Sẵn sàng du học – Trên thế giới có nhiều ngôi trường phổ thông hết sức phong phú, đôi khi rất kỳ lạ.
Thụy Sĩ: Trường giàu nhất
Hiện nay có nhiều trường tư đắt giá, được trang bị hết sức tối tân xét về mặt khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều trường trong số đó khó so sánh được với một trong những ngôi trường lâu đời, đắt giá nhất thế giới – Trường phổ thông Hoàng gia Thụy Sĩ.
Được gọi là “Hoàng gia”, nhưng học tại trường này không phải là con cái các gia đình hoàng tộc, mà là học sinh từ 67 nước khác nhau trên thế giới. Tiêu chuẩn lựa chọn duy nhất là khả năng chi trả của bố mẹ, bởi học phí hàng năm ở đây lên tới 100.000 euro.
Tất nhiên, đây là một số tiền rất lớn, nhưng chất lượng giáo dục tương xứng với điều đó. Hơn nữa, một phần giá cả được bù lại cho học sinh dưới dạng tiền tiêu vặt mà Ban giám hiệu nhà trường cấp cho học sinh.
Trường được xây dựng năm 1880, trên một diện tích rộng 28 ha nằm giữa hồ Geneva và thành phố Lausanne, một địa điểm cực kỳ thơ mộng. Hơn nữa, khuôn viên mùa hè nằm trong một lâu đài thực sự của thế kỷ XIV.
Học sinh sống trong những căn phòng rộng, mỗi phòng hai người, học sinh trung học phổ thông được quyền ở phòng riêng. Nhà trường có bể bơi mở và khép kín để luyện tập thể thao. Trừ những kỳ nghỉ, học sinh sống ở đây vào mùa hè, mùa xuân và mùa thu. Mùa đông, các em chuyển lên học tại khu trượt tuyết Gstaad. Mỗi tuần, học sinh có thể trượt tuyết 4 lần, còn vào thứ 7 các em được học môn thể thao này.
Trường có 400 học sinh từ 8 đến 18 tuổi học cùng lúc 4 ngoại ngữ. Các em ngủ dậy vào lúc 7 giờ sáng, sau đó ăn sáng, tiết học bắt đầu vào lúc 8 giờ. Vào lúc 12 giờ 20 phút các em nghỉ để ăn trưa, sau đó lại học tiếp đến 15 giờ 30 phút. Từ 16 giờ đến 18 giờ, các em luyện tập 1 trong 25 môn thể thao, mỗi môn có một phòng tập riêng. Mỗi lớp có 10 học sinh, số lượng thầy giáo là 150 người.
Đáng chú ý là sau khi tốt nghiệp trường này, có 30% học sinh thi đỗ vào 25 trường đại học xuất sắc nhất thế giới mà không cần sử dụng “phao” và học thêm.
Nga: Trường du mục
Một thời gian dài, thế hệ trẻ những người nuôi hươu ở vùng Yakutia thuộc LB Nga không thể đến trường thường xuyên, vì trẻ em phải cùng với bố mẹ mình và đàn hươu nai đông đúc di chuyển từ trại này sang trại khác.
Ở đây có hệ thống các trường nội trú, nhưng phụ huynh không thể để con lại một mình. Tuy nhiên, gần đây tất cả đã thay đổi. Tại khu vực đã xuất hiện các lớp học du mục: Thầy giáo di chuyển cùng với học sinh và các bậc phụ huynh để dạy các em trong các lều trại. Các em học sinh cũng làm bài tập về nhà, bài kiểm tra như các bạn cùng lứa sống định cư.
Dần dần các trường du mục được đổi mới. Tại nhiều gia đình những người nuôi hươu đã xuất hiện pin mặt trời và điều kiện tiếp cận năng lượng điện. Trước đó, học sinh học bên ngọn nến. Hiện nay, Internet trợ giúp các em đáng kể trong học tập.
Ấn Độ: Trường nghèo nhất
Nhiều người cho rằng, các trường phổ thông nghèo nhất thế giới nằm ở châu Phi. Trẻ em ở đây thường học trong các nhà kho bình thường, với những môn học cần thiết nhất. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở Ấn Độ, một nước không phải nghèo nhất thế giới, rất đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Tại các khu nhà ổ chuột của New Delhi đang tồn tại cái gọi là trường học dưới gầm cầu. Đây là một thực tế khắc nghiệt. Đã một vài năm nay, hằng ngày có khoảng 50 trẻ em đến đây để nghe thầy giáo vốn là một chủ cửa hiệu nhỏ giảng bài.
Bảng được gắn vào một bức tường bê tông bình thường. Chỉ có một thầy giáo duy nhất dạy học sinh hoàn toàn miễn phí, miễn sao các em chịu khó ngồi học, chứ không chạy lông nhông ngoài đường. Điều thú vị nhất ở trường này là học sinh hiếm khi bỏ học và các em làm bài tập về nhà rất đầy đủ.
Tây Tạng: Trường cao nhất
Nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt ở nông thôn, thường than phiền rằng con cái họ mất rất nhiều thời gian đến trường. Rõ ràng, những người này không biết gì về Trường Tiểu học Phumachangtang ở Tây Tạng.
Trường này được coi là cao nhất thế giới. Nó nằm ở độ cao 5.373 mét trên mực nước biển. Vị trí này còn cao hơn nơi cắm trại của các vận động viên chinh phục đỉnh Everest 200 mét. Thế nhưng những đứa trẻ Phumachangtang hàng ngày phải vượt qua một chặng đường rất dài để đến trường. Không một trở lực nào, kể cả thời tiết lạnh lẽo, những cơn gió buốt giá và băng tuyết, có thể ngăn cản các em trên con đường chinh phục tri thức.
Colombia: Trường đến bằng đu dây
Tại làng Los Pinos ở Colombia, đu dây không phải là một trò giải trí đối với những học sinh bản xứ, mà là một nhu cầu sống còn.
Vấn đề ở chỗ để đến được ngôi trường nằm ở dãy núi bên cạnh mà dưới chân núi là một khu rừng rậm rất khó vượt qua, học sinh chỉ có thể đu dây. Đây là loại phương tiện “giao thông” khá nguy hiểm, đòi hỏi HS có kỹ năng nhất định và sức khỏe tốt. Mỗi lần đến trường, những học sinh lớn tuổi bao giờ cũng phải kèm cặp các em nhỏ tuổi hơn.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo GDTĐ