình dung được gì cả, chỉ thấy các lines chằng chịt như ma trận. Tôi còn nhớ rất rõ khi thấy tôi khệ nệ kéo chiếc vali to đùng, đang xoay sở không biết làm cách nào để xuống ga tàu điện, một người đàn ông trung niên đã đề nghị giúp tôi vác vào tận toa tàu. Khi đó, những định kiến về người Anh nào là lạnh lùng, khó gần mà tôi được cảnh báo trước đó dần dần biến mất.
Những ngày sau đó là những ngày chân tôi đi nhiều nhất có thế, vì không muốn lãng phí một giây phút nào trên đất nước xinh đẹp này. Một buổi chiều đi dạo London, được thấy tu viện Westminster với lối kiến trúc mái vòm mê hoặc lòng người, được tham quan British Museum – nơi khiến tôi như lạc vào thế giới Ai Cập cổ đại, được ngắm những con phố cổ kính như Hẻm Xéo trong Harry Potter. Thú vị nhất là tôi được chứng kiến nghi thức Changing the Guard (đổi ca trực lính gác) trước điện Buckingham, nhìn thấy nơi ở và làm việc của thủ tướng Anh – căn nhà số 10 Downing Street mà chúng tôi thường nhắc đến trong các bản tin, và chỉ cần hình ảnh một nghệ sĩ đường phố chơi giai điệu Danube Wave mà tôi yêu thích cũng làm tôi mê mẩn.
Tôi vẫn nhớ cái cảm giác phiêu lưu một mình bắt coach đi Cambridge và Nottingham, nơi có những người bạn chưa từng gặp mặt nhưng sẵn sàng rong rủi cùng tôi và cho tôi tá túc. Trái ngược với London nhộn nhịp là một Nottingham yên bình đến lạ và một Cambridge quá đỗi xinh đẹp. Những buổi chiều đi vòng quanh khuôn viên đại học Nottingham, băng rừng lượm hạt dẻ, tham quan bảo tàng lịch sử Wallaton Hall, cùng những buổi dạo ngắm lá phong đỏ cuối thu, giữa cảnh đẹp như tranh vẽ và cái lạnh 5 độ C của Cambridge là những trải nghiệm mà tôi vô cùng trân quý ở một đất nước hiện đại toát lên giá trị cổ kính. Nếu như British Museum là thế giới Ai Cập cổ đại, thì bảo tàng lịch sử Wallaton Hall là bức tranh toàn cảnh về thời kì Phục Hưng mang đậm kiến trúc La Mã cổ đại.
Ở Anh không khó để thấy những ngôi nhà với các chậu hoa nhỏ xinh treo lủng lẳng trước cửa. Người Anh yêu thiên nhiên hay chính thiên nhiên hòa quyện làm cho con người nơi đây hồn hậu và gần gũi. Tôi thấy mình may mắn khi được một lần đến Anh, nơi đã cho tôi thấy nhịp sống hối hả của một buổi sáng London, từng dòng người ra vào tấp nập tại các ga tàu điện tranh thủ để kịp giờ công sở. Thế đấy, hối hả nhưng không xô bồ, bởi nơi đây thấm đẫm một nền văn hóa, văn minh đáng học hỏi được thể hiện qua những thứ rất đơn giản. Người dân đảo quốc sương mù luôn nói “cám ơn”, “xin lỗi” và xếp hàng ở nơi công cộng.
Những ngày tươi đẹp của tôi đơn giản như thế, đó là những ngày tôi phải lòng nước Anh – nơi tôi được đắm chìm khí chất thanh lịch tao nhã rất châu Âu ở từng góc phố, được xúc động trước những con người nồng hậu…
Sau 18 ngày trải nghiệm một cuộc sống thật khác, hành trình mang tên nước Anh đã giúp tôi trưởng thành hơn, là bước ngoặt giúp tôi củng cố quyết tâm theo đuổi truyền thông báo chí. 4 năm trôi qua, nhưng những ký ức về nước Anh vẫn còn nguyên vẹn. Được đặt chân đến nước Anh, với tôi đó là kết quả của những nỗ lực được đền đáp. Cũng chính nơi đây đã ươm mầm trong tôi những khao khát được đi để trau dồi sự hiểu biết, để suy ngẫm và trải nghiệm cuộc sống.
Vì cuộc đời là những chuyến đi… và nước Anh vẫn là nơi tôi ao ước được quay trở lại!
Nguyễn Trần Ánh Nhật (Theo Vnexpress)